Vào khung giờ cao điểm buổi sáng và tan tầm buổi chiều, người đi đường đã quá quen cảnh tượng xe cộ dàn hàng ngang, chiếm hết làn của xe buýt nhanh BRT.
Xe buýt nhanh chật vật di chuyển trên làn đường riêng. Cả phía đầu và đuôi xe đều bị các phương tiện ‘bủa vây’.
Phần vỉa hè ở đường Tố Hữu bị trưng dụng làm nơi bày bán hoa quả.
Tại một điểm dừng dành cho xe BRT trên đường Lê Văn Lương, thanh chắn dải phân cách làn đường bị vô hiệu hóa. Rất nhiều người đi xe máy len vào làn BRT để thoát cảnh tắc đường hoặc “tiện” rẽ trái.
Trong khi đó, khu vực vỉa hè dọc phố Lê Văn Lương rất rộng rãi, được tận dụng làm nơi đỗ ô tô, xe máy.
Ô tô xếp hàng dài trên vỉa hè như một bãi đỗ xe công cộng mặc dù cạnh đó có biển cấm đỗ. Vỉa hè rộng còn là ”lối thoát” cho các tài xế xe máy mỗi khi lòng đường ùn tắc.
Vỉa hè ở khu vực này còn bị “tận dụng” để tập kết rác thải gây mất mỹ quan đô thị.
Tình trạng tương tự xuất hiện trên đường Giảng Võ. Trước cửa dãy nhà D2 Giảng Võ, hàng dài ô tô đỗ dưới lề đường. Hễ có một xe rời đi, ngay lập tức có xe khác vào thế chỗ.
Ngay cả khi đường thông thoáng, nhiều người vẫn đi xe máy vào làn đường BRT. Một hành khách sau khi xuống xe buýt liền đi thẳng xuống lòng đường.
Sở GTVT Hà Nội vừa đề nghị UBND TP và Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo hạ tầng, tổ chức giao thông cấp bách một số nút giao, tuyến đường để giảm thiểu ùn tắc.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến gần 225 tỷ đồng, nguồn từ ngân sách, trong đó, chi phí xây dựng hơn 188 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 – 2027.
Sở GTVT dự kiến sẽ xén vỉa hè, dải phân cách tại các vị trí đủ điều kiện trên đường Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám, Khuất Duy Tiến. Đây đều là những tuyến đường có mật độ phương tiện giao thông đặc biệt cao, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.
Trong đó, các đường Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu nằm trên tuyến buýt nhanh BRT, là trục giao thông xuyên tâm, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.