Từ 1/1/2025, tài xế nên nắm rõ quy định mới về xe quá khổ giới hạn, quá tải trọng

Quy định mới về xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng

Theo Điều 52 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định rõ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích lưu hành trên đường bộ:

Xe quá khổ giới hạn bao gồm:

– Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có kích thước bao ngoài vượt quá kích thước giới hạn cho phép của xe theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe cơ giới;

– Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có kích thước bao ngoài quá khổ giới hạn của đường bộ;

– Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi chở hàng hóa có kích thước bao ngoài của xe và hàng hóa vượt quá kích thước giới hạn cho phép xếp hàng hóa của xe hoặc quá khổ giới hạn của đường bộ.

Xe quá tải trọng bao gồm:

– Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có khối lượng toàn bộ vượt quá khối lượng cho phép của xe hoặc vượt quá tải trọng của đường bộ;

– Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có khối lượng toàn bộ phân bổ lên trục xe, cụm trục xe vượt quá tải trọng của trục xe, cụm trục xe hoặc vượt quá tải trọng của đường bộ.

Xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích được cấp giấy phép lưu hành xe trên đường bộ trong các trường hợp sau đây:

– Lưu hành xe quá khổ giới hạn quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này không chở hàng hóa, xe có khối lượng bản thân của xe quá tải trọng của đường bộ không chở hàng hóa, xe bánh xích từ nơi sản xuất, ga, cảng và các địa điểm nhập khẩu, sửa chữa, bảo trì đến nơi sử dụng phương tiện và ngược lại hoặc giữa các địa điểm sử dụng phương tiện;

– Lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng để chở hàng hóa trên đường bộ trong các trường hợp: phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; thực hiện nhiệm vụ trong trường hợp khẩn cấp; chở hàng siêu trường, siêu trọng khi các phương thức vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng không, hàng hải không phù hợp hoặc phải kết hợp phương thức vận tải đường bộ với phương thức vận tải khác;

– Lưu hành xe quá khổ giới hạn cho phép của xe để chở xe ô tô chở người đến 08 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3.500 kg từ nơi sản xuất, ga, cảng và các địa điểm nhập khẩu, sửa chữa, bảo trì đến nơi sử dụng.

Việc bảo vệ công trình đường bộ khi cho phép xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích lưu hành trên đường bộ được quy định như sau:

– Trường hợp xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích vượt quá tải trọng, khổ giới hạn của công trình đường bộ thì tổ chức, cá nhân có nhu cầu lưu hành xe chịu trách nhiệm khảo sát, thiết kế, gia cường công trình đường bộ;

– Việc khảo sát, thiết kế, gia cường công trình đường bộ do đơn vị đủ điều kiện năng lực hoạt động theo quy định của pháp luật về xây dựng thực hiện;

– Tổ chức, cá nhân lưu hành xe có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí để khảo sát, thiết kế, gia cường công trình đường bộ quy định tại điểm b khoản này;

– Cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại các điểm a, b và c khoản này có trách nhiệm bồi thường khi xảy ra thiệt hại đối với công trình đường bộ;

– Trường hợp cần thiết, phải có người, phương tiện hỗ trợ lái xe, cảnh báo cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường bộ theo quy định của Chính phủ;

– Xe bánh xích được phép lưu hành trên đường bộ thì phải có biện pháp bảo vệ mặt đường.

Cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp giấy phép lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích lưu hành trên đường bộ; trường hợp vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng thì việc cấp giấy phép thực hiện theo quy định tại Điều 53 của Luật này; cơ quan, tổ chức được giao trực tiếp quản lý công trình đường bộ thuộc trường hợp phải gia cường quy định tại điểm a khoản 4 Điều này thực hiện việc chấp thuận phương án khảo sát, thiết kế, gia cường công trình đường bộ.

Xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích chỉ được lưu hành trên đường bộ sau khi được cấp giấy phép lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích và đã thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình đường bộ quy định tại khoản 4 Điều này.

Cơ quan cấp giấy phép lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích lưu hành có trách nhiệm gửi thông báo ngay cho cơ quan Cảnh sát giao thông Bộ Công an và cơ quan Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến đường, đoạn đường mà phương tiện đi qua để chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Lực lượng Cảnh sát giao thông chịu trách nhiệm tổ chức tuần tra, kiểm soát, điều khiển giao thông, xử lý vi phạm pháp luật đối với xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích lưu hành trên đường bộ.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết điểm b khoản 3 Điều này; quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; quy định lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích trên đường bộ; quy định trình tự, thủ tục cấp giấy phép lưu hành cho xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích.

Từ 1/1/2025, tài xế nên nắm rõ quy định mới về xe quá khổ giới hạn, quá tải trọng để không bị phạt kịch khung - Ảnh 1.

Từ 1/1/2025, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực trong đó có nội dung liên quan đến quy định xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng lưu hành trên đường bộ. Ảnh minh họa: TL

Xe quá khổ, xe quá tải trọng là gì?

Xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn được định nghĩa tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 9 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định tải trọng, khổ giới hạn đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành với nội dung như sau:

– Xe quá tải trọng là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có tổng trọng lượng của xe hoặc có tải trọng trục xe vượt quá tải trọng khai thác của đường bộ.

– Xe quá khổ giới hạn là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có một trong các kích thước bao ngoài kể cả hàng hóa xếp trên xe (nếu có) vượt quá kích thước tối đa cho phép của các phương tiện khi tham gia giao thông trên đường bộ, cụ thể như sau:

+ Chiều dài lớn hơn 20 mét hoặc lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe;

+ Chiều rộng lớn hơn 2,5 mét;

+ Chiều cao tính từ mặt đường bộ trở lên lớn hơn 4,2 mét (trừ xe chở container).

Lưu hành xe quá khổ giới hạn của đường bộ bị xử phạt thế nào?

Nếu không tuân thủ quy định trên, người điều khiển xe vượt khổ giới hạn của đường bộ có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 33 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Cụ thể:

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định trong Giấy phép lưu hành, trừ các hành vi vi phạm nêu sau đây.

– Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

+ Chở hàng vượt khổ giới hạn của cầu, đường ghi trong giấy phép lưu hành;

+ Điều khiển xe vượt quá khổ giới hạn của cầu, đường hoặc chở hàng vượt khổ giới hạn của cầu, đường tham gia giao thông, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.

– Phạt tiền từ 13.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng nhưng đi không đúng tuyến đường quy định trong Giấy phép lưu hành.

– Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

+ Không chấp hành việc kiểm tra khổ giới hạn xe khi có tín hiệu, hiệu lệnh yêu cầu kiểm tra khổ giới hạn xe;

+ Dùng các thủ đoạn khác để trốn tránh việc phát hiện xe quá khổ.

– Bên cạnh đó, tùy từng hành vi vi phạm mà người điều khiển phương tiện còn bị áp dụng:

+ Hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) lên đến 05 tháng;

(Khoản 6, Điều 33, Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

+ Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra nếu gây hư hại cầu, đường.

Từ 1/1/2025, tài xế nên nắm rõ quy định mới về xe quá khổ giới hạn, quá tải trọng để không bị phạt kịch khung - Ảnh 2.

Lưu hành xe quá khổ giới hạn của đường bộ có thể bị phạt rất nặng. Ảnh minh họa: TL

Xin cấp gấy phép lưu hành xe quá tải trọng cần điều kiện gì?

Theo Khoản 1 Điều 9 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT, xe quá tải trọng là những phương tiện có tổng trọng lượng xe hoặc tải trọng trục xe vượt quá tải trọng khai thác của đường bộ đã được công bố.

Trường hợp bắt buộc phải vận chuyển hàng không thể tháo rời hoặc lưu hành phương tiện có tổng trọng lượng vượt quá tải trọng thì trước khi đưa xe tham gia giao thông, chủ phương tiện, người thuê vận tải hoặc người điều khiển xe buộc phải đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép lưu hành xe.

Căn cứ khoản 1 Điều 20 Thông tư 46/2015, xe quá trọng tải chỉ được cấp giấy phép lưu hành khi thuộc một trong các trường hợp sau:

– Trường hợp đặc biệt.

– Trường hợp không còn phương án vận chuyển nào khác.

– Trường hợp không thể sử dụng chủng loại phương tiện giao thông khác phù hợp để vận chuyển trên đường bộ.

Đến đâu để xin cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng?

Theo Điều 22 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT, thẩm quyền cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng thuộc về các cá nhân sau:

– Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ: Cấp Giấy phép lưu hành xe trong phạm vi cả nước.

– Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: Cấp Giấy phép lưu hành xe trong trường hợp đặc biệt phục vụ an ninh, quốc phòng, công trình năng lượng, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Do đó, tùy vào trường hợp mà cá nhân, tổ chức có nhu cầu xin cấp Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng có thể đến Sở Giao thông Vận tải hoặc Cục Quản lý đường bộ hoặc Bộ Giao thông Vận tải.

“Đại nạn” xe quá tải đang bùng phát trở lại“Đại nạn” xe quá tải đang bùng phát trở lại

GiadinhNet – Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ rõ, xe quá tải, quá khổ, xe chở hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép lưu hành xe hoặc sử dụng giấy phép lưu hành xe giả đang có dấu hiệu bùng phát trở lại trên nhiều tuyến đường…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *