Nghiên cứu cho thấy vitamin D – “vitamin ánh nắng mặt trời” có thể đóng vai trò quan trọng trong khả năng sinh sản. Tuy nhiên, những năm gần đây, các chuyên gia sức khỏe lo ngại rằng mức vitamin D của nhiều người quá thấp. Chúng ta có nên bổ sung vitamin D khi cố gắng thụ thai không? Hãy cùng tìm hiểu về lợi ích của vitamin D đối với khả năng sinh sản của nam giới.
1. Vitamin D liên quan thế nào đến khả năng sinh sản của nam giới?
Nghiên cứu cho thấy nồng độ vitamin D đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe sinh sản. Vitamin D có liên quan đến chức năng tình dục, nồng độ testosterone và khả năng sinh sản nói chung.
Một nghiên cứu năm 2022 đã xem xét mối quan hệ giữa nồng độ vitamin D trong máu và một số thông số tinh trùng ở nam giới có vấn đề về khả năng sinh sản không rõ nguyên nhân. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ đáng kể giữa nồng độ vitamin D thấp và mức độ phân mảnh DNA tinh trùng cao hoặc tổn thương vật liệu di truyền trong tinh trùng.
Họ cũng phát hiện ra rằng số lượng tinh trùng, khả năng vận động (có bao nhiêu tinh trùng đang di chuyển hoặc “bơi”) và hình thái tinh trùng (có bao nhiêu tinh trùng có hình dạng và cấu trúc thích hợp) có mối tương quan với nồng độ vitamin D trong huyết thanh. Nồng độ vitamin D thấp hơn ở những người đàn ông vô sinh so với nhóm đối chứng là những người đàn ông có khả năng sinh sản.
Năm 2011, một nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa nồng độ vitamin D và khả năng di chuyển của tinh trùng cho thấy loại vitamin này đóng vai trò quan trọng trong chức năng tinh trùng của con người.
Một nghiên cứu khác xem xét mức độ vitamin D ở các cặp vợ chồng vô sinh sử dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART). Họ phát hiện nam giới có mức vitamin D cao hơn có hình thái tinh trùng tốt hơn và số lượng tinh trùng tăng lên, mặc dù không có tác động nào đến kết quả ART.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác cho thấy nồng độ vitamin D thấp không ảnh hưởng đến chất lượng tinh dịch ở nam giới trẻ, khỏe mạnh và trên thực tế, nồng độ vitamin D cao hơn có liên quan đến chất lượng tinh dịch kém hơn. Điều này đòi hỏi phải nghiên cứu thêm về mối quan hệ phức tạp này.
Một số nghiên cứu cho thấy nồng độ vitamin D trong huyết thanh tối ưu – mức vitamin D trong máu – đối với sức khỏe sinh sản của nam giới là từ 82 đến 102 nmol/L.
2. Bổ sung vitamin D có cải thiện chất lượng tinh trùng không?
Việc bổ sung vitamin D có liên quan đến việc tăng khả năng di chuyển của tinh trùng và cải thiện tỷ lệ mang thai ở những cặp bị vô sinh do nam giới.
Các nhà nghiên cứu ở Đan Mạch đã tiến hành một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng (RCT) mù ba để điều tra xem liệu việc bổ sung vitamin D có thể cải thiện chất lượng tinh dịch và cân bằng nội tiết tố cho nam giới vô sinh hay không.
Tổng cộng 307 người tham gia đã cung cấp hai mẫu tinh dịch để phân tích và lấy máu để đánh giá ban đầu. Sau khi được phân ngẫu nhiên vào nhóm thử nghiệm hoặc nhóm đối chứng, những người trong nhóm thử nghiệm đã nhận được một liều duy nhất là 300.000 IU vitamin D3, cộng với một liều hàng ngày là 1.400 IU vitamin D3 cùng với 500mg canxi trong 150 ngày. Những người trong nhóm đối chứng đã nhận được một viên thuốc giả dược trong cùng khoảng thời gian.
Các nhà nghiên cứu đã báo cáo những phát hiện sau: Số lượng tinh trùng cao hơn ở nhóm thử nghiệm so với nhóm dùng giả dược nhưng không đạt được ý nghĩa thống kê. Nhìn chung, việc bổ sung vitamin D liều cao dường như không cải thiện chất lượng tinh dịch ở những người đàn ông vô sinh bị thiếu vitamin D.
Tuy nhiên, mặc dù các thông số tinh dịch được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ mang thai vẫn cao hơn đáng kể ở nhóm thử nghiệm: 7,3% nhóm thử nghiệm đã mang thai mà không cần sự hỗ trợ của bác sĩ, so với 2,4% nhóm đối chứng.
Trong một nhóm nhỏ nam giới được xác định mắc chứng thiểu tinh trùng (số lượng tinh trùng thấp), khả năng sinh con sống là 35,6% ở nhóm thử nghiệm, so với 18,3% ở nhóm dùng giả dược.
Một nghiên cứu năm 2021 đã thực hiện một RCT khác để xem xét tác động của việc bổ sung vitamin D đối với chất lượng tinh trùng. Nghiên cứu thứ hai này phát hiện ra rằng sau 3 tháng bổ sung vitamin D, khả năng di chuyển của tinh trùng có thể được cải thiện ở những người đàn ông có khả năng di chuyển của tinh trùng kém.
3. Khi nào nên bổ sung vitamin D?
Vitamin D ảnh hưởng tới khả năng sinh sản nên nếu nam giới và bạn đời đang gặp khó khăn trong việc có con, việc bổ sung vitamin D có thể là một giải pháp. Bạn có thể kiểm tra mức vitamin D trong máu để xác định xem mình có mức vitamin D thấp hay không. Bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể để tăng lượng vitamin D cần thiết.
Ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D tự nhiên quan trọng nhất. Nếu thường xuyên ở trong nhà hoặc sống ở những vùng có ít ánh nắng nên bổ sung vitamin D. Việc bổ sung vitamin D có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe sinh sản nam giới. Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định sử dụng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào.
Ngoài việc bổ sung bằng viên uống theo hướng dẫn của bác sĩ trong trường hợp cần thiết, nên tăng cường lượng vitamin D bằng cách tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Dành 15-20 phút mỗi ngày để phơi nắng vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn. Tăng cường các hoạt động ngoài trời. Ăn các thực phẩm giàu vitamin D như cá béo (cá hồi, cá ngừ), trứng, sữa bổ sung vitamin D, nấm…