Năm 1968, chiến sự ở các mặt trận ngày càng ác liệt. Trên tuyến đường Trường Sơn, Mỹ huy động lượng lớn máy bay đánh phá các con đường trọng điểm, nhằm ngăn chặn mọi sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam.
Nhu cầu cung cấp nhân lực, vật lực cho miền Nam càng trở nên cấp bách, lái xe nam không đủ. Bộ Tư lệnh 559 giao nhiệm vụ cho Binh trạm 9, Binh trạm 12 tuyển gấp một số nữ thanh niên xung phong, lập đội lái xe vận tải tuyến hậu phương để hỗ trợ các khu vực cửa khẩu.
Ngày 18/12/1968, tại vùng rừng núi xã Hương Phổ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), trung đội nữ lái xe mang tên Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Hạnh (sau này là đại đội nữ lái xe Trường Sơn) đã ra đời với quân số là 40 cô gái lái xe và thợ sửa chữa.
Nhiệm vụ của trung đội lúc đó là vận tải hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc men cho chiến trường miền Nam; đưa thương binh, bệnh binh, cán bộ từ chiến trường ra miền Bắc điều dưỡng, học tập; tiếp nhận xe từ miền Bắc giao cho chiến trường miền Nam;…
Năm tháng ấy, tuổi thanh xuân của những cô gái tuổi 18, đôi mươi không son phấn, gương lược, chỉ có mũ sắt, vô lăng và bom đạn chiến tranh.
Đã 80 tuổi nhưng trong ký ức của bà Bùi Thị Vân, người từng được ”phong” hoa khôi đội nữ lái xe Trường Sơn, vẫn vẹn nguyên những kỷ niệm về một thời thanh xuân khói lửa.
Thời khắc Mỹ đánh phá ác liệt vào năm 1965, vừa đúng tuổi trăng tròn, cô gái Bùi Thị Vân sục sôi căm thù giặc và khát khao được cống hiến tuổi xuân cho đất nước, đã nghe theo lời hiệu triệu “Ba sẵn sàng”, trốn bố mẹ để tình nguyện đi thanh niên xung phong, tham gia công việc làm đường, làm sân bay, san lấp hố bom.

Đến năm 1968, bà Vân được đơn vị điều sang làm bộ đội tại Binh trạm 12, trực thuộc Bộ Tư lệnh 559. Khi Bộ Tư lệnh 559 chọn một số phụ nữ có sức khỏe, nhanh nhẹn tham gia lái xe, bà Vân tình nguyện xin học.
“Tôi phấn khởi và tình nguyện học lái xe. Binh trạm chọn một số anh có tay lái vững, đưa chúng tôi ra sân bay Nam Đàn, Nghệ An để học.
Chị em chúng tôi, người thì bé, xe thì to, người ngồi lọt thỏm bên trong. Ban đầu cũng sợ nhưng rồi chúng tôi khắc phục ngay bằng cách gấp chăn, gối kê dưới ghế, lấy can xăng 20 lít để dựa vào sau lưng”, bà Vân nhớ lại.
Không chỉ học lái, bà Vân cùng các đồng đội còn phải học sửa chữa xe. Sau 45 ngày, mỗi người được cấp giấy phép lái xe tạm thời. Từ đó chính thức nhận nhiệm vụ chở lương thực, thuốc men, đưa bệnh binh ra Bắc chữa trị. Các chị phải vượt trọng điểm 050 – túi bom ác liệt Mỹ dội xuống chặn đường tiếp vận của chúng ta vào chiến trường.
Nhắc về những năm tháng hào hùng đó, Trung tá Nguyễn Thị Hòa, nguyên chính trị viên, Trưởng ban liên lạc Đại đội nữ lái xe Trường Sơn, nhớ lại, trong 45 chị em có 40 lái xe và 5 thợ sửa chữa.
Trên tuyến đường Trường Sơn có nhiều trọng điểm địch đánh phá rất ác liệt như Ngã ba Đồng Lộc, 050, Cổng Trời,… Có lần, đơn vị đã làm lễ truy điệu sống cho tiểu đội được giao đi trước. May mắn là đợt đầu ra quân, 2 chuyến xe đều hoàn thành nhiệm vụ.

Khi đã nhận nhiệm vụ, những cô gái nhỏ bé như bà Vân, bà Hòa và đồng đội không quản vất vả xốc vác nhiều công việc, ngoài lái xe họ còn bốc vác hàng hóa. Đến lúc chở thương binh, họ lại trở thành những hộ lý dịu hiền để đưa các anh về trạm điều dưỡng.
Năm 1972, trung đội lái xe nữ được điều về Trường đào tạo lái xe D255 thuộc Cục quản lý xe máy để làm giáo viên dạy lái xe nữ, chính thức trở thành Đại đội nữ lái xe Trường Sơn với phiên hiệu C13, huấn luyện cho 300 học viên.
Sau năm 1975, các thành viên của đại đội chia tay nhau, thuyên chuyển công tác sang các đơn vị khác.
“Sau giải phóng, chúng tôi còn 36 chị, trong đó 19 chị là thương binh, 1 chị nhiễm chất độc da cam. Chị em chúng tôi vẫn gắn bó và rất yêu thương nhau”, Trung tá Nguyễn Thị Hòa chia sẻ.
Đại đội nữ lái xe Trường Sơn là đại đội nữ lái xe duy nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là một biểu tượng sống động về tinh thần anh hùng, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời cũng là nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Trải qua chiến trường ác liệt trên các tuyến đường Trường Sơn, núi cao, vực sâu cũng như trong huấn luyện, họ đã lập nên kỳ tích không để xe bị bom đạn đánh hư hỏng hoặc để xảy ra tai nạn.
Năm 2014, Đại đội nữ lái xe Trường Sơn được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; bà Phùng Thị Viên (đại đội trưởng, đã mất vì bệnh ung thư) được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
