Khi trẻ “biến mất” để thử tìm xem… có ai quan tâm
Chia sẻ với Gia đình Việt Nam, ThS. Hoàng Quốc Lân – Chuyên gia tâm lý lâm sàng, Bệnh viện
Đa khoa Phương Đông cho biết, anh vừa tiếp nhận trường hợp nam sinh 14 tuổi được
người dì ruột đưa đến khám trong tình trạng trầm cảm, gần như không muốn nói
chuyện với ai.
Theo lời người dì ruột, Trường (tên nhân vật đã được thay đổi)
bỏ nhà đi không lời nhắn, tắt điện thoại và cắt đứt mọi liên lạc trong suốt 3
ngày. Cả gia đình hoảng loạn đi tìm, lo sợ cậu bị bắt cóc hoặc gặp chuyện chẳng
lành. Khi được tìm thấy ở nhà một người bạn, Trường chỉ lặng im khóc nức nở,
không nói gì.
Phải đến buổi trị liệu đầu tiên, Trường mới dần chia sẻ: Con
không muốn bỏ nhà đi… nhưng con không chịu nổi nữa. Ở nhà không có ai để nói
chuyện. Mẹ thì ngày nào cũng gọi video về chỉ để hỏi: Đã học chưa, con đã nộp hồ
sơ vào trường đó chưa?
Mẹ Trường đi làm xa, cả tháng mới về một lần (bố mẹ ly hôn), bố ở nước
ngoài. Mỗi lần gọi, mẹ chỉ toàn kể: Mẹ vất vả cỡ nào, cực khổ bao nhiêu để nuôi
con ăn học. Con chỉ việc học thôi mà không làm được thì thôi đấy…
Đỉnh điểm là sau kỳ thi thử không đạt như mong đợi, Trường
xin phép đi chơi với bạn để giải tỏa trước kỳ thi chuyển cấp, nhưng bị mẹ mắng
nặng nề, trách móc, và dọa “thi trượt thì ở nhà đi làm thuê”. Từ đó, Trường
không dám nói chuyện với mẹ, cũng không biết chia sẻ với ai.
“Thân chủ cho biết, cháu sống với ông bà ngoại và mẹ nhưng
mẹ đi làm xa, còn ông bà không hiểu được việc học. Trường chia sẻ với tôi: Con
cảm thấy như con đang sống mà không có ai ở đó. Lúc con đi khỏi nhà, con chỉ muốn
thử xem, nếu con rời đi thì có ai thật sự quan tâm không…”, ThS Hoàng Quốc Lân kể.

Chuyên gia tâm lý lâm sàng nhận định, hành vi của Trường là
lời “cầu cứu im lặng” từ một đứa trẻ đang bị tổn thương sâu sắc bởi sự thiếu vắng
gắn kết cảm xúc trong gia đình, cộng với áp lực thành tích nặng nề và cảm giác
tội lỗi khi “không đáp lại được sự hy sinh của cha mẹ”.
“Trẻ không tự nhiên bỏ nhà đi. Hành động rời khỏi nơi mình
đang sống là biểu hiện cuối cùng của chuỗi dồn nén: cô đơn, bị kỳ vọng quá mức,
cảm thấy mình vô dụng, không được lắng nghe, không có chỗ trút bầu tâm sự và
không cảm nhận được sự đồng hành”, chuyên gia tâm lý phân tích.
ThS Hoàng Quốc Lân nhấn mạnh, đáng lo hơn là dù không có dấu
hiệu tự tử, nhưng những hành vi như vậy là chỉ báo rõ ràng rằng tâm lý của trẻ
đang “báo động đỏ”. Nếu không được can thiệp kịp thời, các em có thể phát triển
rối loạn lo âu, trầm cảm, hoặc hành vi chống đối, thậm chí làm tổn thương bản
thân trong tương lai.
Cần thay đổi tư duy từ “kiểm soát con” sang “kết nối với con”
Theo chuyên gia tâm lý, nhiều cha mẹ nghĩ rằng chỉ cần chăm
lo cho con đủ đầy vật chất, làm việc vất vả để con được học trường tốt, ăn uống
đầy đủ là đã “yêu con hết mực”. Nhưng vị chuyên gia cảnh báo: Yêu thương mà thiếu
thấu hiểu, kỳ vọng mà không có kết nối có thể trở thành gánh nặng tâm lý vô
hình giết chết tuổi thơ.
“Trẻ con không chỉ cần ăn học, mà cần được lắng nghe, được cảm
nhận rằng mình có giá trị, có người hiểu mình, và mình không đơn độc. Mỗi lời mắng
mỏ, dù vô tình, đều có thể trở thành ‘giọt nước tràn ly’ nếu cha mẹ không kịp
thời điều chỉnh,” – ThS. Lân nhấn mạnh.
Trước sự việc trên, chuyên gia tâm lý Hoàng Quốc Lân khuyến
cáo cha mẹ cần thay đổi tư duy từ “kiểm soát con” sang “kết nối với con”.
“Sau kỳ thi, điều các con cần không phải là một cái nhìn dò
xét, mà là một cái ôm, một câu nói chia sẻ đơn giản như: Dù điểm số thế nào, bố
mẹ vẫn ở đây với con; Bố mẹ biết thi cử không dễ, mà còn áp lực nữa,
con đã làm và đã rất tốt rồi. Nghỉ ngơi thôi nào. Bố mẹ nghĩ là con xứng đáng
được thưởng một món quà vì đã trải qua 1 kỳ thi quan trọng…. Mẹ luôn ở đây, lắng
nghe những gì con muốn chia sẻ. Hay viết một chút tâm sự vào mẩu giấy và gửi
cho trẻ cũng là cách để kết nối.
Bố mẹ cũng nên quan sát các dấu hiệu bất thường ở con khi thấy
con tự tách mình khỏi gia đình; có những lời nói tiêu cực như: “Con đi cho
xong”, “chẳn ai cần con”, con là kẻ thất bại…”, ThS Hoàng Quốc Lân lưu ý.
Nếu phát hiện con có dấu hiệu muốn bỏ đi hoặc đã từng bỏ đi,
bố mẹ không nên la mắng hay đổ lỗi cho con chỉ trích. Mà hãy bình tĩnh, tiếp cận
bằng sự lắng nghe. Chỉ khi trẻ cảm thấy được hiểu, được tôn trọng các con sẽ
tích cực hơn.
“Tôi vẫn khuyến khích bố mẹ luôn đồng hành từ những giai đoạn
phát triển của con, vì như vậy mới có thể nói chuyện và kết nối với con. Việc
điều chỉnh và giải quyết vấn đề sau khi đã xảy ra rồi sẽ thường khó khăn hơn”, vị
chuyên gia cho hay.