Vì sao trẻ thích ở cùng ông bà?
Theo cuộc khảo sát do Preply thực hiện trên 1500 trẻ em tại Hoa Kỳ, 68% trẻ tham gia khảo sát cho biết, chúng thích dành thời gian với ông bà hơn là cha mẹ của chúng.
Bên cạnh đó, những đứa trẻ tham gia cuộc khảo sát tiết lộ rằng chúng tâm sự với ông bà về những điều chúng không thoải mái khi nói chuyện với cha mẹ. Chúng cũng dành thời gian với ông bà thường xuyên gấp đôi so với những người khác.
Lý giải cho kết quả này, Sylvia Johnson, giám đốc của Preply cho biết: “Ngày nay, ông bà có thể đảm nhận vai trò cố vấn nhiều hơn cho các cháu mà không phải chịu đựng cảm giác căng thẳng hàng ngày và chịu trách nhiệm như khi nuôi dạy con cái.
Đồng thời, một đứa trẻ có thể đến gặp ông bà để xin lời khuyên mà không sợ bị cha mẹ thất vọng hay phán xét”.
Giới chuyên gia cũng đồng ý rằng, mối quan hệ giữa ông bà và cháu thường ít căng thẳng và ít bất đồng hơn, chủ yếu là do ông bà thường áp dụng cách tiếp cận không can thiệp.
Trong khi nhiều bậc cha mẹ có xu hướng chỉ bảo, sửa chữa và đôi khi khiển trách con cái, thì ông bà lại có xu hướng ít phán xét và ít chỉ trích hành động của cháu mình, vì vậy trẻ em có thể dễ mất cảnh giác hơn và ít đề phòng hơn khi ở cạnh ông bà.
Michelle Landeros, một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình cho biết: “Trẻ em cũng có thể tiếp thu mối liên kết mạnh mẽ và có ảnh hưởng mà mẹ chúng từng có với bà, vì vậy chúng hướng về bà ngoại một cách tự nhiên.
Bà ngoại có thể thông thạo các kỹ thuật và cách tiếp cận chăm sóc của người mẹ, dẫn đến sự tương tác suôn sẻ hơn với trẻ.”
Mặt khác, ông bà ngày nay không muốn con cháu nghĩ mình là người già. Sau khi con cái lập gia đình riêng, ông bà thường vẫn năng động, khỏe mạnh và có thể sống lâu hơn. Tờ New York Times từng trích dẫn một nghiên cứu cho rằng đến năm 2030, hơn 70% trẻ em dưới 8 tuổi sẽ có thể có ông bà (cụ, kị) còn đang sống. Vì vậy, việc trẻ gắn bó với ông bà hơn cả bố mẹ là chuyện dễ hiểu.
Lợi ích của khi ông bà chăm cháu
Theo chuyên trang tâm lý Psychology Today, mối quan hệ giữa ông bà và cháu mang lại những bài học cuộc sống quý giá, chưa kể những lợi ích sức khỏe.
Tốt cho sức khỏe tinh thần
Trong văn hóa hiện đại, một số quan điểm cho rằng ở gần và chăm sóc trẻ em là một gánh nặng với ông bà. Nhưng thực tế có thể ngược lại, một nghiên cứu của Đại học Flinders, Australia năm 2018 trên hơn 400 người ông bà cho thấy, trong hai năm đầu tiên “lên chức” việc dành nhiều thời gian để trông cháu giúp cải thiện sức khỏe tâm thần của chính họ.
Đối với ông bà, việc chăm sóc cháu thường liên quan đến các hoạt động thể chất như giúp thay, giặt quần áo, chơi đùa, đi dạo, ăn uống. Ông bà có thể được hưởng lợi từ việc tăng cường hòa nhập xã hội khi tương tác với bạn bè, giáo viên và các bậc cha mẹ khác trong quá trình chăm cháu. Điều này đóng vai trò như “liều thuốc giải độc” cho sự cô đơn hoặc sự cô lập, tình trạng thường xuyên xảy ra ở người lớn tuổi.
Nguồn kiến thức và lời khuyên cho thế hệ trẻ
Điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí mỗi người chúng ta khi nghĩ về thế hệ ông bà chính là lượng kiến thức và những trải nghiệm độc đáo mà họ có thể cung cấp cho con cháu. Dù nghe có vẻ lỗi thời, nhưng họ đã trải qua nhiều tình huống cuộc sống và gặp gỡ nhiều người, vì thế những điều mà họ chia sẻ hẳn là đáng nghe.
Người trẻ coi những bài học rút ra từ ông bà là những nền tảng quan trọng trong quan điểm hiện tại của họ về cuộc sống.
Tốt cho sự phát triển cảm xúc của trẻ
Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng sự góp mặt của ông bà trong thời thơ ấu của trẻ, được khái niệm hóa là mức độ tiếp xúc và gần gũi về mặt cảm xúc, có mối liên hệ tích cực với sự phát triển cảm xúc, nhận thức của trẻ khi đến tuổi trưởng thành.
Một nghiên cứu năm 2023 của Viện Lão hóa, Đại học Clemson, South Carolina, kết luận rằng mối quan hệ giữa ông bà và các cháu luôn quan trọng, dù là trong quá khứ hay hiện tại, trong đó lòng biết ơn, sự tôn trọng và đánh giá cao được cho là những yếu tố quan trọng đối với hạnh phúc của thanh niên.
Dạy trẻ tôn trọng người lớn tuổi
Ông bà luôn luôn thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm, chăm sóc các cháu. Ngược lại, trẻ cũng sẽ dành những tình cảm tương tự với ông bà. Trong mắt trẻ, ông bà là những người lớn đã rất già, thế nên trẻ sẽ nảy sinh tâm lý muốn trợ giúp, muốn quan tâm và yêu thương dành cho ông bà.