Người đàn ông 45 tuổi bị sốc phản vệ độ 2, thừa nhận đã sử dụng loại đồ uống được nhiều người Việt ưa chuộng

Sốc phản vệ vì uống rượu ngâm sáp ong

Ngày 12/12, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, Bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị trường hợp bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốc phản vệ độ 2. Trước khi nhập viện, sau khi uống rượu ngâm sáp ong khoảng 15 phút, người đàn ông 45 tuổi (Gia Đức, Thủy Nguyên, Hải Phòng) xuất hiện ngứa, nổi ban đỏ toàn thân, phù 2 mi mắt, khó thở đã được gia đình nhanh chóng đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí.

Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ của bệnh viện đã nhận định người bệnh có biểu hiện của phản vệ độ 2 và nhanh chóng tiến hành điều trị theo phác đồ phản vệ. Sau 1 ngày điều trị, tình trạng của người bệnh đã ổn định.

Theo các bác sĩ bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết: Phản vệ là phản ứng dị ứng cấp tính nên khi phát hiện, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, người bệnh sẽ suy tuần hoàn, suy hô hấp và tử vong ngay lập tức. Phản vệ thường xảy ra do người bệnh có dị ứng với thức ăn, đồ uống hoặc dùng thuốc. Tình trạng phản vệ có thể diễn ra sau 1 giờ hoặc có thể xảy ra ngay tức thì.

Người đàn ông 45 tuổi bị sốc phản vệ độ 2, bác sỹ chỉ ra nguyên nhân bắt nguồn từ loại đồ uống được nhiều người Việt ưa chuộng - Ảnh 1.

Rượu ngâm sáp ong. Ảnh minh họa

Sốc phản vệ qua đường ăn uống có nguy hiểm không?

Theo các bác sỹ, sốc phản vệ là một tai biến dị ứng nghiêm trọng. Khi tiếp xúc một chất lạ, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ sản xuất ra nhiều kháng thể đặc hiệu chống lại chất lạ này. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cơ thể phản ứng quá mức, khiến hệ miễn dịch khởi động chuỗi các phản ứng hóa học dẫn đến hiện tượng sốc phản vệ.

Cơ thể có thể phản ứng phản vệ với bất kỳ tác nhân nào, được chia thành 5 loại tác nhân chính: Thuốc (kháng sinh, giảm đau chống viêm, giãn cơ, thuốc gây tê, gây mê…), thực phẩm (trứng, hải sản, thịt bò…), nọc động vật (nọc ong, nọc côn trùng…), protein (kháng độc tố uốn ván, truyền máu,…), latex (cơ thể phản ứng quá mức với một số loại protein trong mủ cao su tự nhiên trong găng tay, bao cao su, thiết bị y tế…).

Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng cấp tính nên khi phát hiện cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay. Nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, người bệnh nhanh chóng tử vong; hoặc rơi vào tụt huyết áp liên tục, gây lúng túng trong chẩn đoán khiến việc điều trị không đúng theo phác đồ sốc phản vệ dẫn đến diễn tiến nặng.

Sốc phản vệ do thức ăn hay thuốc uống thường khởi phát sau 1 giờ. Trong khi đó sốc phản vệ do tiêm thuốc chỉ trong vài phút, thậm chí vài giây, người bệnh đã ngưng tim. Dù bị sốc phản vệ theo đường ăn, đường uống hay tiêm thì kể từ khi bắt đầu khởi phát triệu chứng, huyết áp đều tụt rất nhanh, bác sĩ phải chạy đua với thời gian để cứu lấy người bệnh.

Có 4 mức độ sốc phản vệ:

– Mức độ 1: Người bệnh chỉ có triệu chứng ở da như nổi mề đay, ngứa, đỏ ửng,… Nhưng khoảng 20% trường hợp sốc phản vệ không xuất hiện các triệu chứng ở da hay niêm mạc và một số khác lại có dấu hiệu tụt huyết áp.

– Mức độ 2: Người bệnh bị phù mạch, khó thở hoặc thở nhanh nông, tức ngực, đau bụng, ỉa chảy, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.

– Mức độ 3: Người bệnh rơi vào nguy kịch với tình trạng thở nhanh, tím tái, rối loạn nhịp thở, co giật, mạch nhanh nhỏ và tụt huyết áp.

Mức độ 4: Ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp hoặc những biến chứng muộn như viêm cầu thận, viêm cơ tim dị ứng, suy đa cơ quan dẫn đến tử vong.

Việc phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời có vai trò lớn trong việc cứu sống tính mạng của người bệnh. Các bác sĩ khuyến cáo người dân ngay khi thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường nên đi đến các bệnh viện để được xử trí cấp cứu kịp thời, tránh để tính mạng rơi vào nguy kịch gây khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *