Cây xương khỉ (tên khoa học là Clinacanthus) còn được biết đến với các tên gọi dân gian như cây bìm bịp, cây mảnh cộng, lá cầm, ưu độn thảo. Đây là loài cây nhỏ, mọc thành bụi. Trước đây, cây mọc hoang ở nhiều vùng nông thôn Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Một số địa phương trồng loại cây này để lấy lá nấu canh, làm bánh. Một số nơi bà con thu hái để dùng tươi hoặc phơi khô làm thuốc chữa bệnh. Người ta cũng dùng cây bìm bịp để ngâm rượu, bôi đắp ngoài da,… Tất cả các bộ phận của loài thực vật này đều có thể sử dụng. Ngày nay, xương khỉ là loài dược liệu được nhân giống và trồng phổ biến để phục vụ cho việc chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe.
Thực hư công dụng chữa bệnh ung thư của cây xương khỉ?
Hiện nay, nhiều hội nhóm cộng đồng đang rộ lên thông tin cây xương khỉ có thể chữa khỏi nhiều loại ung thư nguy hiểm như ung thư phổi, đại tràng, tử cung, ung thư máu… thậm chí cả ung thư giai đoạn cuối. Nhiều bệnh nhân từ bỏ phác đồ đang điều trị của bác sĩ, để chuyển sang sử dụng cây xương khỉ, kỳ vọng như một loại thuốc chữa bách bệnh.
Tuy nhiên, TS.BS Trần Hải Bình (Phó khoa Ung bướu – BVĐK Tâm Anh Hà Nội) khẳng định: Không một loại thuốc hay thảo dược đơn lẻ nào có thể điều trị khỏi được ung thư. Mặc dù trong cây xương khỉ có chứa flavonoid và một số chất chống oxy hóa giúp hỗ trợ giảm đau, kháng viêm và phục hồi sức khỏe, nhưng chưa có bằng chứng y học cho thấy hiệu quả của nó trong điều trị ung thư.
Thực tế, flavonoid trong cây xương khỉ cũng có trong nhiều loại thực phẩm quen thuộc khác như trà xanh, táo đỏ, trái cây họ cam quýt… mà chúng ta vẫn sử dụng hằng ngày. Do đó không nên quá thần thánh công dụng của loài cây này.
Người bệnh ung thư cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ
“Cây xương khỉ có thể dùng hỗ trợ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng nhưng không thể thay thế cho các phương pháp điều trị ung thư tiên tiến như phẫu thuật, hóa trị, miễn dịch, thuốc đích. Sẽ rất nguy hiểm nếu người bệnh tin vào những phương pháp truyền miệng chưa được kiểm chứng và bỏ lỡ cơ hội điều trị ung thư hiệu quả bằng các phương pháp hiện đại”, TS Hải Bình khẳng định.
Theo TS Hải Bình, ung thư là bệnh lý phức tạp và cần được điều trị dựa trên y học bằng chứng, ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại dưới sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa ung bướu. Xu hướng điều trị ung thư ngày nay hướng đến “cá thể hóa – đa mô thức”, tức là phối hợp nhiều phương pháp điều trị dựa trên đặc điểm bệnh lý và giai đoạn, thể trạng của từng người bệnh để tối ưu hiệu quả. Do đó không thể có một loại thuốc hay liệu pháp nào có thể chữa khỏi nhiều loại ung thư cùng lúc.
TS Hải Bình khuyên người bệnh nên tin tưởng vào y học hiện đại, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Trước khi sử dụng loại thảo dược nào nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn, thậm chí tương tác bất lợi với các loại thuốc điều trị ung thư.