Chiều ngày 11/9/2024, thông tin với PV Gia đình và Xã hội, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết, hiện nay, mực nước lũ trên các sông khu vực tỉnh Nam Định đang có diễn biến rất phức tạp, gây mất an toàn cho hệ thống đê điều. Lúc 13h00 ngày 11/9/2024, mực nước trên sông Đào tại trạm thủy văn Nam Định là 5,11m (vượt mức báo động 3 là 0.81m); trên sông Ninh Cơ tại trạm Trực Phương là 3,70m (vượt mức báo động 3 là 1,1m).
Lúc 12h00 ngày 11/9/2024, mực nước trên sông Đáy tại trạm Ninh Bình là 3,90m (trên mức báo động 3 là 0,40m); tại Phủ Lý là 5,00m (vượt mức báo động 3 khoảng 1,00m); trên sông Hồng tại trạm Tiến Đức là 6.68m (trên báo động 3 khoảng 0,38m).
Theo Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) tỉnh Nam Định tại bản tin lũ khẩn phát lúc 12h ngày 11/9, mực nước trên các sông của tỉnh này đang tăng nhanh. Theo đơn vị dự báo mực nước các sông tiếp tục lên và khả năng đạt đỉnh vào trưa đến chiều tối ngày 11/9; biên độ lũ 2 – 3,2m; độ sâu ngập lụt bãi bồi ven sông 0,7 – 1,7m. Trên sông Đào tại Nam Định; trên sông Ninh Cơ tại Trực Phương; trên sông Đáy tại Ninh Bình, Phủ Lý; trên sông Hồng tại Tiến Đức tiếp tục duy trì ở mức trên báo động 3.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ trên các sông cấp 3; cần đề phòng sạt lở vùng ven đê sung yếu và ngập lụt, sạt lở đất ở bãi bồi, vùng ven sông.
Trước tình hình nguy cấp, 14h ngày 11/9/2024, UBND tỉnh đã có Công điện số 26/CĐ-UBND về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Theo đó, để chủ động triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân; Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương, các sở, ngành, các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 07/5/2024 và văn bản số 877/UBND-VP3 ngày 10/9/2024 của UBND tỉnh Nam Định.
Tỉnh Nam Định giao các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố với mục tiêu đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho nhân dân. Chỉ đạo các cơ quan chức năng, duy trì nghiêm chế độ trực lãnh đạo với tinh thần khẩn trương nhất, tập trung di dời nhân dân dân cư sinh sống, hoạt động tại các bãi sông, khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở, không đảm bảo, không an toàn.
Nhất là các khu vực vùng nguy hiểm như: bối Phương Định huyện Trực Ninh; bối Yên Bằng, Yên Trị huyện Ý Yên; bối Hồng Hà, bối Hồng Long, bối Vạn Diệp thành phố Nam Định; bối Thắng Thịnh, bối Đại An, bối An Tùy huyện Nam Trực, bối Đồng Gò huyện Hải Hậu, bối Hoàng Nam, bối Quần Liêu huyện Nghĩa Hưng,…
Tuyệt đối không để người dân nào bị đói, rét, không có nơi ở; chuẩn bị, cung ứng đầy đủ các điều kiện sinh hoạt về thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cho người dân tại các địa điểm sơ tán; có phương án sơ tán, di dân và tài sản của người dân vào những nơi an toàn.
Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, theo dõi thường xuyên, liên tục tình hình mực nước lũ để chủ động tuần tra, canh gác đê điều đặc biệt là những tuyến đê chính. Kịp thời phát hiện các sự cố có thể xảy ra, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc để hộ đê theo phương châm “4 tại chỗ” ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê trên địa bàn quản lý.
Chủ động huy động mọi nguồn lực để khẩn trương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ để nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất, kinh doanh. Kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng của nhà nước trên địa bàn gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước 08h ngày 12/9/2024 để tổng hợp, báo cáo UBND.
Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ; phối hợp với các địa phương thực hiện tuần tra, kiểm soát nghiêm ngặt, liên tục tại các tuyến đê chính để kịp thời phát hiện các sự cố và xử lý giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ” khi có tình huống xảy ra.
Chỉ đạo các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của bão, mưa lũ đối với sản xuất nông nghiệp, khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau bão, mưa lũ. Tổng hợp nhu cầu, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất nông nghiệp, không để xảy ra thiếu nguồn cung lương thực, thực phẩm trong thời gian tới.
Thống kê, tổng hợp tình hình thiệt hại bão số 3 và mưa lũ sau bão của các địa phương, đơn vị báo cáo UBND tỉnh Nam Định trước 14h ngày 12/9/2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai lực lượng, phương tiện cùng với các địa phương tiếp cận bằng được các khu vực nguy hiểm để hỗ trợ sơ tán người dân, tài sản đến khu vực an toàn; hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm, lương khô, bánh mì, sữa, hàng cứu trợ… cho người dân khi có khu vực bị chia cắt và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương.
Đối với Sở Y tế, chỉ đạo các đơn vị bảo đảm công tác cứu chữa người bị thương, hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân tại những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt, xử lý môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau bão, lũ.
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo tập trung đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trên các tuyến giao thông chính phục vụ công tác vận chuyển hàng cứu trợ và tìm kiếm cứu nạn; theo dõi diễn biến mưa, lũ để có phương án điều tiết hoạt động giao thông tại các bến phà, cầu phao, âu tàu đảm bảo an toàn; rà soát, kịp thời phát hiện các sự cố đối với các cầu giao thông….
Xem thêm video đang được quan tâm:
Video: Bên trong khu xử lý rác của Công ty CP Môi trường Nam Định