Rèn nếp sinh hoạt mới khi con không còn học thêm

Giảm tình
trạng dạy thêm, học thêm tràn lan

Sau kỳ nghỉ
Tết Nguyên đán, lịch học của bé Hà Phương – con gái chị Hương (Hà Nội) không
còn dày đặc như trước nữa. Ngoài những giờ học chính khóa ở trường của học
sinh lớp 5, Hà Phương chỉ học bài và làm bài tập ở nhà. Trước đây, cháu học
thêm 3 môn Toán, Văn và Ngoại ngữ với thời lượng 6 buổi/tuần.

Lịch học
dày như vậy nên phần lớn các ngày trong tuần cháu phải học 3 ca. Hôm
nào hai mẹ con chị Hương cũng phải “chạy show” để kịp giờ ăn, giờ học, giờ chuyển
giao ca học. Hà Phương thường xuyên trở về nhà trong tình trạng mỏi mệt nhưng vẫn
phải thức làm bài tập về nhà đến khuya mới được đi ngủ.

Chị Hương
chia sẻ: “Thú thật, nhìn con như vậy tôi rất thương nhưng trong lớp các bạn của
con đều đi học thêm, không cho con theo học thì tôi và bản thân cháu cũng thấy
không yên tâm vì sợ trên lớp tiếp thu không đủ lượng kiến thức. Từ ngày có quy
định mới về việc dạy thêm, học thêm, tinh thần của cháu thoải mái, vui tươi hẳn.
Cháu có thêm thời gian thư giãn, chơi thể thao, vui đùa cùng em trai”.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên,
nhiều phụ huynh cho rằng, học sinh nghỉ học thêm thời gian rảnh rỗi nên dễ sa
vào việc việc xem các thiết bị điện tử, bố mẹ khó quản lý. Những phụ huynh có con học
cuối cấp còn lo lắng hơn khi cho rằng, không học thêm, các con sẽ không đủ kiến
thức để thi, đặc biệt là những học sinh học lực trung bình, yếu. Nỗi
lo này là có cơ sở bởi phần lớn nhận định của các thầy cô, phụ huynh và học
sinh thì chương trình học hiện nay vẫn còn khá nặng.

Mặc dù còn
nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này nhưng có thể nhận thấy, Thông tư 29 giúp “cởi trói” cho những học sinh phải học
thêm theo kiểu “tự nguyện trong ép buộc”. Thông tư cũng giúp thúc đẩy, tăng cường trách nhiệm của
phụ huynh trong quá trình giáo dục con cái thay vì phó mặc cho giáo viên, nhà
trường.

Cha mẹ đồng
hành cùng con

Thay đổi nêps học mới, nhiều gia
đình đã hướng đến việc hỗ trợ con tại nhà, đồng hành cùng con trong học tập, điều chỉnh
lịch sinh hoạt.

Chị Phạm Thị Hồng (Thanh Hóa) chia sẻ: “Từ khi con nghỉ học
thêm, 2 vợ chồng tôi chia ca nhau để học cùng con. Với bài khó, tôi còn đọc
thêm nhiều để hiểu về khó khăn của con, tìm thêm cách giải để giúp con. Trước
đây, đi học thêm, bố mẹ phải mất thời gian thay nhau đưa đón. Bây giờ, con tự học
nên có thời gian giúp việc nhà và có thời gian chơi đàn, đọc sách. Bố mẹ rất
vui, con cũng vui”.

Nói về việc
thực hiện chủ trương mới về dạy thêm, học thêm, Tiến sĩ Hoàng Trung Học, Trưởng
khoa Tâm lý – Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, các bậc phụ huynh cần
nhận thức một cách đầy đủ về vai trò và ý nghĩa của Thông tư 29. Muốn các con học
được những thứ khác ngoài sách vở, học những con chữ tri thức khoa học không bằng
cách học thụ động và học ép, các con tự học và tự lĩnh hội được các tri thức.
Vai trò của cha mẹ cực kì quan trọng, trong giai đoạn này họ phải thể hiện được
vai trò một người đồng hãnh và hỗ trợ để cả cha mẹ và con đều phải thích ứng
trong giai đoạn mới, một giai đoạn đề cao sự tự học, tự lực và ý chí, chăm chỉ,
tự giác của các con.

“Cha mẹ là
người thầy đầu tiên, theo tôi là người thầy quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi
con người. Trong giai đoạn này, vai trò của người thầy ấy cần được thể hiện rõ
nét hơn nữa, trở thành mối quan hệ củng cố để các con có được sự an tâm về mặt
tâm lý, hậu thuẫn về mặt tinh thần, sự hỗ trợ động viên thường xuyên từ cha mẹ
để các con vươn lên và tự họ”, ông chia sẻ thêm.

Hạn chế học thêm tràn lan có thể là một thách thức ban đầu nhưng cũng mở ra cơ hội để các
gia đình, nhà trường và học sinh thay đổi tích cực. Phụ huynh nên đồng hành
cùng con bằng cách hướng dẫn phương pháp học hiệu quả thay vì quá phụ thuộc vào
lớp học thêm.

Để một học sinh phát triển toàn diện, ngoài sự giáo dục, định hướng
của nhà trường thì môi trường gia đình vẫn đóng vai trò quyết định. Vì vậy, kể
cả khi có hay không có những quy định pháp luật liên quan đến việc dạy và học
thì thiết nghĩ, cha mẹ vẫn phải ý thức được trách nhiệm chính trong việc quản
lý, giáo dục con cái.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *