Nhiễm nấm, da tróc vảy toàn thân sau khi bôi thuốc mua trên mạng
Vừa qua, thông tin từ Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, các bác sĩ của bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhân bị nhiễm nấm toàn thân do tự mua thuốc trên mạng bôi chữa ngứa.
Theo đó, bệnh nhân nam (17 tuổi, ở Quảng Ninh) có tiền sử khỏe mạnh, vào viện vì xuất hiện tổn thương dát, mảng đỏ toàn thân kèm theo ngứa nhiều. Được biết, khoảng 2 năm nay, bệnh nhân xuất hiện dát, mảng đỏ hình tròn, ngứa ở tay 2 bên.
Bệnh nhân đi khám nhiều lần ở bệnh viện tuyến huyện, điều trị thuốc bôi, uống nấm, tổn thương có đỡ nhưng tái phát từng đợt. Một năm nay, bệnh nhân tự điều trị thuốc bôi không rõ loại kèm theo thuốc mua trên mạng về dùng (không nhãn mác, không rõ thành phần), tổn thương lan rộng toàn thân.
Theo BSCKII. Quách Thị Hà Giang – Khoa Điều trị bệnh da nam giới, Bệnh viện Da liễu Trung ương, qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân xuất hiện các dát, mảng đỏ hình tròn, hình đa cung ở thân mình, tay, chân, có vảy da, xu hướng lành giữa và lan rộng ra xung quanh; có sẩn đỏ, mụn mủ vùng ngực, lưng. Bệnh nhân ngứa nhiều tại vùng tổn thương.
Bệnh nhận được chỉ định đi làm một số xét nghiệm như soi tươi tìm sợi nấm có phát hiện các sợi nấm chia đốt trên nền tế bào sừng; công thức máu bình thường; sinh hóa máu: chức năng gan, thận trong giới hạn bình thường.
Bệnh nhân được chẩn đoán xác định nhiễm nấm da toàn thân, chỉ định điều trị với Itraconazole 200mg/ngày, thuốc bôi nấm tại chỗ.
Chỉ sau 5 ngày điều trị, tổn thương da cải thiện, bệnh nhân ra viện tiếp tục điều trị theo đơn tại nhà và hướng dẫn chế độ sinh hoạt, vệ sinh phù hợp để hạn chế tái phát.
Trường hợp bệnh nhân trên tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về thói quen sử dụng thuốc tùy tiện, không theo chỉ định của bác sĩ, người có chuyên môn. Trước đó, tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc bệnh vảy nến bị biến chứng nặng do sử dụng các sản phẩm thuốc bôi, thuốc uống mua trên mạng.
Đáng chú ý là trường hợp nam bệnh nhân 18 tuổi đến khám trong tình trạng đỏ da, tróc vảy toàn thân. Bệnh nhân cho biết bị mắc bệnh vảy nến khoảng 1 năm. Trước khi nhập viện hơn 1 tháng, bệnh nhân thấy trên mạng xã hội quảng cáo một loại thuốc dạng viên uống và kem bôi điều trị khỏi hẳn bệnh vảy nến nên đã mua 3 liệu trình với giá 600.000 đồng.
Sau khi sử dụng hết liệu trình đầu tiên, tình trạng vảy nến cải thiện rõ rệt nhưng khi ngưng uống 5 ngày, da đỏ tróc vảy tăng dần và lan ra toàn thân kèm ngứa, da căng, đau nhức, mệt mỏi, sốt kèm ớn lạnh khiến bệnh nhân phải đến viện khám và điều trị.
Thận trọng thói quen tự mua thuốc trên mạng điều trị bệnh
Theo các bác sĩ, hiện nay, nhiều người dân vẫn có thói quen tự điều trị khi có bệnh lý ngoài da. Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Bởi có những bệnh đơn giản nhưng lại trở nên rất nghiêm trọng do điều trị sai cách bằng những loại thuốc không rõ thành phần, nguồn gốc xuất xứ được bán tràn lan trên mạng.
Không chỉ các bệnh ngoài da, nhiều người bị các bệnh mạn tính như đái tháo đường, xương khớp… cũng rất hay tìm đến các bài thuốc được quảng cáo trên mạng để tự mua về uống. Trong khi đó, các bác sĩ đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo thường xuyên điều trị cho bệnh nhân bị biến chứng do sử dụng thuốc mua trên mạng không rõ nguồn gốc.
Trên thực tế, nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường, gout… đã được y văn khẳng định không thể chữa khỏi hoàn toàn, chỉ có thể theo dõi, hạn chế phát triển và giúp người dân giảm biến chứng của bệnh. Thế nhưng với mong muốn được khỏi bệnh nhanh, nhiều bệnh nhân đã tìm đến những loại thuốc không rõ nguồn gốc, khiến bệnh ngày càng nghiêm trọng.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, khi gặp các vấn đề về sức khỏe, người dân nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị theo chỉ định của các bác sĩ. Không nên tự điều trị bệnh tại nhà hoặc tin vào những lời quảng cáo thuốc trên mạng để tránh “tiền mất tật mang”.