Những thầy cô ‘trốn’ nhận quà, phong bì ngày 20/11 của phụ huynh, học sinh
Có con trai đang học cấp 3 tại huyện Nam Từ Liêm, Hà Nội, chị Nguyễn Thị Khuyên nhớ mãi cô giáo dạy thêm của con hồi cấp 2.
Cô tên Tố Lê, một giáo viên trẻ, giỏi, đầy nhiệt huyết. Con chị Khuyên và 2 bạn cùng lớp bắt đầu theo học cô từ lớp 8 để ôn luyện cho kỳ thi vào 10. Mỗi buổi học, theo thông lệ là 2 tiếng, nhưng có khi kéo dài tới 3-4 tiếng vì cô muốn dạy cho từng học sinh hiểu cặn kẽ và sau này tự giải được các bài tương tự.
“Bọn trẻ ‘sợ’ vì cô nghiêm, đến lớp không làm bài tập thì ra về luôn nhưng cũng yêu quý và nể phục cô hết mực”, chị Khuyên kể.
Chị cho biết, từ ngày học cô, con trai chị không chỉ thay đổi rõ nét về kết quả và cách học mà còn trở nên trách nhiệm hơn, có ý chí rèn luyện để đạt mục tiêu, kiên trì và kỷ luật trong mọi việc mình làm.
Dịp lễ năm đó, chị Khuyên cùng 2 phụ huynh mua một giỏ trái cây mang tới nhà cô tặng để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn. Lúc ấy, đúng khi cô chuẩn bị có tiết dạy nên việc trao – nhận diễn ra nhanh chóng.
Nhưng tới khuya, chị Khuyên nhận được tin cô nhắn: “Em rất cám ơn tấm lòng của các chị nhưng những lớp em dạy ở trường hay trung tâm, em đều quán triệt ngày lễ, Tết không tặng quà cáp phong bì, không được đến nhà cô, ai không nghe thì sau em không dạy nữa. Bố mẹ đã rất vất vả nuôi các con rồi, bao nhiêu thứ phải lo, không cần bận lòng tốn kém mất thời gian đến nhà cô thêm nữa đâu ạ…”.
Cô chia sẻ thêm: “Em sẽ hết lòng vì các con, đó là lời hứa danh dự khi làm nghề giáo của em và mong phụ huynh đồng hành đốc thúc các con, sự tiến bộ của các con là món quà quý giá nhất với em”.
Đọc được những dòng này, chị Khuyên càng trân quý cô giáo trẻ. Sau này, khi con đã đỗ cấp 3 và không còn theo học cô nữa, có lần, vào ngày 20/11, chị nhắn tin chúc mừng, đồng thời gửi biếu cô một khoản tiền nhỏ, đơn thuần thể hiện tấm lòng tri ân nhưng cô lại từ chối thẳng thừng.
Có con từng học tại một trường THCS tại Đống Đa, Hà Nội, chị Bích Phượng chia sẻ, từ khi con lớp 6 tới lớp 9, cô giáo chủ nhiệm chưa lần nào nhận quà của gia đình gửi tới. “Cô chỉ vui vẻ nhận những bức tranh, tấm thiệp con tặng và nói lời cảm ơn”, chị Phượng kể.
Biết nhà chị có 3 con, hoàn cảnh khó khăn, cô giáo vận động chị cho con lớn đi học thêm để bổ trợ kiến thức và không thu học phí. Lần lớp tổ chức đi dã ngoại, cô cũng gọi cho chị nói cứ để con tham gia cùng cả lớp cho vui, cô tặng suất đi đó, mẹ không cần đóng tiền.
“Chính ra, con và gia đình toàn được nhận ‘quà’ của cô giáo. Cô tặng con kiến thức, tấm lòng nhân ái, cảm giác được gắn bó, hòa đồng với tập thể và động lực vươn lên”, chị Phượng bày tỏ.
Cũng từng bị cô giáo từ chối quà vài lần hồi cấp 3, Nhật Mai, hiện là sinh viên năm nhất tại một trường đại học ở Hà Nội, chia sẻ, khi mới vào lớp 10, em cùng nhiều bạn trong lớp không thích cô vì thấy cô giáo rất khắt khe. Nhưng dần dần, cả lớp nhận ra, cô thực sự tận tâm trong nghề và hết lòng vì học trò.
Khi được nhiều phụ huynh đề nghị dạy thêm, cô trả lời rằng những kiến thức cần thiết cô đã truyền đạt hết trên lớp, nếu có bạn nào chưa hiểu có thể nhắn Zalo, cô hướng dẫn thêm chứ không mở lớp dạy bên ngoài.
Có lần, khi đang ôn thi học sinh giỏi, Mai không hiểu một bài toán, nhắn tin cho cô, cô đã hướng dẫn trả lời tỉ mỉ tới 1h đêm.
“Suốt 3 năm chúng em ở THPT, cô không nhận bất cứ món quà nào của phụ huynh học sinh. Nếu bạn nào trong lớp cùng phụ huynh mang quà đến nhà, cô đã từ chối mà không chịu mang về, hôm sau cô sẽ mang tới lớp trả, bảo bạn cầm về. Sau nhiều lần bị như vậy, tất cả phụ huynh không ai nghĩ tới việc tặng quà nữa”, Nhật Mai nhớ lại.
Cô giáo Đinh Thị Như, giáo viên một trường tiểu học ở Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, cô không muốn nhận quà 20/11 và đã thẳng thắn chia sẻ với cha mẹ học sinh rằng, thay vì tặng quà, mong phụ huynh dành thời gian hỗ trợ con trong việc học, sẵn sàng lắng nghe khi cô trao đổi để giúp con tiến bộ.
“Việc dạy dỗ con trẻ là một quá trình cần liên tục và mỗi ngày từng chút một nên rất cần sự thấu hiểu, và đồng hành của cha mẹ – đó là món quà tuyệt vời với cô. Phụ huynh cứ mang quà tới rồi ‘trăm sự nhờ cô’ thì món quà ấy thực sự quá nặng”, cô giáo bày tỏ.
Thầy Đỗ An Phú, giáo viên Ngữ văn THCS tại quận 1, TPHCM cho biết, bản thân anh đôi khi không muốn nhận quà 20/11 nhưng từ chối lại ngại cha mẹ học sinh suy nghĩ.
Theo thầy, chuyện tặng, nhận quà nhân ngày 20/11 không xấu bởi đó là tấm lòng của phụ huynh, học sinh, đúng truyền thống văn hóa, nhưng “của cho không bằng cách cho” và mỗi giáo viên có thể có nguyên tắc riêng về việc này.
Bản thân thầy thường chỉ nhận quà của cá nhân, từ chối quà 20/11 từ tập thể chung của lớp vì không muốn phụ huynh dùng quỹ lớp vào việc quà cáp cho giáo viên. “Khi nhận quà, tôi thường cố quên ai tặng để có thể công bằng với tất cả học sinh. Nhiều lúc, sau khi nhận quà 20/11, tôi lại tìm cách mua đồ cho các con liên hoan tại lớp luôn”, thầy giáo sinh năm 1984 chia sẻ.
Công ty của nghệ sĩ Quyền Linh nợ bảo hiểm xã hội hơn 2 tỷ đồng
Bảo hiểm Xã hội TPHCM vừa công bố danh sách hơn 15.700 đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn chậm đóng bảo hiểm xã hội từ ba tháng trở lên, tính đến hết 31-10-2024.
Đáng chú ý, trong số này có Công ty TNHH Nghệ sĩ Quyền Linh với số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội hơn 2,1 tỷ đồng, số tháng chậm đóng là 5 tháng.
Công ty TNHH Nghệ sĩ Quyền Linh thành lập tháng 8/2018 với vốn điều lệ ban đầu là 9,79 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm bảo vệ sinh hoạt. Bên cạnh đó, công ty này còn sản xuất hóa chất cơ bản, thuê xe có động cơ, dịch vụ đóng gói…
Theo thông tin đăng ký, tính đến tháng 2-2020, vốn điều lệ của Công ty TNHH Nghệ sĩ Quyền Linh được nâng lên mức 20 tỷ đồng với 100%. Cuối năm 2021, công ty tiếp tục nâng vốn lên 60 tỷ đồng và đến tháng 4/2023 công ty nâng vốn điều lệ lên mức 100 tỷ đồng.
Liên quan đến nghệ sĩ Quyền Linh, mới đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin nam “MC quốc dân” này đang rơi vào nợ nần chồng chất, không có khả năng chi trả.
Trước tin đồn “nợ nần chồng chất”, phải vay mượn khắp các ngân hàng, MC Quyền Linh lên tiếng phủ nhận.
MC Quyền Linh cho biết: “Nếu ai tìm ra giấy tờ Quyền Linh vay ngân hàng 1 tỷ đồng, Quyền Linh sẵn sàng tặng thêm 1 tỷ đồng cho người đó. Đó, chơi vậy luôn đó. Mắc mớ gì phải vay ngân hàng. Trời đất ơi, ai mà đồn kỳ vậy”.
MC Quyền Linh cũng khẳng định cuộc sống của anh hiện tại đã đủ, đời sống sinh hoạt cũng rất đơn giản nên anh không cần danh vọng hay tiền bạc gì thêm mà chỉ muốn kết nối thêm nhiều trái tim nhân ái thông qua những chương trình thiện nguyện vì cộng đồng mà anh tham gia.
Trước đó, MC Quyền Linh từng bị cộng đồng mạng đòi tẩy chay khi quảng cáo “thổi phồng” một sản phẩm sữa. Sau đó, MC này đã lên tiếng xin lỗi.
Hà Nội sẽ cắt điện, nước các công trình không phép, vi phạm phòng cháy chữa cháy
Ngày 19/11, HĐND TP Hà Nội thông qua quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước theo quy định tại Luật Thủ đô trên địa bàn thành phố.
Các trường hợp áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước gồm:
Công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp theo quy định phải có giấy phép xây dựng đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
Công trình xây dựng sai với nội dung trong giấy phép xây dựng, công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
Công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
Công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy và chữa cháy nhưng được tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu dừng thi công, chấm dứt hành vi vi phạm bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
Công trình xây dựng thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt của cơ quan thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu dừng thi công, chấm dứt hành vi vi phạm bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được nghiệm thu, chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy mà đã đưa vào hoạt động đã bị đình chỉ hoạt động nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đã bị đình chỉ hoạt động nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
Công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền mà tổ chức, cá nhân đã được vận động, thuyết phục nhưng không thực hiện di dời.
Về trình tự thủ tục chấm dứt biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, trong thời hạn 1 ngày kể từ khi nhận được giấy tờ quy định tại Điều 6 nghị quyết này, người có thẩm quyền thi hành công vụ có trách nhiệm kiểm tra, lập biên bản về việc chấp hành của người vi phạm.
Trong thời hạn 1 ngày kể từ khi lập biên bản kiểm tra, người có thẩm quyền thi hành công vụ báo cáo đề xuất người có thẩm quyền xem xét, quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.
Trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày nhận được biên bản kiểm tra và các văn bản, giấy tờ quy định, người có thẩm quyền ban hành quyết định về việc chấm dứt áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.
Quyết định về việc chấm dứt áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước phải được gửi cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ điện, nước và tổ chức, cá nhân vi phạm trong thời hạn 1 ngày kể từ khi ban hành quyết định.
Lên mạng mua bảo hiểm nhận tiền hàng tháng, người phụ nữ bị lừa 200 triệu đồng
Công an tỉnh Thái Bình vừa qua đã xử lý vụ việc người phụ nữ mất hơn 200 triệu đồng vào tay hai đối tượng tư vấn bán thuốc, khi hứa hẹn giúp mua bảo hiểm để được nhận tiền hàng tháng.
Tại cơ quan công an, 2 đối tượng lừa đảo khai nhận, do không có tiền chi tiêu cá nhân, các đối tượng đã tìm thông tin của những người bệnh để gọi điện làm quen, tìm hiểu và tư vấn bán thuốc.
Nếu thấy bị hại là người nhẹ dạ cả tin thì các đối tượng sẽ nói chuyện tạo niềm tin nhằm dụ dỗ, hứa hẹn giúp bị hại mua bảo hiểm để được nhận tiền hàng tháng. Với thủ đoạn trên, các đối tượng đã chiếm đoạt của bà M. tổng số tiền trên 200 triệu đồng.
Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng lừa đảo này là hoạt động theo hội nhóm, đồng thời tạo lập các tài khoản mạng xã hội ảo, đăng bài quảng cáo về các loại thuốc “thần dược” với giá cao.
Trong đó, nhiều trang không có địa chỉ liên hệ, chỉ có số điện thoại để tư vấn. Bên cạnh những đối tượng tự xưng là “nhân viên tư vấn”, sẽ có đối tượng khác có nhiệm vụ giả danh bác sĩ tại các bệnh viện Trung ương để chẩn đoán và cấp thuốc.
Những loại thuốc này có giá từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng, với các công dụng khác nhau như: thuốc phòng chống bệnh ung thư, thuốc giảm tác dụng hóa trị, xạ trị ung thư… nhưng thực chất là các loại thuốc giá rẻ với thành phần không rõ nguồn gốc.
Tinh vi hơn, các nhóm đối tượng này còn thực hiện chiêu trò “giảm giá” cho người già, người nghèo, người bệnh nặng, nhằm đánh vào tâm lý thích khuyến mãi của một số bộ phận người tiêu dùng.
Nếu nhận thấy nạn nhân là người nhẹ dạ cả tin, đối tượng còn dẫn dụ mua bảo hiểm với những ưu đãi và chính sách siêu hấp dẫn để chiếm đoạt tài sản nạn nhân hàng tháng.
Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần thận trọng trước các thông tin được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, thực hiện kiểm tra tính xác thực của thông tin hoặc đối tượng thông qua những trang thông tin chính thống.
Không tham gia vào các hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến hoặc bán thuốc đặc trị. Không thực hiện mua bán các loại thuốc không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng, hay giao dịch với các đối tượng không rõ danh tính.
Trong trường hợp không thể đến trực tiếp khám chữa bệnh, người dân chỉ nên sử dụng các nền tảng online chính thống, được cấp phép và có hệ thống kiểm tra danh tính bác sĩ rõ ràng.
Ngoài ra, nếu không có đủ sự hiểu biết về bảo hiểm, người dân tuyệt đối không tham gia mua bán bảo hiểm trên mạng xã hội để tránh bị chiếm đoạt tài sản hoặc bị đánh cắp thông tin cá nhân.
Nếu nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
Tài xế trần tình vụ bé gái 5 tuổi tử vong khi vừa xuống xe đưa đón
Ngày 19/11, trao đổi với PV VietNamNet, anh Cao Đức Cường – tài xế xe đưa đón cho biết, đầu năm nay, anh có hợp đồng với nhóm phụ huynh để đưa đón hơn 40 học sinh (xóm 1 và xóm 6 ở xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An). Trong số hơn 40 học sinh có 28 em là học sinh tiểu học, còn lại là trẻ mầm non.
Anh Cường cho biết, anh trực tiếp lái xe để đưa đón học sinh và có thêm một phụ xe hỗ trợ trẻ.
Theo anh Cường, mỗi ngày xe anh đưa đón 4 chặng gồm sáng đi trưa về, đầu giờ chiều đi chiều tối đón về, với giá 400.000 đồng/cháu/tháng.
“Hôm qua tôi chở nhóm học sinh đi từ trường về. Khi đến điểm dừng, bà nội cháu gái đã đứng bên đường chờ sẵn, tôi mở cửa để phụ xe bàn giao cháu Lê Thị Kim Ng. cho bà nội, nhưng bà nội bồng xong lại thả cháu xuống giữa đường vì bà nội nghĩ đang còn các cháu ở trên xe.
Gia đình bà nội bé gái hợp đồng với nhà xe đưa đón 4 trẻ (2 cháu ngoại, 2 cháu nội) đi học hằng ngày. Nhưng hôm đó, 2 cháu ngoại được mẹ đón ở trường để đi chúc mừng ngày 20/11 mà bà nội không biết, nên mới thả cháu Ng. xuống để nán lại đón các cháu”, tài xế Cường nói.
Cũng theo anh Cường, trong lúc anh đang nói chuyện với người bà, bất ngờ cháu N. nhìn thấy người chị đứng phía bên kia đường nên tự chạy qua đường về nhà và bị xe tải tông trúng.
Bà nội cháu N. hoảng hốt bế cháu vào trong nhờ người đưa đi cấp cứu nhưng cháu bé đã tử vong.
Nam tài xế cũng cho hay, xe khách của anh là loại xe chỉ được phép chở tối đa 30 người, nhưng anh hợp đồng chở trên 40 học sinh.
“Năm nay là năm thứ 2 tôi hợp đồng làm nhiệm vụ đưa đón học sinh ở xã Cao Sơn đến trường. Xe 30 chỗ mà tôi chở trên 40 học sinh là vượt quá số người quy định, nhưng vì miếng cơm manh áo nên tôi đã làm sai. Hiện công an đã mời tôi lên làm việc và đang tạm giữ phương tiện để phục vụ điều tra”, anh Cường trần tình.
Đường dây rửa tiền, lừa đảo qua mạng vô cùng tinh vi
Thông tin trên Người lao động, ngày 19-11, thông tin từ Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Tây Ninh, cho biết vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố 9 bị can trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng; rửa tiền; thu thập, trao đổi trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng; chiếm giữ trái phép tài sản.
Theo đó, bị can Phạm Văn Nghĩa (SN 1979) và bị can Nguyễn Phú Yên (SN 1984, cùng ngụ huyện Bến Cầu) bị đề nghị truy tố tội “mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị can Ngọc Tuấn Anh (tức Châu, SN 1997) và Vương Thị Thanh Hoa (SN 1989, cùng quê Phú Thọ) đề nghị truy tố về tội rửa tiền. Bị can Ngô Xuân Phương (SN 1996 quê Bắc Ninh) bị đề nghị truy tố về tội thu thập, trao đổi trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng; Nguyễn Thị Huyền Trang (SN 2001, ngụ TP Hà Nội) về tội trao đổi trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng.
Ngoài ra các bị can gồm: Nguyễn Thị Trang Minh Thư (SN 1992, ngụ tỉnh Bình Phước), Phạm Minh Đức (SN 1996) và bị can Nguyễn Thị Hồng Hạnh (SN1988, cùng ngụ huyện Bến Cầu) bị đề nghị truy tố về tội chiếm giữ trái phép tài sản.
Qua điều tra, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Tây Ninh xác định từ tháng 9-2022 đến ngày 5-5-2023, Yên đã đăng ký mở 9 tài khoản ngân hàng và mua 55 tài khoản ngân hàng của nhiều người với số tiền từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/tài khoản để bán cho Nghĩa với số tiền từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng/tài khoản, hưởng lợi 25.000.000 đồng.
Sau khi mua được 64 tài khoản, Nghĩa bán lại 63 tài khoản cho các đối tượng ở Campuchia để sử dụng nhận tiền lừa đảo để thu lợi hơn 12 triệu đồng.
Các tài khoản trên chủ yếu hoạt động giao dịch liên quan đến tiền lừa đảo qua không gian mạng và đã bị công an phát hiện.
Sau đó, Yên yêu cầu Đức, Hạnh, Phúc, Ngân, Nguyệt, Gấm đến ngân hàng đóng các tài khoản không cho người khác sử dụng nên các đối tượng ở Campuchia yêu cầu Nghĩa liên hệ với các chủ tài khoản để rút hết tiền trong các tài khoản trả cho họ.
Trong 2 ngày 8 và 9-5-2023, các chủ tài khoản nói trên đã rút được tổng số tiền gần 3 tỉ đồng giao cho Nghĩa.
Ngoài ra, Nghĩa và Yên còn giúp sức cho các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với số tiền gần 9 tỉ đồng của 10 bị hại. Số tiền chúng chiếm đoạt được có gần 7 tỉ đồng được chuyển vào tài khoản của Tuấn Anh và Thanh Hoa đứng tên hoặc đăng ký để sử dụng mua tiền điện tử USDT cho đối tượng người Trung Quốc tên Hùng. Trong đó, Tuấn Anh thực hiện 12 giao dịch tổng cộng hơn 4 tỉ đồng để mua 174.140 USDT và Hoa thực hiện 23 giao dịch tổng cộng gần 3 tỉ đồng để mua 122.344 USDT từ Nguyễn Thị Huyền Trang và Ngô Xuân Phương.
Để phục vụ việc mua bán tiền điện tử, Phương đã thực hiện hành vi thu thập trái phép 366 tài khoản ngân hàng của người khác. Trang đăng ký mở và giao trái phép 41 tài khoản ngân hàng cho Phương. Trong quá trình mua tiền điện tử, ngày 27-4-2023, Thanh Hoa chuyển nhầm số tiền hơn 350 triệu đồng vào tài khoản của Nguyễn Thị Trang Minh Thư và đối tượng này không trả lại và đã chiếm giữ.
Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Tây Ninh đang làm rõ dòng tiền, nguồn tiền thu nhập do hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng; rửa tiền; thu thập, trao đổi trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng; chiếm giữ trái phép tài sản của các đối tượng bất hợp phát trên và phong tỏa 12 tài khoản với số tiền trên 1 tỉ đồng.