Thích nghi với sự thay đổi
Theo nhiều
người, Thông tư 29 quy định về quản lý dạy thêm, học thêm là cơ hội để học sinh tăng khả năng tự học.
Có con chuẩn
bị thi vào lớp 10, chị Bùi Thu Nga (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, con chị
có lực học khá nhưng do quen học thêm từ nhỏ nên con bị hẫng khi các lớp học
thêm ở trung tâm thông báo tạm dừng. Tuy nhiên, chị đã động viên con tập trung
hơn ở lớp và tăng cường tự học ở nhà. Gần 1 tháng sau khi thông tư quy định về
dạy thêm, học thêm có hiệu lực, chị Nga cảm thấy mừng vì con đã chủ động tự học,
nâng cao kiến thức mà không cần phải thông qua các lớp học thêm.

Lê Thanh
Trà hiện nay đang là học sinh lớp 11 tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Từ khi
bắt đầu có quy định mới về học thêm, dạy thêm, Trà quyết định không đăng ký học
tại các trung tâm, thay vào đó là dành thời gian tự học ở nhà. Quyết định này của
em được bố mẹ hoàn toàn đồng ý.
“Để thích
nghi với việc tự học, sau mỗi giờ học em đều tự nghiên cứu, tổng quát kiến thức
tại nhà xong, những kiến thức nào còn băn khoăn chưa rõ, lên trường và hỏi lại
thầy cô. Để ôn luyện được nhiều kiến thức trước kỳ thi, em không chỉ học trong
sách giáo khoa mà còn mua sách ở các tiệm sách cũ, mượn sách ở thư viện trường
để học tập, làm bài. Đặc biệt, em có một nhóm bạn trên lớp, thường xuyên trao đổi
với nhau về các kiến thức, bài học ở trên lớp”, Trà chia sẻ.
Theo thầy
giáo Nguyễn Minh Quý, giáo viên trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Hải Phòng, việc dừng
dạy thêm, học thêm trong nhà trường với đại đa số học sinh chính là cơ hội để
các em tìm lại sức mạnh nội tại: tinh thần tự học. Lúc đầu, tìm lại thói quen tự
học có thể khó khăn, mệt mỏi và kém hiệu quả. Nhưng làm quen và thuộc dần thì tự
học sẽ trở thành một nguồn sức mạnh to lớn, giúp các em vững vàng đối mặt với
thử thách và thành công trong tương lai.
Theo thầy
Quý, trên thực tế, việc học thêm không phải là con đường duy nhất tới với tri
thức, tự học mới là kỹ năng quan trọng nhất để chuyển hóa tri thức thành của
mình. Tự học không chỉ là kỹ năng, mà còn là nền tảng để hình thành ba phẩm chất
quan trọng: tự tin, tự giác, tự chủ.
Thói quen mới cần cách nghĩ mới
Trong một buổi trò chuyện với sinh viên,
Giáo sư Ngô Bảo Châu đã chia sẻ một góc nhìn thực tế: Ông nhận thấy sinh viên Mỹ
có số giờ học Toán ít hơn so với sinh viên Việt Nam, nhưng trong 4 năm thì kiến
thức của họ lại vượt hơn hẳn, một phần do thời gian tự học nhiều hơn.
“Em
không/ít đi học thêm mà chỉ tự học” cũng là câu trả lời quen thuộc của các bạn
học sinh đạt giải cao ở các kỳ thi quốc gia, quốc tế hay những thủ khoa đại học
(80% đến từ vùng nông thôn còn thiếu điều kiện học tập). Trong khi đó, có rất
nhiều học sinh bỏ ra nhiều thời gian để học thêm nhưng vẫn không giỏi, thậm chí
cảm thấy chán nản và lười học hơn.

Theo các
chuyên gia, tự học đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình học tập và
phát triển của học sinh, không chỉ giúp các em nắm vững kiến thức mà còn rèn
luyện nhiều kỹ năng và phẩm chất cần thiết. Việc tự học giúp học sinh chủ động
tìm hiểu, khám phá kiến thức, thay vì chỉ tiếp thu thụ động từ giáo viên. Khi tự
học giúp học sinh nắm rõ được vấn đề, từ đó hiểu rõ bản chất và vận dụng kiến
thức một cách linh hoạt. Kiến thức tự học thường được ghi nhớ lâu hơn so với kiến
thức chỉ nghe giảng, do học sinh đã chủ động tham gia vào quá trình học tập.
Đặc biệt, việc tự học giúp học sinh rèn luyện kỹ năng tự tìm kiếm thông tin, phân
tích, tổng hợp, đánh giá và vận dụng kiến thức. Nhiều chuyên gia cho rằng,
trong bối cảnh công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển thì việc tự học rất
thuận lợi, là xu hướng đầy tiềm năng và mang lại nhiều lợi ích.
AI có thể phân tích dữ liệu học tập của từng người để đưa ra lộ trình học tập
phù hợp với tốc độ và phong cách học của riêng bạn. Công nghệ này giúp học sinh dễ dàng tiếp cận với
vô số tài liệu học tập, từ sách giáo trình, bài giảng trực tuyến đến các bài tập,
trò chơi tương tác. Với AI, người học có thể học tập ở bất kỳ đâu và bất kỳ khi
nào chỉ cần có kết nối internet. Các công cụ này có thể tạo ra môi trường học tập
tương tác, giúp người học hứng thú hơn và ghi nhớ kiến thức tốt hơn.