Theo News-Medical, nhóm nghiên cứu từ Đại học Nevada ở Las Vegas (UNLV – Mỹ) đã chứng minh khoai tây – được ăn theo cách “nguyên vẹn” – có thể được dùng để thay thế các loại tinh bột khác ở người cần cải thiện vòng eo và sức khỏe tim mạch – chuyển hóa.
Khoai tây thường được cho là không phù hợp với người ăn kiêng bởi việc coi nó như một loại rau củ thông thường là sai lầm, bởi nó chứa nhiều carbohydrate.
Tuy nhiên, nhóm tác giả UNLV lưu ý rằng khi bạn xếp nó vào nhóm tinh bột, nó lại là một trong những loại tinh bột tốt.
Trong nghiên cứu, các tình nguyện viên được ăn một củ khoai tây nướng không gọt vỏ có trọng lượng 100 g để thay thế cho một bữa ăn nhẹ hoặc ăn kèm trong các bữa chính, thay thế cho thức ăn nhẹ hoặc tinh bột khác.
Trong khi đó, một nhóm đối chứng được tiêu thụ một lượng cơm trắng tương tự, cùng số calo và carbohydrate với củ khoai tây.
Cả hai nhóm được theo dõi trong vòng 12 tuần. Kết quả cho thấy nhóm ăn khoai tây có lượng đường trong máu lúc đói giảm nhẹ, có sự cải thiện về thành phần cơ thể, vòng eo và nhịp tim khi nghỉ ngơi giảm.
Nghiên cứu cũng cho thấy nó hoàn toàn an toàn với bệnh nhân tiểu đường type 2 mà không gây ra các bất lợi về tim mạch như một số lời đồn.
Theo TS Neda Akhavan từ UNLV, tác giả chính, điều quan trọng là phải ăn điều độ và lưu ý phương pháp chế biến.
Những củ khoai tây nướng được sử dụng trong nghiên cứu không gọt vỏ bởi lẽ vỏ khoai tây từ lâu đã được chứng minh là chứa nhiều chất dinh dưỡng tăng cường sức khỏe, nhiều hơn cả phần ruột.
Vỏ khoai tây chứa một loại chất xơ nhất định gọi là “tinh bột kháng”, đã được chứng minh là có thể cải thiện khả năng kiểm soát glucose, các chỉ số mỡ và tăng cảm giác no.
Ngoài ra, chắc chắn bạn không nên ăn kiểu khoai tây chiên hay nghiền nó với quá nhiều bơ. Luộc khoai cũng là giải pháp tốt, tuy nhiên nếu muốn giữ lại nhiều kali trong vỏ – một vi chất rất cần thiết cho hệ tim mạch khỏe mạnh – thì nên nướng nguyên củ.