Vì sao đường sắt tốc độ cao Bắc

Chính phủ vừa trình Quốc hội hồ sơ chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (báo cáo NCTKT), dự án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao dài 1.541km.

Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TPHCM.

Trong đó, tuyến đường sắt đi qua Nam Định, đặt vị trí nhà ga gần trung tâm TP Nam Định được nhiều người quan tâm.

Cụ thể, theo báo cáo NCTKT, từ sau ga Phủ Lý, tuyến cơ bản đi theo hướng đường sắt hiện tại và QL21 về phía TP Nam Định. Ga Nam Định đặt tại xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc (gần ga Đặng Xá đường sắt hiện tại).

anh man hinh 2024 10 22 luc 110000 1729581079796330565577.png
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam qua Nam Định. Ảnh: Báo cáo NCTKT

Nhiều ý kiến cho rằng, hướng tuyến như vậy là đi “vòng”, ảnh hưởng đến chi phí đầu tư cũng như chi phí vận hành khai thác. Nếu đặt nhà ga tại đây sẽ không đáp ứng được chỉ đạo của Chính phủ “bảo đảm hướng tuyến thẳng nhất có thể”.

Lý giải nội dung này, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, hướng tuyến được nghiên cứu phải đảm bảo các yếu tố: Phụ thuộc quy hoạch ngành quốc gia, vùng, tỉnh, chuyên ngành liên quan đến dự án.

Ngoài ra, hướng tuyến cũng phải đáp ứng các yêu cầu về điểm khống chế, đảm bảo chiều dài tuyến giữa các điểm khống chế là ngắn nhất, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của tuyến.

Mặt khác, phải phù hợp với điều kiện địa hình khu vực, hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, các khu di tích, danh lam thắng cảnh…

Ảnh chụp Màn hình 2024 10 23 lúc 22.01.35.png
 Vị trí dự kiến các nhà ga của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, trong đó có ga Nam Định. Ảnh: Tạp chí Giao thông 

Đồng thời, hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng, tránh các khu vực dân cư tập trung đông đúc, giảm thiểu ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu.

Về vị trí ga đường sắt tốc độ cao, nghiên cứu được xác định trên những nguyên tắc cơ bản: Phù hợp với điều kiện hiện trạng, quy hoạch phát triển của địa phương; tiếp cận khu vực trung tâm đô thị, khu vực quy hoạch có tiềm năng phát triển mới; có khả năng kết nối tốt với hệ thống giao thông công cộng, giao thông khác và khai thác có hiệu quả hạ tầng, phương tiện.

“Như vậy, nhà ga chính là điểm khống chế quan trọng trên tuyến đường sắt tốc độ cao. Giữa các nhà ga, hướng tuyến được nghiên cứu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tương ứng với cấp tốc độ thiết kế”, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho hay.

Về vị trí hướng tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua tỉnh Nam Định, đại diện liên danh tư vấn TEDI – TRICC – TEDI SOUTH cũng giải thích, do vị trí ga nằm về phía Đông so với trục Bắc – Nam nên hướng tuyến vòng qua khu vực Nam Định sẽ khó đáp ứng tiêu chí “thẳng nhất có thể”.

Tuy nhiên, vị trí ga Nam Định đã được nghiên cứu đảm bảo phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; đáp ứng yêu cầu kinh tế – kỹ thuật của tuyến.

Phương án hướng tuyến nghiên cứu cũng đã được hỗ trợ của tư vấn quốc tế để phân tích, đánh giá và thỏa thuận thống nhất với các địa phương, trong đó tỉnh Nam Định thống nhất phương án tuyến.

Về kết nối, gom và giải tỏa hành khách, theo đơn vị tư vấn, ngoài phục vụ nhu cầu vận tải cho tỉnh Nam Định, tuyến đường sắt tốc độ cao còn phục vụ cho cả vùng gồm tỉnh Thái Bình, một phần phía Đông Nam khu vực Hải Dương, Hưng Yên với quy mô khoảng 4 triệu dân.

“Trường hợp hướng tuyến không đi qua tỉnh Nam Định sẽ không phát huy được hiệu quả kết nối, không phù hợp với các quy hoạch đã được duyệt”, tư vấn khẳng định.

Lý giải thêm, đại diện Bộ GTVT cho hay, ga Nam Định ngoài vai trò trung tâm của tỉnh Nam Định còn là điểm kết nối đến một số địa phương lân cận trong khu vực Đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Hưng Yên.

Do đó, ga Nam Định trên tuyến đường sắt hiện tại có vai trò quan trọng để kết nối hành lang Bắc – Nam với khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Theo Bộ GTVT, trong quá trình xây dựng đề án, hướng tuyến này đã được báo cáo các cơ quan thẩm quyền, được các địa phương cập nhật trong quy hoạch tỉnh mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, chấp thuận và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Như vậy, hướng tuyến đã được nghiên cứu kỹ theo cách “thẳng nhất có thể”. 


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *