Sông Cầu đoạn chảy qua tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, từ lâu đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa của người dân nơi đây.
Hiện Bắc Ninh và Bắc Giang được xem là thủ phủ công nghiệp phía Bắc với nhiều khu công nghiệp quy mô lớn, có nhiều tập đoàn kinh tế lớn đóng trên địa bàn như Samsung, Amkor, Goertek, Foxconn…
Để tạo thuận lợi trong giao thương, du lịch và tăng cường giao lưu bản sắc văn hoá… nhiều dự án phát triển hạ tầng giao thông kết nối giữa Bắc Ninh và Bắc Giang được đầu tư. Trong đó, những cây cầu bắc qua sông Cầu đã tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của 2 tỉnh.
Cùng VietNamNet khám phá những cây cầu nối liền đôi bờ sông Cầu, kết nối tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang:

Đáp Cầu (hay còn gọi là cầu Thị Cầu) là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Cầu nối liền Bắc Ninh và Bắc Giang. Ban đầu, cầu được xây dựng hoàn toàn bằng kết cấu sắt (tương tự cầu Long Biên) chỉ cho phép xe máy và tàu hỏa lưu thông, không có làn dành cho ô tô.
Đến năm 2017, dự án mở rộng cầu Đáp Cầu được triển khai, xây dựng thêm một cây cầu mới song song với cầu sắt cũ, giúp tăng khả năng kết nối giữa hai tỉnh.

Ngày 16/6/2023, dự án mở rộng cầu Như Nguyệt (giai đoạn 2) chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng, tháo gỡ điểm nghẽn giao thông trên quốc lộ 1 nối Hà Nội, Bắc Ninh và Lạng Sơn, Bắc Giang. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 450 tỷ đồng, khởi công từ tháng 4/2022.
Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu Như Nguyệt mở rộng đã giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài nhiều năm, góp phần nâng cao năng lực khai thác tuyến cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn.

Dự án mở rộng cầu Như Nguyệt được đánh giá đã góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn, đồng thời nâng cao năng lực khai thác tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang. Công trình không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội mà còn bảo đảm an ninh – quốc phòng trong khu vực.

Dự án cầu Vân Hà nhằm kết nối xã Vân Hà, thị xã Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) với phường Hòa Long (TP Bắc Ninh). Dự án bao gồm hạng mục cầu chính và đường dẫn hai đầu cầu.
Vị trí xây dựng cầu được xác định theo quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh (điều chỉnh) và quy hoạch phân khu đô thị TP Bắc Ninh. Tuyến cầu kết nối từ khu vực Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh sang xã Vân Hà.
Cầu Vân Hà có tổng chiều dài khoảng 360m, bề rộng 12m. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 220 tỷ đồng. Khởi công vào năm 2025 và dự kiến hoàn thành trong năm 2026.


Tiếp theo là dự án cầu Hà Bắc 1, mới đây UBND tỉnh Bắc Ninh đã có công văn về việc phối hợp đầu tư xây dựng cầu Hà Bắc 1 và đường dẫn kết nối giữa tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Vị trí xây dựng cầu được xác định theo quy hoạch tỉnh Bắc Ninh và quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Cầu Hà Bắc 1 được thiết kế với bề rộng 22,5m, kết cấu vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Tổng chiều dài cầu khoảng 970m, kèm theo đường dẫn hai đầu cầu được đầu tư theo quy hoạch nhằm bảo đảm kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông khu vực.
Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 1.700 tỷ đồng. Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, công tác chuẩn bị đầu tư sẽ được thực hiện trong năm 2025, dự kiến khởi công vào năm 2026 và hoàn thành vào năm 2027.
Dự án cầu Hà Bắc 2 cũng đã được triển khai bắc qua sông Cầu, kết nối Bắc Giang với Bắc Ninh. Hiện tại cầu Hà Bắc 2 và đường dẫn phía Bắc Giang đã được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đầu tư, hoàn thành xây dựng gần một năm nay.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 358 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và tỉnh, được triển khai trong giai đoạn 2021-2024. Cầu có chiều dài 490m, rộng 16m, được xây dựng bằng bê tông dự ứng lực và bê tông cốt thép dự ứng lực. Phần đường dẫn dài hơn 1.500m, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, với nền đường rộng 12m, mặt đường 11m, kết cấu bê tông nhựa trên móng cấp phối đá dăm.
Ngày 6/11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ra Nghị quyết về việc chia tỉnh Hà Bắc thành hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Bộ máy hành chính của hai tỉnh mới chính thức hoạt động từ ngày 1/1/1997.
Theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 (nghị quyết số 60), tỉnh Bắc Ninh dự kiến sẽ hợp nhất với tỉnh Bắc Giang, lấy tên là tỉnh Bắc Ninh, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Bắc Giang.

Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ ‘về một nhà’, từ phố núi về đất Tổ đi thế nào?
Dự kiến sau khi sáp nhập các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, người dân đi từ Hòa Bình đến TP Việt Trì (dự kiến đặt trung tâm hành chính mới) sẽ có 2 tuyến giao thông chính để di chuyển.

TPHCM xuống Bà Rịa – Vũng Tàu phải đi qua đường Đồng Nai, nếu sáp nhập đi lại thế nào?
Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có điều kiện phát triển các tuyến giao thông. Nếu tỉnh này sáp nhập vào TPHCM, việc kết nối đi lại của người dân hiện nay chủ yếu là đường bộ theo quốc lộ 51 và phải qua địa phận Đồng Nai.