Mùa hè ác mộng trên ‘hòn đảo sống ảo’ Santorini nổi tiếng thế giới

Là một trong những điểm đến “mơ ước” của nhiều du khách quốc tế, Santorini nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên thơ mộng cùng các công trình kiến trúc ấn tượng.

Theo chính quyền địa phương, hòn đảo nổi tiếng ở Hy Lạp này đón khoảng 3,4 triệu du khách mỗi năm, vượt xa con số 20.000 cư dân thường trú của Santorini.

sdaf2324123.jpg
Mỗi năm, Santorini đón khoảng 3,4 triệu lượt khách du lịch. Ảnh: Lonely Planet

Vào giai đoạn cao điểm có tới 17.000 hành khách từ tàu du lịch đổ xô đến hòn đảo để ghé tới những điểm tham quan như Fira hay thị trấn Oia ở mũi phía tây bắc, nổi tiếng với cảnh hoàng hôn ngoạn mục.

Nơi đây thậm chí còn được đặt biệt danh là “đảo sống ảo” vì có vẻ đẹp hoàn hảo.

Tuy nhiên, việc những con phố lát đá cuội hay các ban công trên vách đá luôn chật kín du khách chụp ảnh lúc hoàng hôn, đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương. 

Nhiều người cho rằng việc phát triển du lịch đang khiến hòn đảo bị hủy hoại từng ngày.

Georgios Damigos – chủ một khách sạn trên đảo, cho biết điều kiện sống của người dân bị tác động rất nhiều: “Chúng tôi sống trên một hòn đảo nhỏ với diện tích chỉ khoảng 70km2.

Vậy cơ sở hạ tầng trên hòn đảo phải phát triển thế nào để ứng phó với sự gia tăng số lượng khách du lịch gấp hàng chục lần?”.

à2351532.jpg
Du khách chen chúc chụp ảnh hoàng hôn ‘sống ảo’ ở Santorini. Ảnh: Common Way

Thị trưởng Santorini, Nikos Zorzos, đã đề xuất việc giới hạn số lượng du khách đến đảo bằng tàu du lịch ở mức 8.000 người/ngày.

Động thái này được Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis hết sức ủng hộ. Ông khẳng định rằng biện pháp này sẽ được áp dụng vào năm sau.

Các cuộc biểu tình phản đối khách du lịch đã trở thành “điểm nóng” ở châu Âu suốt mùa hè này.

Hôm 1/8, Venice đã giới hạn quy mô nhóm khách du lịch ở mức 25 người và cấm loa phóng thanh, sau khi tuyên bố biện pháp thu phí vào cửa bước đầu được coi là thành công, mang lại cho thành phố khoảng 2,64 triệu USD doanh thu.

Du lịch quá mức đã trở thành một thuật ngữ thông dụng những năm gần đây khi các điểm đến nổi tiếng phải tìm cách cân bằng giữa lượng du khách với chất lượng cuộc sống của cư dân, cũng như duy trì một môi trường bền vững.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *