Vì sao trẻ dễ bị dẫn dắt bởi một trào lưu?

Bất kì một món ăn hay sự kiện mới nào xuất hiện thì dường như con trẻ cũng nhạy
bén nắm bắt. Đơn cử như bánh đồng xu phô mai hay custard xuất hiện và trở thành
trào lưu. Nhiều người trẻ chấp nhận xếp hàng dài, thậm chí phải chen lấn để mua
bằng được. Những bạn nhỏ cũng bắt bố mẹ đứng chờ để mua.

Đặt biệt, trào
lưu bóc túi mù, Baby Three đang nở rộ thời điểm hiện tại gây nhiều tranh cãi.
Người lớn ham đã đành, trẻ con cũng mê “không lối thoát”.

Hiệu ứng bầy đàn trong thế giới của trẻ nhỏ

Bác sĩ Anh
Nguyễn, Ủy Viên Cấp Cao của Hiệp Hội Dinh Dưỡng và Y Học Lối Sống Vương Quốc
Anh (British Association for Nutrition and Lifestyle Medicine); Nhà Nghiên Cứu
Lâm Sàng và Trưởng Dự Án Nghiên Cứu “Chương Trình 1000 Ngày Đầu Đời” dành
riêng cho Trẻ Em Châu Á cho biết, ngày nay, những hiệu ứng này diễn ra khắp
nơi, đặc biệt trong thế giới của trẻ em.

Chẳng hạn như
bé đòi mua một món đồ chơi chỉ vì “bạn con ai cũng có”; bé đột nhiên
thích một món ăn, một kiểu quần áo mà trước đây chưa từng để ý; bé bắt chước một
thử thách trên mạng dù nó vô bổ, thậm chí nguy hiểm.

“Tất cả đều
là biểu hiện của sự ảnh hưởng xã hội khi con người có xu hướng làm theo số
đông, ngay cả khi điều đó không thực sự phù hợp với mình” – Bác sĩ Anh Nguyễn nói.

Bác sĩ Anh Nguyễn (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Khi đám đông cũng chọn sai

Sức mạnh của
hiệu ứng bầy đàn không chỉ dừng lại ở việc chọn quần áo hay đồ chơi. Nó có thể
khiến một người thay đổi suy nghĩ hoặc hành động, ngay cả khi họ biết rằng điều
đó không hợp lý.

Thí nghiệm của
nhà tâm lý học Solomon Asch (1951) đã chứng minh điều này một cách rõ ràng.

Một nhóm
sinh viên tham gia một bài kiểm tra thị giác đơn giản. Khi làm một mình, họ chọn
đáp án đúng dễ dàng. Nhưng khi những người xung quanh cố tình chọn đáp án sai,
75% sinh viên cũng chọn sai ít nhất một lần, dù họ biết rõ đáp án đúng.

Điều này
cũng xảy ra với trẻ nhỏ. Khi con thấy nhiều bạn bè thích một món đồ chơi, một
kiểu tóc hay một trào lưu trên mạng, con rất khó cưỡng lại cảm giác phải
“hòa nhập”.

Vì sao trẻ dễ bị ảnh hưởng xã hội?

Theo bác sĩ Anh
Nguyễn, trẻ dễ bị ảnh hưởng xã hội bởi 3 lý do:

Nhu cầu được
chấp nhận: Trẻ sợ bị khác biệt hoặc bị cô lập, nên chúng dễ làm theo bạn bè để
hòa nhập.

Bộ não chưa
phát triển hoàn thiện: Khu vực kiểm soát tư duy phản biện của trẻ chưa đủ mạnh,
khiến trẻ khó nhận ra khi nào mình đang bị ảnh hưởng.

Tâm lý
“hiệu ứng số đông”: Khi nhiều người cùng tin vào một điều gì đó, trẻ
có xu hướng xem đó là sự thật, ngay cả khi không có bằng chứng rõ ràng.

Nhiều bạn nhỏ đang bị cuốn vào đam mê Baby Three (Ảnh minh họa)

Nguy cơ khi trẻ dễ bị dẫn dắt bởi một xu hướng

Bác sĩ Anh
Nguyễn cho rằng, những trào lưu nguy hiểm như ăn cay quá mức, nhịn ăn, thử
thách mạo hiểm… có thể gây tổn hại sức khỏe hoặc tai nạn đáng tiếc.

“Trẻ sẽ mất tư duy độc
lập, quen làm theo số
đông mà không tự đánh giá đúng – sai, dễ bị thao túng bởi tin giả hoặc xu hướng
không lành mạnh. Tâm lý sợ bị cô lập dễ khiến trẻ cố gắng chạy theo trào lưu để
được công nhận, dẫn đến lo âu, căng thẳng, thậm chí trầm cảm” – Bác sĩ Anh Nguyễn
nói.

Cha mẹ có thể làm gì?

Không phải tất
cả xu hướng mới là sai. Những xu hướng là vô hại, cũng có xu hướng tốt, mang lại
hiệu quả giáo dục. Tuy nhiên, cũng sẽ có nhiều xu hướng ảnh hưởng đến cách trẻ
nhìn nhận sai lệch bản thân.

Là cha mẹ,
chúng ta phải hiểu rõ con cái chúng ta đang ở đâu, đang theo 1 trend nào, trò
chuyện cởi mở để hiểu trẻ và giúp con sống khoẻ mạnh và vui vẻ trong 1 xã hội
hiện đai ngày nay.

Bác sĩ Anh
Nguyễn gợi ý để cha mẹ  giúp trẻ vượt qua
các hiệu ứng tâm lý và có tư duy tốt.

Giúp con nhận biết khi bị ảnh hưởng

Hãy dạy con
đặt câu hỏi trước khi chạy theo một xu hướng:

Con có thực
sự thích món đồ chơi này không, hay chỉ muốn có vì bạn bè ai cũng có?

Nếu không có
ai làm điều đó, con có còn muốn làm không?

Dạy con cách tư duy phản biện

Thay vì phủ nhận ý kiến của con, hãy khuyến khích con tự
suy nghĩ:

 “Con nghĩ sao nếu có một cách
khác?”

“Nếu
con ở một nơi khác, con có vẫn tin như vậy không?”

 “Điều này có thật sự đúng hay chỉ là mọi
người đều nói vậy?”

Từ đó, con học
được cách xem xét vấn đề trước khi đưa ra quyết định.

Tạo không gian an toàn để con được khác biệt

Giúp con hiểu
rằng không sao nếu con có suy nghĩ khác với bạn bè. Không nhất thiết phải làm mọi
thứ chỉ vì người khác làm. Đôi khi, khác biệt là một điều tốt.

Nếu con cảm
thấy an toàn khi thể hiện bản thân, con sẽ ít bị áp lực phải chạy theo số đông.

Ảnh minh họa

Làm gương cho con

Trẻ học từ
cha mẹ nhiều hơn là từ lời nói. Nếu cha mẹ cũng bị cuốn vào xu hướng mà không
suy nghĩ, trẻ sẽ làm theo.

Ví dụ: Nếu
cha mẹ luôn chọn quán đông khách mà không xem xét chất lượng, trẻ sẽ học theo
thói quen đó. Nếu cha mẹ suy nghĩ kỹ trước khi mua sắm, chọn lọc thông tin trên
mạng, trẻ cũng sẽ phát triển kỹ năng đó.

Khuyến khích con trở thành thiểu số

Khi con đứng
trước một lựa chọn mà nhiều bạn bè làm theo số đông, hãy tạo ra một trò chơi nhỏ:
“Hãy thử làm điều ngược lại với số đông và xem điều gì xảy ra!”

Ví dụ: Nếu cả
lớp thích một kiểu ba lô mới, thay vì cấm con chạy theo, hãy gợi ý:

“Con thử
tìm một mẫu ba lô độc đáo hơn mà ít ai có xem sao?”

“Nếu ai
cũng mặc màu đen, con thử chọn một màu khác nổi bật hơn đi!”

Cách này
giúp con tò mò với sự khác biệt thay vì lo sợ bị lạc lõng. Từ đó, con sẽ thấy
vui khi dám chọn con đường riêng.

“Chậm lại 24 giờ” – Giúp con tránh quyết định cảm tính

Khi con muốn
mua một món đồ hoặc tham gia một trào lưu, hãy đặt ra quy tắc 24 giờ:

“Hãy chờ
24 giờ, nếu ngày mai con vẫn muốn, cha mẹ sẽ cân nhắc cùng con”

Cách này giúp con thoát khỏi cảm xúc nhất thời
khi thấy bạn bè đua theo một xu hướng. Sau một ngày, nếu con vẫn muốn, điều đó
có nghĩa là con thực sự thích, chứ không phải chỉ vì số đông. Kỹ thuật này cũng
rèn cho con khả năng kiểm soát ham muốn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *