Andrew Fraser là một nhà sáng tạo nội dung người Australia, hiện sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Anh sở hữu kênh YouTube với hơn 150.000 lượt theo dõi, chuyên đăng tải các video về du lịch, trải nghiệm ẩm thực.
Andrew tiết lộ, anh không ngại tìm kiếm và thưởng thức các món ăn độc lạ, thậm chí đáng sợ, khiến khách Tây “khóc thét” như: Nậm pịa, sâu tre, châu chấu rang…
Gần đây nhất, anh có chuyến đi đến xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái để tìm hiểu về nghề nuôi dúi.
Dúi (hay còn gọi là chuột nứa, chuột tre…) là động vật thuộc lớp thú và một phần họ gặm nhấm. Chúng có vẻ ngoài giống chuột nhưng thân dài, kích thước khá to và lông màu xám đen.
Tại Việt Nam, dúi có mặt ở nhiều nơi nhưng phổ biến nhất là các khu vực vùng núi như Hòa Bình, Yên Bái… Loại động vật này chủ yếu ăn tre, đôi khi là bã mía, ngô.
Anh Hải, chủ cơ sở nuôi dúi ở xã Thượng Bằng La, nơi Fraser ghé thăm, tiết lộ đã bắt đầu công việc này từ 4 năm trước. Hiện trang trại của anh có khoảng 400 con. Theo người đàn ông này, mỗi năm dúi mẹ sinh sản từ 2 – 4 lứa, mỗi lứa đẻ 2 – 6 con.
Dúi thịt sau 6 – 8 tháng sẽ có trọng lượng từ 1 – 1,5kg và có thể bán ra thị trường.
Để chăm sóc dúi, anh phân chia chuồng trại thành từng ngăn, vừa giảm thiểu tình trạng lây bệnh vừa thuận tiện theo dõi quá trình sinh trưởng của loài này. Vì dúi là động vật ưa bóng tối nên cần lưu ý hạn chế tối đa ánh sáng và tiếng ồn.
Fraser cho hay, không chỉ được lắng nghe kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc dúi, anh còn được đi chặt tre cho dúi ăn. Anh bất ngờ khi biết dúi có giá trị kinh tế cao, thịt dúi có thể chế biến thành nhiều món ngon, được thực khách “sành ăn” săn đón.
“Bạn có tin không, dúi được cung cấp tới các nhà hàng với giá bán lên tới 75 USD/kg (hơn 1,8 triệu đồng), đắt hơn cả tôm hùm”, Fraser nói.
Vì trang trại chỉ nuôi và cung cấp dúi cho các nhà hàng ở Hà Nội, nên chàng YouTuber người Australia quyết định sẽ thưởng thức các món ăn từ loài vật này khi trở về thủ đô.
Tại đây, Fraser cùng cô bạn người Việt Nam là Lila tìm đến nhà hàng chuyên phục vụ đặc sản Tây Bắc ở phố Lê Văn Hưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội để thưởng thức một số món ngon từ dúi.
Anh được tận mắt xem quá trình đầu bếp sơ chế và chế biến thịt dúi thành các món ăn khác nhau.
Đầu tiên, dúi được trụng qua nước sôi để tuốt sạch lông, sau đó bọc trong giấy báo và thui qua lửa lớn. Cách này giúp thịt dúi có lớp da xém cạnh, giòn và thơm. Tiếp đến, dúi được làm sạch, bỏ nội tạng. Thịt được lọc cẩn thận, tách riêng với xương.
Đầu bếp sẽ đem phần xương xào sơ với gia vị rồi hầm cùng khoai sọ cho mềm nhừ. Còn phần thịt được luộc cùng chút sả, gừng để khử mùi và tăng hương vị hấp dẫn.
Khi thịt luộc chín, đầu bếp sẽ thái thành các miếng mỏng vừa ăn, thêm xôi nóng dẻo, hành phi và rưới kèm nước sốt.
Fraser nhận xét quá trình chế biến thịt dúi khá giống cách nấu thịt chó ở Việt Nam. Thậm chí, các loại lá thơm ăn kèm cũng tương tự, gồm lá mơ, húng chó, ngò gai…
Khi các món ăn được bưng lên, Fraser và Lila không giấu nổi háo hức. Cả hai nhanh chóng nếm thử và bất ngờ vì mùi vị thơm ngon khó tin. “Tôi cảm thấy có nhiều hương vị trong món ăn. Phần thịt béo ngậy và hơi dai chút”, Fraser đánh giá.
Fraser và Lila đều cho rằng món thịt dúi luộc khá ngon. Lila ấn tượng với cách mà đầu bếp tẩm ướp và chế biến. “Khi thưởng thức, tôi không tưởng tượng ra đó là thịt chuột, mà chỉ nghĩ đơn giản như một loại thịt quen thuộc thôi”, Lila cho hay.
Fraser cũng nói thêm, anh đã từng thử ăn thịt chuột và thấy món này khá ngon. Vì vậy, món thịt dúi không khiến anh lo lắng hay dè chừng.
Sau đó, hai vị khách nếm thử cả món canh xương và tỏ ra ấn tượng với cách mà quán tận dụng mọi nguyên liệu từ dúi để chế biến. “Thật khó tin là canh xương dúi lại ngon đến vậy”, vị khách vừa thưởng thức vừa xuýt xoa khen ngon.
Anh cho rằng, với giá từ 50 – 75 USD (1,2 – 1,8 triệu đồng) cho một cân thịt dúi, du khách có thể ăn tôm hùm hay cua hoàng đế… Song, anh thừa nhận món ăn từ thịt dúi “đắt xắt ra miếng” và đáng để thưởng thức một lần trong đời.
Ảnh: Andrew Fraser