Từ 1/1/2025, hàng triệu người hưởng trợ cấp tuất hằng tháng có thể được hưởng chế độ đến 70%

Trợ cấp tuất hằng tháng là gì?

Theo Khoản 1 Điều 66 và Khoản 1 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trợ cấp tuất hằng tháng là một khoản tiền được chi trả hàng tháng cho thân nhân của người lao động đã chết, nhằm bù đắp một phần thu nhập và đảm bảo cuộc sống cho thân nhân của người lao động.

Đối tượng nào được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng?

Căn cứ Khoản 2 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định các đối tượng sau được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng:

– Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai;

– Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

– Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ;

– Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.

Lưu ý: Đối tượng hưởng trợ cấp tuất hằng tháng là vợ, cha mẹ hoặc người có nghĩa vụ nuôi dưỡng phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở.

Từ 1/1/2025, hàng triệu người hưởng trợ cấp tuất hằng tháng có thể được hưởng chế độ đến 70%- Ảnh 2.

Từ 1/7/2025, chế độ trợ cấp tuất hằng tháng có nhiều điểm mới. Ảnh minh họa: TL

Trợ cấp tuất hằng tháng từ 1/7/2025 là bao nhiêu?

Bộ LĐ,TB&XH đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 về bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó đề xuất trợ cấp tuất hằng tháng.

Theo Điều 86 và Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định trợ cấp tuất hằng tháng như sau:

1. Trường hợp người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chết mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn thiếu tối đa 06 tháng để đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng (đủ 15 năm) thì thân nhân của người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất với mức đóng hằng tháng bằng 22% mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trước khi chết (hoặc trước khi nghỉ việc đối với người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội) để giải quyết trợ cấp tuất hằng tháng. Trường hợp thân nhân của người lao động không đóng cho số tháng còn thiếu thì giải quyết hưởng trợ cấp tuất một lần.

2. Việc xác định thân nhân của người lao động thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 86 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 và được hướng dẫn như sau:

a) Thời điểm xem xét tuổi đối với thân nhân của người lao động là kết thúc ngày cuối cùng của tháng người lao động chết.

b) Trường hợp hồ sơ của thân nhân người lao động không xác định được ngày, tháng sinh mà chỉ có năm sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh để xác định tuổi của thân nhân người lao động làm cơ sở giải quyết trợ cấp tuất hằng tháng.

c) Việc xác định tình trạng của thân nhân người lao động để làm căn cứ giải quyết trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại Khoản 3 Điều 86 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 được xác định tại tháng người lao động chết. Trường hợp sau đó tình trạng của thân nhân người lao động có sự thay đổi thì không căn cứ vào đó để xem xét lại việc giải quyết chế độ tử tuất.

c) Việc thực hiện giám định mức suy giảm khả năng lao động của thân nhân người lao động để hưởng trợ cấp tuất hằng tháng phải đảm bảo thời hạn quy định tại khoản 4 Điều 86 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024, trừ trường hợp thân nhân của người lao động trước đó đã có Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa kết luận bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc thân nhân của người lao động là người khuyết tật đặc biệt nặng mà giấy xác nhận mức độ khuyết tật đặc biệt nặng có thể hiện kết luận của Hội đồng giám định y khoa ghi rõ tỷ lệ phần trăm suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

3. Thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức tham chiếu quy định tại Khoản 1 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 trong các trường hợp sau đây:

a) Tất các con đều chưa đủ 18 tuổi mà cả cha và mẹ chết;

b) Cha đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động 2019, mẹ đã chết mà không còn con hoặc còn có con nhưng đều chưa đủ 18 tuổi hoặc còn có con đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Mẹ đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động 2019, cha đã chết mà không còn con hoặc còn có con nhưng đều chưa đủ 18 tuổi hoặc có con đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

d) Vợ đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động 2019 mà không còn con hoặc còn có con nhưng đều chưa đủ 18 tuổi hoặc còn có con đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

đ) Chồng đủ tuổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động 2019 mà không còn con hoặc còn có con nhưng đều chưa đủ 18 tuổi hoặc còn có con đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

Ví dụ: Bà L có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 20 năm, có một con 3 tuổi, một con 19 tuổi bị suy giảm khả năng lao động 81%. Hai vợ chồng bà L không may tử vong trong một vụ tai nạn giao thông.

Như vậy, hai con của bà L thuộc diện được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức tham chiếu.

4. Trường hợp có từ 2 người chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết trở lên thì thân nhân được hưởng 2 lần mức trợ cấp quy định tại Khoản 1 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Đối với trường hợp thân nhân đã được giải quyết hưởng 2 lần mức trợ cấp tuất hằng tháng mà tổng mức hưởng thấp hơn mức tham chiếu thì thân nhân vẫn thuộc diện được giải quyết hưởng 1 lần mức trợ cấp quy định tại Khoản 1 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Dự kiến Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025.

Trợ cấp tuất hàng tháng được hưởng đến khi nào?

Hiện nay không có quy định cụ thể về thời hạn hưởng trợ cấp tuất hằng tháng. Tuy nhiên, đối với trường hợp hưởng trợ cấp tuất hàng tháng là con dưới 18 tuổi của người lao động thì con chỉ được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng đến hết tháng liền kề trước tháng sinh của năm 18 tuổi.

Còn đối với các trường hợp còn lại (con từ 18 tuổi bị suy giảm lao động từ 81%, vợ/chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, thành viên khác trong gia đình mà người lao động đang nuôi dưỡng… nêu trên) thì sẽ được nhận tiền trợ cấp tuất hằng tháng đến khi người đó qua đời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *