Lựa chọn nào cho người lao động đóng 35 năm BHXH nhưng chưa đủ tuổi hưu?   

Chị Vũ Thị Xuyên (49 tuổi) làm công nhân may ở TPHCM từ năm 20 tuổi, đến nay đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được gần 30 năm.

Chị chia sẻ, là công nhân liên tục phải làm tăng ca nên rất mệt, không thể theo được lao động trẻ. Do vậy, chị tính sẽ cố làm thêm vài năm nữa rồi xin nghỉ việc chờ lương hưu, hoặc nếu được sẽ xin về hưu trước tuổi.

“Nếu tiếp tục làm việc thêm 5 năm nữa thì tôi 54 tuổi và có 35 năm đóng BHXH, thừa 5 năm so với quy định đóng BHXH để hưởng mức lương hưu tối đa (75%). Tuy nhiên, do quy định tuổi nghỉ hưu đang tăng dần nên tôi không biết nên làm thế nào”, chị Xuyên băn khoăn.

A58I6830 (4).jpg
Lao động làm công việc nặng nhọc thường không thể chờ đến tuổi nghỉ hưu, do vậy thường tính đến phương án về hưu trước tuổi. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng.

Theo Nghị định 135/2020 của Chính phủ, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu và tuổi hưởng lương hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình mỗi năm tăng thêm 3 tháng cho đến khi đạt 62 tuổi đối với lao động nam, và tăng thêm 4 tháng cho đến khi đủ 60 tuổi đối với lao động nữ. Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu áp dụng cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028, đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Như vậy, để đủ điều kiện hưởng lương hưu, người lao động phải có đủ 20 năm đóng BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu theo các quy định.

Nhưng với thời gian đóng BHXH như trên, mức lương hưu hằng tháng của người lao động chỉ được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Tuy nhiên, nếu tiếp tục tham gia BHXH, cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. Và số năm để hưởng lương hưu tối đa 75%, lao động nam phải đóng đủ 35 năm BHXH, còn lao động nữ thì phải đủ 30 năm. Nếu nghỉ hưu trước tuổi quy định thì mỗi năm bị giảm 2% lương hưu.

Về hưu trước tuổi hoặc bảo lưu để hưởng mức tối đa 

Theo quy định hiện hành, trong trường hợp người lao động có đủ số năm tham gia BHXH để hưởng lương hưu (20 năm) hoặc đã có đủ 30, 35 năm đóng BHXH nhưng lại chưa đủ tuổi nghỉ hưu, người lao động có thể lựa chọn 1 trong 2 phương án.

Phương án một, bảo lưu thời gian đóng BHXH đợi đến đủ tuổi nghỉ hưu. Việc bảo lưu không ảnh hưởng đến việc hưởng lương hưu cũng như không làm giảm tỷ lệ % lương hưu của người lao động.

Người lao động có đủ 30, 35 năm đóng BHXH sẽ được hưởng lương hưu tối đa nếu bảo lưu thời gian đóng và đợi đến tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Phương án hai, nghỉ hưu trước tuổi trong trường hợp đủ điều kiện theo quy định. Trong trường hợp này, người lao động mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ bị trừ 2% lương hưu, nghỉ hưu trước tuổi dưới 6 tháng thì không trừ, từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng thì trừ 1% lương hưu.

Người lao động có thể đưa ra lựa chọn bảo lưu, hoặc về hưu trước tuổi khi thừa số năm đóng BHXH nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu.

Đại diện BHXH Việt Nam cho biết, với những người về hưu thừa số năm đóng BHXH hưởng lương hưu tối đa thì sẽ được hưởng trợ cấp một lần.

Cụ thể, theo Điều 68 Luật BHXH 2024 (có hiệu lực từ 1/7/2025) quy định, lao động nam có thời gian đóng BHXH cao hơn 35 năm, lao động nữ có thời gian đóng cao hơn 30 năm thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

Mức hưởng trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng cao hơn thời gian nêu trên bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho mỗi năm đóng cao hơn đến tuổi nghỉ hưu.

Trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu mà tiếp tục đóng BHXH thì mức trợ cấp bằng 2 lần của mức lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH cho mỗi năm đóng cao hơn số năm hưởng mức tối đa (75%), kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật đến thời điểm nghỉ hưu. 


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *