Trước khi tìm mua một sản phẩm không kê đơn để giảm triệu chứng hắt hơi, ngứa và sổ mũi… (các triệu chứng dị ứng), bạn cần hiểu rằng, một số loại thuốc trị dị ứng có hiệu quả hơn những loại khác, và một số loại thuốc trị các triệu chứng dị ứng có thể nguy hiểm hơn đối với người lớn tuổi.
Theo đó, những loại thuốc phù hợp để bạn dùng khi còn trẻ, có thể không còn an toàn khi bạn già đi. Ngày càng có nhiều loại thuốc này đi qua hàng rào máu não và bạn sẽ khó loại bỏ chúng khỏi cơ thể hơn khi lớn tuổi. Kết quả là bạn dễ bị tác dụng phụ của thuốc hơn.
1. Thuốc trị dị ứng cần tránh
– Diphenhydramin (benadryl): Thuốc kháng histamine diphenhydramine thường gây buồn ngủ, nhưng nó cũng có thể gây ra một loạt triệu chứng khác ở người lớn tuổi, như lo lắng, lú lẫn, mờ mắt, táo bón và khó tiểu (bí tiểu). Tất cả những điều này kết hợp cùng nhau làm tăng nguy cơ té ngã, vốn là mối lo ngại ở người lớn tuổi.
Theo TS. Kevin McGrath, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, vào năm 2019, té ngã đã khiến khoảng 3 triệu người lớn từ 65 tuổi trở lên phải cấp cứu và gây ra hơn 34.000 ca tử vong.
Theo một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên JAMA Internal Medicine, diphenhydramine cũng là một phần của nhóm thuốc kháng cholinergic, có liên quan đến chứng mất trí nhớ. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, việc sử dụng thuốc kháng cholinergic lâu dài – ngăn chặn acetylcholine, một chất truyền tin hóa học trong não liên quan đến học tập và trí nhớ – có liên quan đến nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn khoảng 50% ở người lớn.
Điều quan trọng cần biết là diphenhydramine được tìm thấy trong một số loại thuốc kết hợp làm giảm dị ứng và các triệu chứng giống cảm lạnh. Vì vậy hãy nhớ đọc kỹ nhãn khi mua thuốc.
– Thuốc thông mũi: Dị ứng có thể gây nghẹt mũi và người cao tuổi cũng cần cẩn thận với thuốc thông mũi, bao gồm phenylephrine hoặc pseudoephedrine, thường có trong các sản phẩm như sudafed. Những người bị tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch cần thận trọng khi dùng các loại thuốc này.
Học viện Dị ứng, Hen suyễn & Miễn dịch học Hoa Kỳ cho biết, thuốc thông mũi có thể làm tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim. Những người mắc bệnh tăng nhãn áp hoặc cường giáp cũng nên tránh dùng thuốc thông mũi.
Dùng thuốc quá muộn trong ngày, thuốc thông mũi có thể khiến bạn khó ngủ, có thể dẫn đến lo lắng và cảm giác bồn chồn hoặc run rẩy.
Mặc dù thường được tìm thấy trong các loại thuốc trị cảm lạnh, nhưng phenylephrine và pseudoephedrine cũng có trong một số sản phẩm chống dị ứng. Nói chung, hãy tránh bất cứ thứ gì có chữ D trong tên, như zyrtec-D, vì nó có thêm thuốc thông mũi. Allegra-D và claritin-D là hai ví dụ khác về thuốc dị ứng có chứa cả thuốc thông mũi và thuốc kháng histamine.
Thuốc xịt mũi thông mũi như afrin không gây ra rủi ro tương tự như thuốc viên, nhưng cần hạn chế sử dụng, vì chúng có thể gây nghẹt mũi trở lại nếu sử dụng quá thường xuyên.
2. Thuốc có thể gây ra bệnh hen suyễn và các triệu chứng giống dị ứng
Một số loại thuốc bạn có thể dùng để kiểm soát các tình trạng khác, chẳng hạn như huyết áp cao, có thể làm cho các triệu chứng hen suyễn trở nên tồi tệ hơn hoặc gây ra các triệu chứng giống như dị ứng ở một số người, bao gồm các thuốc:
– Thuốc chẹn beta : Các loại thuốc như labetalol hoặc propranolol thường được sử dụng để điều trị huyết áp cao, bệnh tim và chứng đau nửa đầu… nhưng chúng cũng có thể gây ra các triệu chứng hen suyễn ở những người mắc bệnh này. Bác sĩ có thể phải thử một số loại thuốc chẹn beta khác nhau để tìm ra loại thuốc không làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bạn.
– Chất ức chế ACE: Các ghiên cứu cho thấy, thuốc lisinopril và enalapril, được sử dụng cho bệnh cao huyết áp hoặc bệnh tim, có thể gây ho, bao gồm cả thở khò khè ở khoảng 10% bệnh nhân. Điều này thường được giải quyết khi bạn ngừng thuốc đó và thay thế bằng loại thuốc khác, giúp quản lý bệnh.
– Các thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID): Các thuốc không kê đơn trong nhóm này như ibuprofen, naproxen có thể gây ra các triệu chứng ở một số người mắc bệnh hen suyễn. Trao đổi với bác sĩ nếu bạn lo lắng về điều này. Acetaminophen có thể là một lựa chọn tốt hơn để thay thế cho NSAID.
3. Người cao tuổi nên dùng thuốc nào thay thế?
– Thuốc xịt mũi steroid: Đây là phương pháp điều trị đầu tiên dành cho những người bị dị ứng theo mùa, thậm chí còn hiệu quả hơn cả thuốc kháng histamine đường uống.
Ba loại mà TS. Kevin McGrath khuyên dùng là: Nasacort AQ, rhinocort aqua (cả hai đều cần có đơn thuốc) và flonase sensimist (một sản phẩm không kê đơn).
Để tối đa hóa hiệu quả, hãy sử dụng thuốc theo hướng dẫn sử dụng của sản phẩm.
– Một số loại thuốc kháng histamine đường uống không kê đơn: Nếu thuốc xịt mũi steroid không đủ, có thể kết hợp với thuốc kháng histamine không kê đơn. Lựa chọn đầu tiên của TS. McGrath dành cho người lớn tuổi là allegra 180 mg. Thuốc không vượt qua hàng rào máu não nên không gây buồn ngủ. Ngoài ra, có thể dùng xyzal, ít an thần hơn các nhãn hiệu khác.
– Liệu pháp miễn dịch: Đây là những mũi tiêm thường xuyên trong một khoảng thời gian (thường là khoảng 3-5 năm), để ngăn chặn hoặc giảm bớt các cơn dị ứng. Mỗi mũi tiêm dị ứng chứa một lượng rất nhỏ chất gây dị ứng để kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Theo thời gian, bác sĩ sẽ tăng liều chất gây dị ứng trong mỗi lần tiêm để giúp cơ thể quen với chất gây dị ứng, giúp giảm bớt các triệu chứng. Mặc dù nó thường được coi là phương pháp điều trị cho trẻ em nhưng cũng có thể hiệu quả ở người lớn tuổi.
Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Biên niên sử về Dị ứng, Hen suyễn & Miễn dịch học cho thấy, liệu pháp miễn dịch làm giảm 55% các triệu chứng ở người lớn từ 65 – 75 tuổi, sau ba năm điều trị và giảm gần 2 lần lượng thuốc mà bệnh nhân cần dùng.
– Phương pháp điều trị không dùng thuốc: TS. McGrath cũng khuyến nghị các phương pháp điều trị không dùng thuốc như rửa mũi bằng nước muối hoặc bình neti để loại bỏ các chất gây dị ứng và kích ứng khỏi mũi (sử dụng trước khi xịt steroid vào mũi để đạt hiệu quả tốt nhất).
Nếu sử dụng bình neti, chỉ cần nhớ sử dụng nước cất, không dùng nước máy (trừ nước đun sôi), để tránh nguy cơ nhiễm ký sinh trùng nguy hiểm trong nước, có thể lan lên mũi và có thể cả não.
DS. Nguyễn Hải Sơn