Tiêu chí thành lập, số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại Gia Lai
Theo Nghị quyết, mỗi thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai được thành lập 1 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự. Tổ bảo vệ an ninh, trật tự gồm Tổ trưởng, Tổ phó và Tổ viên.
Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở thôn có dưới 200 hộ gia đình (đối với thôn ở xã biên giới có dưới 100 hộ gia đình), tổ dân phố có dưới 250 hộ gia đình, bố trí mỗi Tổ 3 thành viên.
Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở thôn có từ 200 hộ gia đình trở lên (đối với thôn ở xã biên giới có từ 100 hộ gia đình trở lên), tổ dân phố có từ 250 hộ gia đình trở lên, bố trí mỗi Tổ 4 thành viên.
Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố thuộc khoản 2 Điều này cứ tăng thêm đủ 50% quy mô hộ gia đình, được bố trí thêm 1 thành viên, tối đa mỗi Tổ không quá 7 thành viên.
Tỉnh Gia Lai thành lập 1.577 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tổng số hơn 5.400 thành viên
Theo Quyết định của UBND tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh thành lập 1.577 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tương ứng với 1.577 thôn, tổ dân phố.
Trong đó có 880 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở 880 thôn, tổ dân phố được bố trí mỗi tổ 3 thành viên (gồm có 1 Tổ trưởng, 1 Tổ phó và 1 Tổ viên) và 697 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở 697 thôn, tổ dân phố được bố trí mỗi tổ 4 thành viên (gồm có 1 Tổ trưởng, 1 Tổ phó và 2 Tổ viên).
Có thể nói, lực lượng này đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, là “cánh tay nối dài” của Công an cấp xã trong đảm bảo an ninh trật tự địa bàn.
Mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng
Thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai được hưởng mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng như sau:
Tổ trưởng hưởng 2.070.000 đồng.
Tổ phó hưởng 1.350.000 đồng.
Tổ viên hưởng 1.080.000 đồng.
Được hỗ trợ 10% trên mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Được hỗ trợ 30% mức đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng hộ gia đình.
Trường hợp người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thuộc đối tượng được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 80/2024/NĐ-HĐND ngày 10/7/2024 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Gia Lai cao hơn mức hỗ trợ theo quy định tại điểm b khoản này (mức 30%) thì được hưởng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất.
Mức hỗ trợ tiền tuất, mai táng phí
Người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ thì được hỗ trợ 30% chi phí khám bệnh, chữa bệnh và tiền ăn hằng ngày như mức hưởng của đối tượng tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình trong thời gian điều trị đến khi ổn định sức khỏe ra viện.
Người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa, chết khi thực hiện nhiệm vụ thì được hưởng mức trợ cấp như sau:
Được hỗ trợ 30% chi phí khám bệnh, chữa bệnh và tiền ăn hằng ngày như mức hưởng của đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian điều trị tai nạn, kể cả trường hợp vết thương tái phát cho đến khi ổn định sức khỏe ra viện.
Trường hợp bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động từ 5% đến dưới 30% thì được hưởng trợ cấp 1 lần. Mức trợ cấp được quy định như sau: Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 9.000.000 đồng/người, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 900.000 đồng/người.
Trường hợp bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau: Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng 540.000 đồng, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 36.000 đồng.
Trường hợp tai nạn dẫn đến chết thì thân nhân được hưởng rợ cấp tiền mai táng bằng 14.400.000 đồng và tiền tuất một lần bằng 9.000.000 đồng.