TS Vũ Hoài Phương hiện là giảng viên Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Với trái tim tràn đầy nhiệt huyết cùng tình yêu nghề mãnh liệt, cô đã ươm mầm bao thế hệ học trò, biến họ thành những bông hoa tri thức tỏa ngát hương thơm cho đời.
Đến với nghề là duyên, tiếp tục làm nghề là lựa chọn
Năm 1994, sau khi bước chân khỏi cánh cổng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cô Phương nguyện ước trở thành nhà báo. Cơ duyên trời định, cô bén duyên với nghề giáo cao cả và thiêng liêng. Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng là ngôi trường nữ giảng viên đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp giáo dục của mình. Cũng tại nơi đây, tình yêu với nghề bắt đầu nảy mầm.
Ngày ấy, ngoài thời gian giảng dạy trên lớp, cô Phương còn dạy Tiếng Việt cho người nước ngoài. Học sinh của cô đa phần là các doanh nhân ngoại quốc đến Việt Nam để làm ăn, thiết lập mối quan hệ kinh tế, nhu cầu học Tiếng Việt rất lớn.
Qua mỗi buổi học, nữ giảng viên thường nhận về nhiều lời mời làm việc cùng doanh nghiệp với mức lương cực kỳ hấp dẫn. Thế nhưng, niềm tự hào được đóng góp công sức bé nhỏ của mình vào sự nghiệp ươm cho đời trái ngọt khi ấy khiến cô từ chối tất cả.
Ngọn lửa nghề cứ thế cháy bỏng nơi trái tim, tới năm 2005, cô Phương trở thành giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tại đây, cô thực hiện nhiệm vụ giảng dạy cho sinh viên, nghiên cứu sinh, cán bộ lĩnh vực truyền thông chính sách môn học Nghệ thuật phát biểu miệng (kỹ năng tuyên truyền miệng trong công tác tuyên giáo).
Với quan điểm tiên học lễ, hậu học văn, học đi đôi với hành, cô Phương luôn chú trọng giáo dục sinh viên không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn cả kỹ năng sống và đạo đức nghề nghiệp. Bởi cô tin rằng, để trở thành công dân tốt, trước hết cần rèn luyện bản thân là người có ích cho xã hội.
Gửi gắm tình yêu người lính qua những bài học, chuyến đi
Trên cương vị là một giảng viên, TS Vũ Hoài Phương không chỉ dành trọn tình yêu cho sự nghiệp trồng người, mà còn có một tình cảm đặc biệt với màu áo lính.
Bản thân nhận thức rõ những đóng góp, hi sinh to lớn của các lực lượng vũ trang, đặc biệt là những người lính biên phòng và hải quân – hai đơn vị chiến đấu nơi đầu sóng ngọn gió, gánh trên vai trọng trách bảo vệ bình yên cho đất liền. Do vậy, trong mỗi chuyến công tác, chỉ cần thấy màu xanh áo lính, cô Phương nhất định sẽ tới thăm.
Không dừng lại ở đó, nữ giảng viên còn tổ chức đưa sinh viên của mình đi thực tế chính trị – xã hội tại các đồn biên phòng, vùng hải quân xa xôi, những địa điểm mà không phải ai cũng có cơ hội ghé thăm.
“Các bạn sinh viên của tôi được đào tạo để làm công tác truyền thông chính sách, việc các bạn hiểu hơn về cuộc sống, tính chất hoạt động của các nghề nghiệp trong xã hội rất quan trọng” , cô Phương nói và cho biết, không đơn giản là những chuyến đi, điều sâu xa, nữ giảng viên muốn truyền tình yêu Tổ quốc, yêu màu áo lính tới học trò của mình, để các bạn hiểu rõ những hy sinh vất vả của các chiến sĩ nơi hải đảo, biên cương.
Và cứ thế, nhiều chuyến đi được nữ giảng viên tổ chức thành công, sau trở thành kỷ niệm đẹp được ấp ủ và vun đắp trong trái tim cô trò: chuyến đi tới Vùng 4 Hải quân (Cam Ranh, Khánh Hoà), Vùng 1 Hải quân (Hải Phòng)…
Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hành trình giảng dạy và dẫn dắt sinh viên, cô Phương không ngần ngại nhắc tới chuyến đi thực tế chính trị – xã hội tại các đồn biên phòng thuộc tỉnh Lạng Sơn, một dấu ấn khó phai trong tâm trí cô.
Đó là chuyến đi kéo dài 5 ngày của lớp Truyền thông chính sách K40, Học viện Báo chí và Tuyên truyền do cô chủ nhiệm. Lớp có 50 người, được chia thành 5 nhóm, phân về từng đồn biên phòng riêng. Tất cả đều nằm ở vùng sâu xa của tỉnh Lạng Sơn. Tại đây, sinh viên có cơ hội sinh hoạt học tập, cùng các chiến sĩ xuống địa bàn quản lý, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục, pháp luật.
Kết thúc nhiệm vụ trong ngày, sinh viên sẽ trở về đồn nghỉ ngơi. Thế rồi được sự động viên từ cô giáo chủ nhiệm, các bạn lại cùng nhau di chuyển tới thăm các chốt biên phòng vào ban đêm.
10h đêm tháng 11, cái lạnh căm của thời tiết, sự heo hút của núi rừng cũng không ngăn nổi bước chân cô trò vượt những cung đường đầy trắc trở, đến với các chiến sĩ đang canh gác tại các điểm chốt.
“Khi thấy chúng tôi đến, những chiến sĩ ở đó rất xúc động. Họ nói, chưa bao giờ có ai đến thăm. Trong lòng dâng trào một cảm giác khó tả, tôi nghẹn ngào gửi tặng các chiến sĩ những cốc nền, hộp trà và bánh đậu xanh”, nữ giảng viên bồi hồi nhớ lại.
Những ngọn nến tượng trưng cho hạnh phúc, sự ấm áp từ hậu phương gửi đến tiền tuyến, trà giúp các chiến sĩ tỉnh táo để thực thi nhiệm vụ và bánh đậu xanh mang theo hương vị ngọt ngào của quê nhà. Những món quà tuy nhỏ bé nhưng chan chứa tình cảm cô trò gửi gắm đến các chiến sĩ, mong các anh giữ vững tinh thần, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng.
Theo nữ giảng viên, trong 5 ngày ngắn ngủi được sinh hoạt và làm việc cùng các chiến sĩ biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã mang đến cho cô và các sinh viên những bài học quý giá về lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm và ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, điều không phải cuốn giáo trình nào cũng có thể dạy được.
Kết thúc chuyến đi, nhiều sinh viên vẫn giữ liên lạc, thậm chí quay lại đón Tết cùng các cán bộ chiến sĩ. Ngày sinh viên lớp Truyền thông chính sách K40 tốt nghiệp, những người lính biên phòng dù bận rộn công việc vẫn không quên gửi lời nhắn đầy xúc động đến cô trò.
“Chuyến đi kết thúc, nhưng tình cảm đôi bên vẫn duy trì, đó là một điều rất đáng trân quý”, cô Phương hạnh phúc nói.
Hạnh phúc khi các con thuyền cập bến bờ tri thức
Trên đại dương mênh mông của tri thức, TS Vũ Hoài Phương đưa biết bao con thuyền ra biển lớn. Nhiều thế hệ sinh viên được cô ươm mầm nay đã trưởng thành vững bước, khẳng định bản thân trên nhiều vị trí công tác khác nhau.
Nhiều sinh viên dù đang trên ghế nhà trường, dưới sự động viên của cô cũng có các hoạt động nghề nghiệp vì cộng đồng: tuyên truyền vận động kinh phí, lên các vùng sâu vùng xa để tặng quà, lát sân trường cho các điểm trường, xây nhà vệ sinh, đèn chiếu sáng cho các khu dân cư khó khăn…
Nữ giảng viên cho rằng, sự trưởng thành của sinh viên qua mỗi hoạt động chính là món quà vô giá đối với cô, trở thành nguồn cảm hứng và năng lượng để cô tiếp tục tổ chức các chuyến đi cho lứa học trò kế cận. ” Hạnh phúc lớn nhất của một nhà giáo là thấy học trò của mình từng bước tiến bộ, trưởng thành. Sẽ chẳng có món quà nào ý nghĩa, lâu bền hơn khi rời ghế nhà trường, các em có một công việc ổn định, trở thành công dân tốt cho xã hội”, cô Phương bày tỏ.
Lịch trình công tác dày đặc, vừa phải giảng dạy sinh viên, nghiên cứu sinh trên trường, vừa tham gia đào tạo lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các địa phương nhưng người giảng viên ấy chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi. Bởi mỗi buổi đứng lớp, mỗi chuyến đi công tác giờ đây đã trở thành nguồn nhiên liệu đun nóng nhiệt huyết, thắp ngọn lửa nghề trong tim cô cháy sáng và rực rỡ hơn.
Tâm huyết, trách nhiệm, nhiều năng lượng và sáng tạo là những gì mà TS Đinh Thị Thanh Tâm, Phó trưởng khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận xét về TS Vũ Hoài Phương.
May mắn khi từng là học trò, được cô Phương dẫn dắt từ những ngày đầu chập chững bước chân vào đại học, sau trở thành đồng nghiệp cùng chung mái trường xưa, khiến TS Tâm càng thêm trân trọng những bài học quý giá mà cô giáo cũ đã mang lại cho mình.
“Trải qua nhiều năm công tác, cô Phương vẫn luôn giữ được năng lượng và nhiệt huyết, đặc biệt là khả năng truyền cảm hứng, không chỉ với sinh viên Báo chí, mà còn với nhiều thế hệ sinh viên ở các môi trường giáo dục khác. Cô là hình mẫu lý tưởng của một giảng viên yêu nghề, say nghề”, TS Tâm bày tỏ, với nguồn năng lượng dồi dào cùng thái độ sống tích cực, cô luôn nhận được tình cảm yêu mến từ các học trò và đồng nghiệp.