Nhiều điều băn khoăn việc bỏ dạy thêm, học thêm

Nhiều băn khoăn

Mới đây, câu chuyện dạy thêm, học thêm lại thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đọc khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 29 quy định về dạy thêm, học thêm, kế thừa và cải tiến các quy định trước đây, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.

Thông tư 29 tập trung vào hướng “quản chứ không cấm”, với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, chỉ dạy thêm 3 đối tượng gồm: Học sinh yếu kém, học sinh giỏi, học sinh ôn thi cuối cấp và không thu phí. Ngoài ra, giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường và thu phí đối với học sinh mà họ đang giảng dạy trên lớp.

Nhiều băn khoăn việc bỏ dạy thêm, học thêm- Ảnh 1.

Thay vì dạy học thêm với đối tượng đại trà, Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2/2025 có nhiều thay đổi quan trọng.

Thông tư cũng cho phép dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, nhưng giáo viên phải báo cáo với hiệu trưởng và chỉ được dạy những học sinh không thuộc lớp chính khóa của mình. Các tổ chức hoặc cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và thu phí phải đăng ký kinh doanh theo quy định.

Theo quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc quy định giáo viên không được dạy thêm và thu tiền với học sinh chính khóa sẽ tác động mạnh mẽ đến cả giáo viên và học sinh. Phụ huynh sẽ giảm bớt áp lực tài chính, học sinh không còn phải đua nhau đi học thêm. Việc dạy thêm trong nhà trường cũng sẽ giúp ngừng tình trạng “ép” học sinh học thêm, tạo điều kiện cho các em có thêm thời gian học ở nhà.

Câu chuyện dạy thêm, học thêm gây nhiều dư luận trái chiều trong suốt nhiều năm qua, đa số bạn đọc cho rằng, sự thay đổi liên tục các quy định, cùng với việc “bất lực” trong việc kiểm tra và quản lý thực hiện những quy định đó, là nguyên nhân gây mệt mỏi cho giáo viên, phụ huynh và học sinh. Một phụ huynh ở TP Vinh ( Nghệ An) chia sẻ, có con đang học lớp 11 tại trường công lập, từ lớp 6 đến nay, năm nào cháu cũng học thêm tại trường. Dù học thêm không phải là quy định bắt buộc, nhưng nếu không đăng ký thì cũng “khó xem”. Hầu hết học sinh trong lớp đều tham gia và mỗi tuần, các cháu học từ 3 đến 4 buổi. “Với lịch học như vậy, hầu hết các ngày trong tuần các cháu phải học ở trường, buổi chiều và tối còn phải đi học thêm ngoài giờ. Điều này khiến lịch học trở nên quá tải, tốn nhiều thời gian và chi phí. Học kỳ 1 vừa qua, tôi đã phải đóng hơn 3 triệu đồng tiền học thêm cho con ở trường”, phụ huynh này cho biết.

Nhiều băn khoăn việc bỏ dạy thêm, học thêm- Ảnh 2.

Trước khi Thông tư chính thức có hiệu lực, việc triển khai đang nhận được nhiều ý kiến từ phụ huynh, học sinh và các nhà trường, và vẫn còn không ít khó khăn và băn khoăn.

Một số phụ huynh tán thành quy định mới, nhưng cho rằng, quy định rất tốt, rất hay, nhưng khi thực hiện lại không hiệu quả nên kết quả cũng không như mong muốn. “Các quy định trước đây cũng có, nhưng không ai thực hiện đúng, khiến việc học thêm trở thành nỗi lo. Hy vọng lần này việc thực hiện sẽ tốt hơn, đừng để mọi thứ vẫn như cũ, văn bản chỉ có trên giấy, còn thực tế thì không thay đổi”, một phụ huynh nói.

Tuy nhiên, cũng có phụ huynh đồng tình với việc dạy thêm tại trường, vì các con được quản lý chặt chẽ, thầy cô dạy sát đối tượng học trò và học phí khá thấp. Với những học sinh không học thêm ngoài trường, việc học thêm trong nhà trường sẽ giúp tiết kiệm chi phí đáng kể.

Nguy cơ lách quy chế

Tại Thông tư 29, được sửa đổi theo hướng “Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường, thu tiền từ học sinh mà giáo viên đó đang giảng dạy”. Nhiều người cho rằng quy định này mang tính nhân văn, góp phần làm trong sáng hình ảnh người thầy.

Nhiều băn khoăn việc bỏ dạy thêm, học thêm- Ảnh 3.

Với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, thông tư mới quy định, chỉ dạy thêm 3 đối tượng gồm: Học sinh yếu kém; học sinh giỏi, học sinh ôn thi cuối cấp và không thu phí.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đây là điều không thực tế, vì trong một lớp dạy thêm hiện nay, 80 – 90% học sinh là học sinh đang học trên lớp. Nếu không thu tiền, sẽ không đủ chi phí duy trì lớp học. Ngoài ra, việc dạy thêm tại các trung tâm cũng sẽ khiến thu nhập của giáo viên giảm và không phải ai cũng được ký hợp đồng giảng dạy.

Ở các vùng nông thôn, không có điều kiện mở trung tâm dạy thêm, trong khi học sinh vẫn có nhu cầu học thêm. Thay vì giáo viên trực tiếp mở lớp dạy thêm tại nhà như trước, họ có thể nhờ người thân đứng tên mở trung tâm dạy thêm có giấy phép kinh doanh, rồi ký hợp đồng với các giáo viên khác để cùng dạy thêm, thu học phí từ học sinh, theo kiểu “bình mới, rượu cũ”.

Một hiệu trưởng trường THPT ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho rằng, Thông tư 29 có ưu và nhược điểm. Với học sinh chỉ thi tốt nghiệp, việc cấm học thêm có thể cần thiết, vì các em chỉ cần học theo sách giáo khoa. Tuy nhiên, đối với học sinh muốn vào đại học, việc cấm học thêm sẽ khiến các em mất cơ hội nâng cao kiến thức. Bà Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (huyện Diễn Châu) lo ngại về việc áp dụng Thông tư 29 khi kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 gần kề, gây khó khăn cho các trường trong việc chuẩn bị giảng dạy. Việc dạy thêm giúp cải thiện chất lượng dạy học và tạo thu nhập cho giáo viên, đồng thời đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và phụ huynh trong bối cảnh áp lực thi cử.

Bên cạnh đó, Thông tư số 29 hiện chưa quy định về việc dạy thêm trực tuyến, trong khi nhiều học sinh đang học qua mạng với các công ty luyện thi hoặc giáo viên trực tuyến. Cần có quy định rõ ràng hơn về hình thức dạy thêm trực tuyến. Để quản lý việc dạy thêm học thêm hiệu quả và đúng quy định, trước hết, cần thay đổi nhận thức từ nhiều phía, bao gồm nhà trường, các trung tâm dạy thêm, giáo viên, phụ huynh và toàn xã hội.

Theo tìm hiểu của PV, trước những khó khăn trên, sau khi Thông tư 29 được ban hành, các trường học ở Nghệ An hiện đang gặp lúng túng trong việc triển khai nhiệm vụ dạy học trong học kỳ II và chuẩn bị “tăng tốc” cho các kỳ thi cuối năm học.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *