“Hát cho nhau nghe” biến tướng từ karaoke gây nhiều hệ luỵ
Trong bối cảnh xảy ra những vụ cháy thương tâm tại các cơ sở kinh doanh karaoke, gây thiệt hại nặng nề về người và của, dịch vụ này đã “vào tầm” kiểm soát chặt chẽ.
Thực tế cho thấy, khi nhiều quy định mới, yêu cầu khắt khe hơn về PCCC ra đời để nhằm kiểm soát các đơn vị kinh doanh karaoke thì chính là lúc rất nhiều hình thức biến tướng của karaoke xuất hiện như “hát cho nhau nghe”, hát tại các quán ăn, các câu lạc bộ, quán bar, vũ trường, quán rượu… Điều đáng nói ở đây là nhiều cơ sở không đảm bảo các yêu cầu về PCCC và tiềm ẩn những rủi ro rất đáng lo ngại.
Trao đổi với báo chí, Thượng tá Nguyễn Chí Cường – Phó Trưởng phòng PA03 (Công an TP Hà Nội) cho biết, lực lượng chức năng xử lý rất mạnh các cơ sở kinh doanh karaoke về PCCC. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tham mưu cho chính quyền địa phương công khai địa chỉ cơ sở không đủ điều kiện PCCC. Tuy nhiên, việc kiểm soát đối mặt với rất nhiều thách thức. Nhiều nơi, người dân biết cơ sở không đủ điều kiện PCCC nhưng vẫn vào cơ sở hát.
Thậm chí, có tình trạng các cơ sở karaoke liên hệ, tạo lập nhóm trên mạng để thông tin, thông báo cho nhau về việc lực lượng chức năng đang triển khai kiểm tra ở địa bàn nào.
Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh còn luồn lạch qua mặt lực lượng chức năng bằng cách bố trí hệ thống camera giám chặt chẽ, lực lượng bảo vệ, gồm cả lực lượng tại chỗ và xe ôm để làm tai mắt. Khi lực lượng chức năng xuất hiện, các cơ sở này lập tức đóng cửa…
Mới đây, hồi tháng 7, tại hội nghị tập huấn công tác quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo ngoài trời, tuyên truyền cổ động trực quan, dịch vụ karaoke, vũ trường trên địa bàn TP Hà Nội, một số quận, huyện đề xuất sửa đổi Nghị định 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ, bổ sung quy định về thời hạn hiệu lực của giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke. Đồng thời đề nghị thành phố có hướng dẫn cụ thể quy định, quản lý đối với loại hình “hát cho nhau nghe”; cơ sở có tính chất “hoạt động ghi âm và xuất bản âm nhạc”…; hướng dẫn cụ thể trong việc kiểm tra, xử lý cơ sở karaoke trá hình chuyển sang loại hình kinh doanh nhà hàng, quán cà phê…
Tại đây, lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp như, liệt kê danh sách 46 cơ sở karaoke đủ điều kiện PCCC để gửi về quận, huyện. Cơ sở nào không trong sách hoạt động là không đúng quy định. Đối với những hoạt động karaoe lách luật, không thu tiền, có thể xử lý theo hướng vi phạm các quy định về an ninh trật tự; rà soát lại danh sách cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn, có thể công khai các hộ kinh doanh đủ điều kiện trên hệ thống Cổng Thông tin điện tử của quận, huyện, các nền tảng quản lý, xuống thôn, xóm, tổ dân phố… Các cơ sở kinh doanh karaoke phải tuyệt đối bảo đảm các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Đáng chú ý, đối với dịch vụ kinh doanh “hát cho nhau nghe”, Sở VH&TT giao cho Phòng Quản lý nghệ thuật phối hợp với phòng Quản lý văn hóa sẽ có hướng dẫn gửi xuống các quận, huyện, thị xã; tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp giải đáp thắc mắc về vấn đề này.
Hà Nội công bố giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 71 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 30 năm 2019 (Quyết định số 30, bảng giá đất Hà Nội được áp dụng từ năm 2020 đến ngày 31-12-2024). Với quyết định mới, bảng giá đất hiện hành sẽ được điều chỉnh và có hiệu lực áp dụng đến ngày 31-12-2025.
Đặc biệt trong Quyết định số 71 là việc Hà Nội bổ sung và sửa đổi các quy định liên quan đến nguyên tắc xác định vị trí đất, giá đất theo chiều sâu thửa đất và mức giá giảm dần theo khoảng cách.
Theo quy định mới, vị trí đất được xác định dựa trên khả năng sinh lợi, điều kiện cơ sở hạ tầng và khoảng cách tiếp cận đường, phố có tên trong bảng giá đất.
Theo đó, Vị trí 1, áp dụng với thửa đất có mặt giáp với đường, phố được ghi trong bảng giá đất. Vị trí 2, áp dụng với đất tiếp giáp ngõ có mặt cắt từ 3,5m trở lên. Vị trí 3 là đất giáp ngõ có mặt cắt từ 2m đến dưới 3,5m. Vị trí 4 là đất giáp ngõ có mặt cắt dưới 2m.
Đối với các thửa đất xa đường, phố, bảng giá quy định mức giảm giá theo khoảng cách. Từ 200-300m, giảm 5%; từ 300-400m, giảm 10%; từ 400-500m, giảm 15%; từ 500m trở lên, giảm 20%.
Có thể thấy, việc điều chỉnh này nhằm bảo đảm mức giá phù hợp với điều kiện thực tế sử dụng đất và giá trị kinh tế, tránh tình trạng định giá cao cho các thửa đất ở xa khu vực trung tâm.
Quyết định cũng đưa ra các phân lớp giá đất theo chiều sâu thửa đất. Theo đó, từ chỉ giới hè đường, ngõ đến 100m, áp dụng 100% giá đất theo quy định; từ 100-200m, giảm 10%; từ 200-300m, giảm 20%; từ 300m trở lên, giảm 30%.
So với bảng giá đất cũ, bảng giá đất điều chỉnh cao gấp 2-6 lần. Trong đó, giá đất cao nhất của thành phố thuộc về quận Hoàn Kiếm với 695,3 triệu đồng/m2. Mức giá này tương ứng với đất ở, vị trí 1, gồm các đường Lê Thái Tổ, đường Hàng Ngang, đường Hàng Đào gấp 3,7 lần bảng giá đất cũ (187,9 triệu đồng/m2).
Đường Trần Hưng Đạo (từ Trần Thánh Tông- Lê Duẩn) trước đó có giá đất cao nhất là 114 triệu đồng/m2 nay tăng lên 695,3 triệu đồng/m2, gấp 6 lần.
Đường Nhà Thờ tăng từ 125,4 triệu đồng/m2 lên 695,3 triệu đồng/m2, gấp 5,5 lần. Đất ở đường Hai Bà Trưng (từ Lê Thánh Tông đến Quán Sứ) cũng có giá cao nhất 695,3 triệu đồng/m2.
Bảng giá đất cao nhất tại quận Ba Đình là 450,8 triệu đồng/m2 trên đường Phan Đình Phùng…
Bảng giá đất nông nghiệp trong khu dân cư cũng được bổ sung quy định linh hoạt.
Cụ thể, giá đất nông nghiệp trong khu dân cư có thể cao hơn giá đất nông nghiệp ngoài khu dân cư, nhưng không vượt quá 50% giá đất nông nghiệp tương ứng tại các khu vực khác.
Đối với đất ở và đất thương mại dịch vụ tại nông thôn, bảng giá đất được chi tiết hóa theo từng xã và khu vực. Đáng chú ý, các thửa đất nằm ngoài phạm vi 200m từ các tuyến đường phố có tên trong bảng giá sẽ áp dụng mức giá giảm tương ứng với quy định về khoảng cách.
Quyết định số 71 có hiệu lực từ ngày 20-12-2024.
Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã tiếp nhận hồ sơ của người sử dụng đất trước thời điểm quyết định này có hiệu lực thi hành, giá đất tại bảng giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính, thuế và các khoản thu ngân sách từ đất đai được thực hiện theo quy định tại thời điểm nộp hồ sơ.
Cục Cảnh sát giao thông hướng dẫn trình tự 8 bước đăng ký xe nhập khẩu qua VneID
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, Thông tư số 79/2024/TT-BCA về cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng sắp có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Theo Thông tư này, quy định mới đáng chú ý đó là từ năm 2025, công an các đơn vị địa phương sẽ thực hiện tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe lần đầu hoàn toàn trực tuyến đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu.
Trình tự thực hiện như sau: Bước 1, chủ xe đăng nhập bằng tài khoản định danh mức độ 2 trên Cổng dịch vụ công hoặc Ứng dụng định danh quốc gia và kê khai chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung trong mẫu giấy khai đăng ký xe điện tử và thực hiện theo hướng dẫn (chủ xe không cần ký).
Bước 2, Cổng dịch vụ công hoặc Ứng dụng định danh quốc gia xác nhận nộp hồ sơ thành công, sinh mã dịch vụ công và gửi hồ sơ về Hệ thống đăng ký, quản lý xe. Cán bộ đăng ký xe kiểm tra các thông tin, dữ liệu của hồ sơ, xác nhận hồ sơ hợp lệ và gửi phản hồi lại cho Cổng dịch vụ công.
Bước 3, Cổng dịch vụ công hoặc Ứng dụng định danh quốc gia thông báo qua tin nhắn điện thoại, địa chỉ thư điện tử hoặc thông báo trên Ứng dụng định danh quốc gia cho chủ xe đăng nhập bằng tài khoản định danh mức độ 2 và thực hiện bấm biển số. Chủ xe nhận được thông tin: biển định danh (thực hiện chọn biển định danh); xác nhận biển đấu giá; hoặc bấm biển số mới (nếu chưa có biển số định danh) trên Cổng dịch vụ công hoặc Ứng dụng định danh quốc gia.
Bước 4, Cổng dịch vụ công hoặc Ứng dụng định danh quốc gia thông báo biển số xe được cấp và số tiền lệ phí đăng ký xe để chủ xe nộp tiền qua tiện ích thanh toán được tích hợp trên Cổng dịch vụ công, Ứng dụng định danh quốc gia.
Bước 5, sau khi thanh toán thành công lệ phí đăng ký xe, Cổng dịch vụ công, Ứng dụng định danh quốc gia thông báo cho chủ xe việc hoàn thành nộp lệ phí.
Bước 6, cán bộ đăng ký xe thực hiện tiếp nhận, kiểm tra, hiệu chỉnh dữ liệu đăng ký xe lần đầu trực tuyến từ Cổng dịch vụ công, Ứng dụng định danh quốc gia chuyển về hệ thống đăng ký, quản lý xe; in giấy khai đăng ký xe, chứng nhận đăng ký xe; trình lãnh đạo cấp có thẩm quyền duyệt, ký hồ sơ xe, chứng nhận đăng ký xe, sổ đăng ký xe và các giấy tờ liên quan. Trả chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (dán tem nhận diện vào biển số xe trúng đấu giá hoặc biển số xe sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường) cho chủ xe qua dịch vụ bưu chính công ích.
Bước 7, chủ xe nhận thông báo về việc trả kết quả đăng ký xe từ Cổng dịch vụ công, Ứng dụng định danh quốc gia. Nhận chứng nhận đăng ký xe, biển số xe qua dịch vụ bưu chính công ích và nộp lại Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe nhập khẩu hoặc thông báo miễn kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe nhập khẩu (có dán bản chà số máy, số khung có đóng dấu giáp lai của đơn vị nhập khẩu xe).
Trường hợp chủ xe không nộp hoặc thông tin bản chà số máy, số khung cung cấp không đúng với thông tin đã kê khai thì chủ xe phải mang xe đến cơ quan đăng ký xe để kiểm tra và nhận kết quả đăng ký xe. Trường hợp không có bản giấy thì nộp bản in từ hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe nhập khẩu hoặc thông báo miễn kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe nhập khẩu có dán bản chà số máy, số khung xe đóng dấu giáp lai của đơn vị nhập khẩu xe.
Bước 8, cán bộ đăng ký xe nhận Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe nhập khẩu hoặc thông báo miễn kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe nhập khẩu để kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu trên hệ thống đăng ký, quản lý xe, ký xác nhận đã kiểm tra, đối chiếu lên bản chà số máy, số khung của xe để lưu vào hồ sơ đăng ký xe; quét bản chà số máy, số khung của xe và tải lên hệ thống đăng ký, quản lý xe.
Cơ quan chức năng đánh giá, việc thực hiện dịch vụ công đăng ký xe lần đầu toàn trình đối với xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu góp phần giảm thủ tục, người dân không phải đưa xe đến cơ quan đăng ký xe để kiểm tra thực tế xe.
“Bấm biển số trực tuyến có thể thực hiện vào bất cứ thời điểm nào. Điều này tạo điều kiện tối đa cho người dân, thủ tục nhanh gọn, giúp tiết kiệm thời gian. Người dân, không mất thời gian và chi phí đi lại, cắt giảm thủ tục hành chính tối đa theo yêu cầu của Chính phủ”, đại diện Cục Cảnh sát giao thông nhấn mạnh.
Công an Hà Nội tìm bị hại trong vụ án lừa đảo của Mr Pips
Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đang điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán trái phép do Phó Đức Nam (SN 1994; HKTT tại thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu) cầm đầu.
Tài liệu điều tra xác định các đối tượng đã quản lý, điều hành 21 trang web (GKFX.com, Londonex.com, ZenoMarkets.com, CHMarkets.com, Jass.com, LPLtrade.com, TradeTime.com, GTMX.com, AlphaTradinghub.com, IQXtrade.com, Ibmex.com, TrustMarkets.com, JasFX.com, Dktrade.com, Acuex.com, Fxmills.com, Honor.com, Bostonmex.com, Jpexchance.com, TM.com, EnzoFX.com).
Đồng thời, sử dụng 7 tài khoản ngân hàng (Tài khoản số: 317228 mang tên Công ty TNHH ROWNA, tài khoản số 231366 mang tên Công ty TNHH Audrey đều mở tại Ngân hàng ACB; các tài khoản số 1029417421 mang tên Công ty TNHH AMBROSE, số 1031327764 mang tên Công ty TNHH Tư vấn DVA, số 1030943887 mang tên Công ty TNHH UNI VN, số 1031477119 mang tên Công ty TNHH SYSNET VN, số 1031476369 mang tên Công ty TNHH SODIAL VN đều mở tại Ngân hàng Vietcombank) vào mục đích phạm tội.
Các đối tượng thành lập, sử dụng danh nghĩa của Công ty TNHH INVESTO, Công ty TNHH USIN VN, Công ty TNHH ARTEX VINA để tuyển dụng nhân viên làm việc. Ban đầu, đối tượng sử dụng các ứng dụng zalo, telegram…liên hệ, dụ dỗ để khách hàng tham gia đầu tư với lượng tiền nhỏ, nhiều lần và có thể rút tiền được.
Sau đó, đối tượng đưa các thông tin khuyến khích khách hàng nộp thêm tiền, chốt các mã lời cao khiến tài khoản bị “cháy” và chiếm đoạt số tiền mà khách đã chuyển.
Để phục vụ công tác điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đề nghị ai bị dụ dỗ đầu tư vào các trang web và tài khoản ngân hàng, sau đó bị chiếm đoạt tài sản với phương thức thủ đoạn nêu trên thì liên hệ với Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội (địa chỉ số 90 phố Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; Đồng chí Bùi Quang Tùng – Điều tra viên, SĐT: 0989651412) để phối hợp giải quyết.
Học sinh nơi nào được nghỉ học ngày thứ Bảy?
Hiện nay, hầu hết các trường tiểu học trên cả nước do học 2 buổi/ngày nên được nghỉ trọn vẹn 2 ngày thứ bảy và chủ nhật. Tuy nhiên, học sinh ở khối THCS, THPT thì phần lớn vẫn chỉ học 1 buổi/ngày và phải tổ chức dạy học chính khóa cả ngày thứ bảy do không đảm bảo về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.
Mới đây, Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ đã ban hành văn bản số 1918/SGD&ĐT-GDTrH về việc thí điểm dạy học 5 ngày/tuần và cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, nghỉ học ngày thứ Bảy. Theo đó, tỉnh Phú Thọ thực hiện thí điểm đối với khối 6, 7, 8 cấp THCS; khối 10, 11 cấp trung học phổ thông ở một số trường đại diện cho các vùng, miền từ học kỳ 2 năm học 2024-2025.
Trong đó, các trường triển khai thí điểm đối với khối 10, 11 là: THPT Việt Trì, THPT Hùng Vương, Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT Yên Lập, THPT Long Châu Sa, THPT Phù Ninh, THPT Cẩm Khê, THPT Hạ Hòa, THPT Tam Nông, THPT Thanh Thủy, THPT Tân Sơn, THPT Thanh Sơn, THPT Yên Lập, THPT Đoan Hùng và THPT Thanh Ba.
Đối với khối THCS, các Phòng GD&ĐT báo cáo, xin ý kiến UBND huyện, thị xã, thành phố để chỉ đạo, hướng dẫn một số trường đủ điều kiện triển khai thí điểm đối với các khối 6, 7, 8 từ học kỳ 2 năm học 2024-2025 (mỗi Phòng thực hiện thí điểm với ít nhất 1 trường).
Theo Sở GD&ĐT Phú Thọ, việc thí điểm tổ chức dạy học 5 ngày/tuần (bao gồm cả dạy học các môn học, tổ chức hoạt động giáo dục trong và ngoài giờ chính khóa) để học sinh nghỉ ngày thứ Bảy nhằm phát huy sự chủ động, sáng tạo của các nhà trường trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục.Đồn g thời khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ giáo viên của nhà trường; hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm; tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh có thời gian tự học, tự bồi dưỡng, tham gia hoạt động cộng đồng, xã hội.
Các trường thực hiện thí điểm phải được sự thống nhất, đồng thuận của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh nhà trường; đảm bảo thực hiện đúng, đủ nội dung chương trình chính khóa theo quy định của Bộ GD&ĐT; không gây quá tải cho học sinh, giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục của nhà trường. Các trường THCS, THPT phải có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên; đồng thời xây dựng được kế hoạch tổ chức dạy học 5 ngày/tuần (bao gồm cả dạy học các môn học, tổ chức các hoạt động giáo dục trong và ngoài giờ chính khóa) khoa học, phù hợp.
Các Phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội về chủ trương thực hiện thí điểm này, tạo sự đồng thuận, thống nhất khi triển khai thí điểm.
Trước đó, UBND tỉnh Lai Châu cũng quyết định cho học sinh đến trường từ thứ Hai đến Sáu, nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật theo đề xuất của Sở GD&ĐT tỉnh. Tỉnh này nêu rõ, việc triển khai dạy và học 5 ngày/tuần phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT, hoàn thành nội dung, chương trình giáo dục phổ thông mới theo kế hoạch thời gian năm học.
Tỉnh Lào Cai và TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) là một trong số những địa phương đầu tiên triển khai việc tổ chức dạy học 5 ngày/tuần, nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật.
Lào Cai thí điểm dạy học 5 ngày/tuần bắt đầu từ năm học 2019-2020. Sau 5 năm thực hiện thí điểm tỉnh ghi nhận được nhiều kết quả tích cực, nâng cao chất lượng giáo dục, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học. Hiện Lào Cai tiếp tục thực hiện dạy 5 ngày/tuần, nghỉ thứ Bảy với cấp tiểu học và THCS; chưa thực hiện ở bậc THPT do điều kiện cấp học này chưa đáp ứng.
Từ đầu năm học 2024 – 2025, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh cho phép thí điểm dạy học 5 ngày/tuần, nghỉ ngày thứ Bảy, Chủ nhật với học sinh THCS tại TP. Hà Tĩnh. Sở GD&ĐT Hà Tĩnh yêu cầu Phòng GD&ĐT TP rà soát, nghiên cứu kỹ, đảm bảo điều kiện khi triển khai. Đặc biệt, phải đảm bảo thời lượng học tập theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và phù hợp với thực tiễn, xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày trong các nhà trường khoa học, hợp lý, khảo sát lấy ý kiến giáo viên, phụ huynh, học sinh để tạo sự đồng thuận.
Tại Nghệ An, nhiều trường THCS ở TP. Vinh và các huyện miền núi thí điểm cho học sinh nghỉ học thứ Bảy từ năm 2023, căn cứ trên cơ sở vật chất của nhà trường đáp ứng lịch học 2 buổi/ngày.
Với Hà Nội, việc nghỉ học thứ Bảy được áp dụng với phần lớn các trường tư thục và trường THCS chất lượng cao. Ở khối công lập, hai trường áp dụng chính sách này là trường THPT Phan Huy Chú và Trường THPT Yên Hòa; khối chuyên là Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam và trường THPT chuyên thuộc đại học.
Mới đây, tại Hội nghị giao ban chuyên môn cấp học phổ thông do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức, theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, thành phố chưa thể áp quy định nghỉ thứ Bảy đồng loạt với tất cả các nhà trường vì điều kiện chưa cho phép. Trước tiên nhà trường phải chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, phải đủ phòng học đảm bảo mỗi lớp/phòng/buổi. Bên cạnh đó, nhà trường phải bố trí sắp xếp lịch học, thời khóa biểu hợp lý để tránh tạo áp lực cho học sinh, nhất là những ngày học sinh phải học chính khóa cả ngày.
Tài xế bị trừ hết điểm giấy phép lái xe sẽ phục hồi thế nào?
Bộ Công an cho biết, Chính phủ đang giao cơ quan này xây dựng dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX), trong đó quy định mức điểm trừ cụ thể đối với từng lỗi vi phạm.
GPLX của người dân sẽ có 12 điểm. Quá trình tham gia giao thông, tùy vào từng lỗi vi phạm mà tài xế sẽ bị trừ 2-12 điểm.
GPLX sau khi đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm trước khi đổi, cấp lại, nâng hạng, không được phục hồi đủ 12 điểm đối với các trường hợp đã bị trừ điểm.
Theo Điều 58 Luật TTATGT đường bộ 2024 (có hiệu lực từ 1-1-2025), số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi. Dữ liệu về điểm trừ của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực, đồng thời thông báo cho người bị trừ điểm biết.
Khoản 2, Điều 58 Luật TTATGT đường bộ quy định đối với bằng lái xe chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất, tài xế sẽ được phục hồi đủ 12 điểm.
Đối với các trường hợp lái xe đã bị trừ hết 12 điểm, theo Khoản 2 Điều 58 Luật TTATGT, người có GPLX không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo giấy phép hạng đó.
Sau thời hạn ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, tài xế sẽ được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ theo quy định tại khoản 7 Điều 61 của Luật này. Việc kiểm tra do lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì mới được phục hồi đủ 12 điểm.
Hiện Bộ Công an đã ban hành Thông tư 65/2024/TT-BCA ngày 12-11-2024 quy định kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ để được phục hồi điểm GPLX, có hiệu lực từ 1-1-2025.
Thông tư 65 quy định Cục Cảnh sát giao thông và Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, TP trực thuộc trung ương là cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Nội dung kiểm tra gồm 2 phần: Kiểm tra lý thuyết kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ được thực hiện theo câu hỏi sát hạch lý thuyết để cấp giấy phép lái xe theo quy định của Bộ trưởng Giao thông vận tải và kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ theo mô phỏng các tình huống giao thông trên máy tính theo quy định của Bộ trưởng Giao thông vận tải.
Về phương pháp kiểm tra, theo Thông tư, đối với kiểm tra lý thuyết kiến thức pháp luật, người dự kiểm tra thực hiện bài trắc nghiệm trên máy tính theo phần mềm kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đối với kiểm tra kiến thức pháp luật theo mô phỏng, người dự kiểm tra xử lý các tình huống giao thông theo mô phỏng trên máy tính.