Vì sao một gia đình 2 thế hệ lấn chiếm đất sông vẫn tồn tại?
Liên quan đến tình trạng hành lang đê Tả Cà Lồ (thuộc thôn Thu Thủy, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn) bị lấn chiếm để làm nơi tập kết rác và mục đích riêng diễn ra nhiều năm nay, mới đây đoàn làm việc của UBND huyện Sóc Sơn bao gồm đại diện lãnh đạo phòng Kinh tế, phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Xuân Thu và Hạt Quản lý đê số 8 đã tổ chức buổi thông tin tới phóng viên Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống).
Theo đó, tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo phòng Kinh tế, Chủ tịch UBND xã Xuân Thu và đại diện lãnh đạo Hạt Quản lý đê số 8 đều khẳng định những nội dung phản ánh của Báo là hoàn toàn đúng sự thật. Tình hình lấn chiếm đất hành lang đê Tả Cà Lồ là do người dân sinh sống tại đây có nghề thu gom phế liệu, người dân tận dụng đất để đặt, phân loại phế liệu và chưa vận chuyển kịp nên không tránh khỏi những ảnh hưởng về môi trường. Do đó, thực trạng này đã tồn tại tại địa phương nhiều năm nay.
Cận cảnh khu vực đê Tả Cà Lồ bị lấn chiếm, bao phủ bởi rác, người dân Sóc Sơn bức xúc vì mùi hôi, nguy cơ cao ô nhiễm nguồn nước, chỉ cần dòng lũ, hàng trăm tấn rác thải sẵn sàng trôi về hạ lưu. Theo chính quyền xã Xuân Thu, đây là khu vực lấn chiếm của 2 thế hệ trong một gia đình ông Phan Văn Chử.
Điển hình, một trường hợp ngang nhiên “nhảy dù” đất bờ sông Tả Cà Lồ là hai thế hệ của gia đình ông Phan Văn Chử đã có hành vi lấn chiếm đất bờ sông (hành lang thoát lũ) để xây dựng nhà xưởng, tập kết rác thải diễn ra từ đời bố đến đời con, từ những năm 2005 đến nay. Tại khu vực mà lấn chiếm của gia đình ông Chử là một nhà xưởng mái tôn nằm trên phần đất sông và bờ sông. Đây là vùng đất có phạm vi từ biên ngoài hành lang bảo vệ đê điều trở ra đến bờ sông theo Luật Đê điều năm 2006.
Bên cạnh công trình mái tôn là điểm tập kết rác khổng lồ. Tại đây, rác thải được tập kết, trải dài từ đỉnh đê kéo tràn xuống giữa mặt sông Tả Cà Lồ. Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường sống khu vực mà còn ảnh hưởng đến hàng trăm hộ gia đình vùng hạ lưu. Bởi chỉ cần một dòng lũ, hàng trăm tấn rác ở bờ sông này sẽ được quét trôi xuống vùng hạ lưu, mang theo nguy cơ dịch bệnh.
Lấn chiếm đất hành lang thoát lũ diễn ra từ năm 2005, chính quyền bất lực?
Trả lời về nội dung này, ông Đầu Văn Yến – Hạt phó Hạt Quản lý đê số 8 cho biết, nội dung Báo nêu diễn ra tại vị trí K7+00 đê Tả Cà Lồ, thuộc thôn Thu Thủy, xã Xuân Thu. Đây là vị trí thượng lưu sông Tả Cà Lồ. Tại đây, ông Phan Văn Chử thuộc trường hợp vi phạm pháp lệnh về Đê điều, diễn ra từ năm 2005 kéo dài đến nay khi trường hợp này lấn chiếm bãi sông, bờ sông để xây dựng công trình nhà và tập kết rác, phế liệu.
Ông Yến khẳng định, Hạt đã phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý trường hợp ông Phan Văn Chử rất nhiều lần. Thậm chí, thành phố Hà Nội và huyện Sóc Sơn đều chỉ đạo nhưng việc xử lý sau chỉ đạo vẫn chưa triệt để. “Hạt vẫn kiến nghị và đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục xử lý trường hợp này”, ông Yến cho hay.
Theo ông Yến, đối với khu vực tiếp giáp với Trạm biến áp Xuân Thu 2, Thành phố, Sở NN&PTNT đã đầu tư đường hành lang chân đê 5 mét. Đồng nghĩa, trong phạm vi 5 mét chân đê sẽ thuộc quản lý của Hạt. Phần đất lấn chiếm thuộc quản lý của chính quyền địa phương. Phần đất sau 5 mét, tôi không dám kết luận có ảnh hưởng đến an toàn hành lang đê hay không nhưng Hạt quản lý theo luật”.
Với tình trạng xâm phạm hành lang đê, ông Yến khẳng định Hạt số 8 đã kiến nghị chính quyền địa phương, Chi Cục Đê điều đến cấp thành phố cũng đã chỉ đạo cấp huyện và xã xử lý nhưng chưa được triệt để.
Tuy nhiên, khi PV chất vấn vì sao Hạt Quản lý đê số 8 khiến nghị, chính quyền vào cuộc thực tế lấn chiếm vẫn còn nguyên, Hạt đã có những văn bản nào kiến nghị với chính quyền địa phương và thành phố thì ông Yến từ chối cung cấp cho biết chưa được Hạt trưởng giao cho việc này.
Thông tin về nội dung này, ông Hoàng Văn Luận – Chủ tịch UBND xã Xuân Thu cho biết, hàng tháng, Đảng ủy xã ban hành các Nghị quyết giao xuống chính quyền, xã cũng giao ban và có chỉ đạo giải quyết vấn đề môi trường ở thôn Thu Thủy, trong đó có cả vấn đề hành lang thoát lũ, hành lang đê điều.Với trường hợp ông Phan Văn Chử có hành vi xâm chiếm đất bờ sông, ông Luận cho biết: “Hàng năm, xã Xuân Thu đều phối hợp với các đơn vị liên quan đến giải tỏa nnhưng chúng tôi cho rằng, chúng tôi hơi yếu trong công tác quản lý sau giải tỏa. Bởi vì cứ một thời gian sau giải tỏa, các hộ lại tái lấn chiếm”.
Tại buổi làm việc, PV đề nghị ông Hoàng Văn Luận cung cấp những văn bản liên quan đến việc ra quân lý xử lý vi phạm an toàn hành lang đê nhưng đến thời điểm hiện tại ông Luận vẫn chưa cung cấp.
Đoàn làm việc của Báo cũng đã nhiều lần đề nghị đại diện các đơn vị thuộc huyện Sóc Sơn cho biết nguyên nhân vì sao tình trạng nói trên không được xử lý dứt điểm. Đặc biệt là trường hợp gia đình ông Chử. Tuy nhiên, trong buổi làm việc đó, không ai trong các phòng ban của UBND huyện Sóc Sơn lý giải được.
Trước đó, Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống) đã tiếp nhận phản ánh, thông tin về tình trạng rác thải và đất hành lang đê, đất lòng sông Cà Lồ bị lấn chiếm để xây dựng nhà xưởng, nhà ở, tập kết rác. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay, người dân sinh sống tại khu vực xã Xuân Thủy rất bức xúc.
Theo đó, tình trạng nói trên đang diễn ra tại đoạn đê Tả Cà Lồ, thuộc địa phận thôn Thu Thủy, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.
GĐXH – Theo người dân địa phương, khu vực đê Tả Cà Lồ, thuộc thôn Thu Thủy (xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) bị ô nhiễm, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe do rác thải ùn ứ, nhà xưởng nhả khói. Bên cạnh đó, thời điểm này, nhiều khu vực trên địa bàn TP Hà Nội ngập lụt dâng cao nên người dân nơi đây luôn canh cánh nỗi lo ngập lụt khi đất hành lang đê bị lấn chiếm diện rộng.