‘Tinh gọn bộ máy sớm thì có nhưng nhanh thì không’

Chiều 4/12, Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 34 đã bế mạc sau một ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh việc triển khai định hướng tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả được triển khai tại hội nghị với sự thống nhất và quyết tâm cao. 

IMG_6BFAD3E22001 1.jpeg
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: H.V

Bí thư Thành ủy nhắc đến các ý kiến đại biểu băn khoăn, lo lắng khi tinh gọn bộ máy sẽ ảnh hưởng đến nhiều cán bộ. 

“Có nhiều ý kiến đặt ra, liệu chúng ta tổng kết Nghị quyết 18 và định hướng tinh gọn bộ máy bây giờ có làm sớm, làm nhanh và làm mạnh quá không. Tôi có thể khẳng định, sớm thì có nhưng nhanh thì không”, Bí thư Thành ủy bày tỏ. 

Tuy nhiên, ông Nên cũng cho rằng, băn khoăn và lo lắng của một bộ phận cán bộ là chính đáng, cần xem xét. 

“Nếu chúng ta đặt lợi ích chung và lợi ích quốc gia lên trên hết, thì lo lắng và băn khoăn sẽ nhẹ nhàng hơn và vượt qua được” – lời Bí thư Thành ủy. 

Người đứng đầu Thành ủy cho rằng, vấn đề hiện nay trong cách nghĩ là làm sao để bộ máy của TPHCM tinh hơn, gọn hơn, hiệu năng và hiệu lực hơn; có nghĩa là bàn làm, không bàn lùi, làm sao cho tốt hơn.

Bí thư Thành ủy khẳng định, trong kế hoạch tinh gọn bộ máy, lãnh đạo thành phố sẽ lo phần chính sách sử dụng cán bộ và chính sách cho cán bộ không còn sử dụng. 

Cũng theo ông Nguyễn Văn Nên, đổi mới hay là chuẩn bị cho tinh thần mới luôn gắn với ý kiến không ủng hộ và ủng hộ. Trong chủ trương tinh gọn bộ máy, hiện nay tinh thần ủng hộ cao hơn. Do đó, ông yêu cầu toàn hệ thống chính trị thành phố cần tranh thủ thời gian nghiên cứu triển khai tinh gọn bộ máy sớm và tốt hơn. 

Theo định hướng, TPHCM sẽ sáp nhập 10 sở, kết thúc hoạt động 2 sở, sắp xếp các cơ quan ban đổi mới quản lý doanh nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ cao, khu chế xuất – khu công nghiệp TP, văn phòng thường trực ban an toàn giao thông.

Cụ thể, sáp nhập Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành đơn vị trực thuộc. Sáp nhập Sở Xây dựng, Sở GTVT, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, chuyển Văn phòng Thường trực Ban An toàn giao thông thành đơn vị trực thuộc.

Sáp nhập Sở TN&MT, Sở NN&PTNT để thực hiện quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên và môi trường; chuyển một số nhiệm vụ của 2 sở này về các sở khác có liên quan. Đồng thời, chuyển Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao thành đơn vị trực thuộc.

Nghiên cứu sáp nhập Sở Du lịch và Sở VH-TT; sáp nhập Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số.

Kết thúc hoạt động Sở LĐ-TB&XH, chuyển các chức năng qua Sở GD&ĐT, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở VH&TT. Kết thúc nhiệm vụ Sở An toàn thực phẩm, chuyển nhiệm vụ về Sở Y tế, Sở NN&PTNT và Sở Công Thương.

Sáp nhập Ban Tôn giáo vào Ban Dân tộc; sáp nhập Ban Quản lý khu công nghệ cao và Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo Ban Tổ chức Thành ủy, nếu thực hiện theo phương án này, TPHCM giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính khác thuộc UBND TPHCM.

Bên cạnh đó, về khối Đảng, sẽ sáp nhập để hình thành 27 đảng bộ trực thuộc, giảm 24 đảng bộ.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *