Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 4/2024, tỉnh Thanh Hóa có 45 cụm công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích 1.633,45 hécta. Trong số đó, mới có 2 cụm công nghiệp đã đầu tư hoàn thành 100% hạ tầng theo quyết định được duyệt, gồm: Cụm công nghiệp Thái Thắng, diện tích 30,7 hécta, đã có 2 nhà đầu tư thứ cấp thuê đất với tổng diện tích 15,5 hécta; Cụm công nghiệp thị trấn Vạn Hà, diện tích 17,64 hécta, đã có 1 nhà đầu tư thứ cấp thuê đất với diện tích 12,16 hécta.
Có 4 cụm công nghiệp đã hoàn thành đầu tư hạ tầng giai đoạn 1, gồm cụm công nghiệp Hòa Lộc đã hoàn thành đầu tư hạ tầng với diện tích 14,4/19 hécta, thu hút được 3 nhà đầu tư thứ cấp thuê đất với diện tích 4,3 hécta; Cụm công nghiệp Bắc Hoằng Hóa đã hoàn thành đầu tư hạ tầng với diện tích 26,8/50 hécta, thu hút được 7 nhà đầu tư thứ cấp thuê đất với diện tích 20,2 hécta; Cụm công nghiệp thị trấn Quán Lào đã hoàn thành đầu tư hạ tầng với diện tích 10,2/72,96 hécta, thu hút được 1 nhà đầu tư thứ cấp thuê đất với diện tích 10,2 hécta; Cụm công nghiệp Thượng Ninh đã cơ bản hoàn thành đầu tư hạ tầng với diện tích 20/20 hécta, chưa thu hút được nhà đầu tư thứ cấp.
Có 17 cụm công nghiệp đã hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) toàn bộ dự án hoặc theo giai đoạn, đang thực hiện các thủ tục thuê đất, giao đất và triển khai đầu tư xây dựng, như: Cụm công nghiệp Đông Văn; cụm công nghiệp Vĩnh Minh; cụm công nghiệp làng nghề Tiến Lộc; cụm công nghiệp Tư Sy; cụm công nghiệp Xuân Hòa; cụm công nghiệp Điền Trung…
Ngoài ra, có 8 cụm công nghiệp đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đang tiến hành đền bù GPMB. 14 cụm công nghiệp còn lại đang hoàn thiện các hồ sơ thủ tục đầu tư, chưa thực hiện giải phóng mặt bằng.
Thực trạng trên cho thấy, tiến độ đầu tư, chuẩn bị đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như việc thu hút đầu tư vào địa phương.
Có nhiều lý do được đưa ra, trong đó, một phần do năng lực của một số chủ đầu tư còn yếu, chưa tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện dự án, dẫn đến dự án phải điều chỉnh tiến độ nhiều lần. Mặt khác, một số cụm công nghiệp phải chờ quy hoạch xây dựng chung đô thị hoặc điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị thì mới lập và phê duyệt được quy hoạch chi tiết…
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trong thời gian tới, ngay từ đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND về triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch nêu rõ, UBND tỉnh Thanh Hóa kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ mà nguyên nhân do chủ đầu tư không đủ năng lực hoặc không tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hoá tiếp tục tổ chức hội nghị giao ban liên quan đến tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm đã yêu cầu các Sở, ngành, các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương cập nhật các quy hoạch cấp phép xây dựng, giao đất.
Đối với các vướng mắc liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Sở, ngành và địa phương, chậm nhất 5 ngày sau khi nhận được văn bản đề xuất của chủ đầu tư phải giải quyết. Tập trung làm tốt công tác GPMB, bố trí tái định cư theo đúng tiến độ. Sau khi các địa phương thực hiện xong việc kiểm kê, phê duyệt phương án GPMB, chậm nhất 7 ngày chủ đầu tư phải chuyển tiền để thực hiện chi trả đền bù.
Với các dự án chậm tiến độ do nguyên nhân khách quan, chủ đầu tư phối hợp lập hồ sơ theo quy định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh tiến độ. Với các trường hợp nhà đầu tư chây ì, không tích cực triển khai thực hiện sẽ kiên quyết chấm dứt, thu hồi…