Chương trình được triển khai bởi Quỹ Di sản Nam Cực Anh (UKAHT). Trước khi đặt chân tới một trong những vùng đất xa xôi và khắc nghiệt nhất Trái đất này, các thành viên trong nhóm đều phải trải qua nhiều khóa đào tạo về sơ cứu, bảo vệ môi trường, nghiên cứu về chim cánh cụt,…
Các nhân viên sẽ làm việc tại bưu điện và bảo tàng trên đảo Gouider trong 5 tháng. Công việc chính của họ là giám sát động vật hoang dã, bán đồ lưu niệm và bưu thiếp cho khách du lịch ghé thăm,…
Trưởng nhóm Lou Hoskin được giao nhiệm vụ quản lý căn cứ, đảm bảo nhiên liệu, thực phẩm không bị thiếu hụt. Hàng ngày, cô sẽ liên lạc với trung tâm quản lý tại Anh để báo cáo tình hình công việc trên đảo.
Theo Daily Mail, đảo Goudier có diện tích tương đương một sân bóng đá, khoảng 7.000m2. Đây là nơi sinh sống của khoảng 1.000 con chim cánh cụt gentoo, hải cẩu, báo, nhím biển, hải quỳ,…
Cuộc sống ở Goudier được cho là không hề dễ dàng. Các nhân viên của UKAHT phải sống trong điều kiện Mặt trời chiếu sáng liên tục, ngủ phòng tập thể, không có sóng điện thoại và truy cập internet qua vệ tinh.
Nơi này cũng không có nước máy hay nhà vệ sinh xả nước. Nếu muốn tắm, các nhân viên phải đợi các tàu du lịch vào cảng và lên đó tắm nhờ.
Sắp tới, nhóm sẽ đón tiếp thêm một số chuyên gia nữa đến làm nhiệm vụ khôi phục các công trình lịch sử trên đảo, đồng thời tiếp cận khu bảo tồn đảo Blaiklock, một trong những vùng đất nhỏ và xa xôi nhất do UKAHT quản lý.