Đột quỵ và nhồi máu cơ tim có thể xảy ra khi ngủ: Ai cần dè chừng?

Theo TS. BS. Phan Thanh Thủy – Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), đột quỵ và nhồi máu cơ tim có nguy cơ cao hơn xảy ra ở người có hội chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là một rối loạn đặc trưng bởi sự ngưng thở từng lúc khi ngủ trong thời gian từ 10 giây trở lên và dẫn đến giảm nồng độ oxy trong máu.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ được phân loại thành 3 nhóm: ngưng thở tắc nghẽn, ngưng thở trung ương và ngưng thở hỗn hợp.

Trong đó, hội chứng ngưng thở tắc nghẽn chiếm tỷ lệ chủ yếu, thường gặp ở nam giới, hút thuốc lá, thể trạng thừa cân, béo phì với chỉ số khối cơ thể BMI>23, cổ ngắn, hàm nhỏ; hoặc tiền sử gia đình có người ngủ ngáy, ngừng thở khi ngủ.

Bệnh nhân được chẩn đoán tăng huyết áp, rối loạn tâm trạng, rối loạn nhận thức, bệnh mạch vành, tai biến mạch não, suy tim sung huyết, rung nhĩ hoặc đái tháo đường type 2 là các đối tượng cần tầm soát hội chứng ngưng thở khi ngủ nếu có ít nhất một trong ba triệu chứng: Ngủ ngáy, buồn ngủ ban ngày quá mức hoặc cơn ngừng thở được chứng kiến, bác sĩ Thủy nói.

Theo thống kê của Hội y học giấc ngủ Hoa Kỳ, có đến 80% bệnh nhân mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ chưa được chẩn đoán.

Đột quỵ và nhồi máu cơ tim có thể xảy ra khi ngủ: Ai cần dè chừng? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Ngưng thở khi ngủ nguy hiểm ra sao?

Bác sĩ Thủy cho biết ngưng thở khi ngủ khiến cho người bệnh thường có biểu hiện buồn ngủ ban ngày quá mức dẫn đến gia tăng các tai nạn giao thông và tại nạn lao động. Nghiêm trọng hơn, tình trạng giảm chất lượng giấc ngủ do bệnh này cũng có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Người bệnh có thể gặp tình trạng mệt mỏi, khó tập trung, lo âu, trầm cảm. Những vấn đề này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hiệu suất làm việc của người bệnh, dễ trở nên cáu gắt và dễ bị kích động trong các tình huống không mong muốn. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến quan hệ xã hội và gia đình của người bệnh.

Ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến các bệnh lý rối loạn chuyển hoá như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, các bệnh lý thần kinh như Alzheimer, …”, bác sĩ Thủy cho hay.

Đặc biệt nghiêm trọng, ngưng thở khi ngủ cũng có thể dẫn đến tình trạng tăng nguy cơ bệnh tim mạch như: tăng huyết áp kháng trị, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể gặp ở 35% các bệnh nhân tăng huyết áp, 50% ở những bệnh nhân có rung nhĩ, 50% bệnh nhân suy tim và lên tới 80% ở những bệnh nhân tăng huyết áp kháng trị.

Một phân tích tổng hợp trên các bệnh nhân đột quỵ ở châu Á cho thấy có đến 73,7% bệnh nhân đột quỵ có ngưng thở khi ngủ. Một trong các biến chứng nguy hiểm nhất của hội chứng ngưng thở khi ngủ là đột tử trong đêm do độ bão hoà oxy máu giảm thấp và rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim cấp, bác sĩ Thủy cung cấp thông tin.

Cũng theo bác sĩ Thủy, điều trị ngưng thở khi ngủ sẽ tùy vào triệu chứng của người bệnh và mức độ nặng của ngưng thở khi ngủ.

Các biện pháp chính để điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm:

– Giảm cân, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập luyện thể dục, duy trì cân nặng lý tưởng với những trường hợp thừa cân, béo phì.

– Điều trị bằng phẫu thuật với những trường hợp có bất thường đường hô hấp trên như: amydal quá phát, hàm nhỏ, tụt sau.

– Đeo dụng cụ đẩy hàm dưới ra trước.

– Thở máy thông khí áp lực dương.

– Kích thích dây thần kinh XII.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *