Lá đơn viết bằng máu
Ông Nguyễn Tài Triệu (SN 1949, trú tại Vạn Phúc, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ với phóng viên về những năm tháng tham gia chiến trường bằng giọng nhẹ tênh, dù trên thân thể người cựu tù Phú Quốc đã không còn lành lặn.
Năm 1965, ông Triệu mới 16 tuổi nhưng khát khao được ra chiến trường. Do chưa đủ tuổi nên chàng thanh niên làng Vạn Phúc đã cắn tay lấy máu viết đơn nhập ngũ. Chỉ đến khi được gọi nhập ngũ, ông mới nói với người thân.

Trong suốt 150 ngày hành quân vào Nam, ông Triệu và đồng đội đối diện với sốt rét, mưa bom, đạn nổ. Không ít đồng đội đã hy sinh trên đường hành quân.
Sau đó, ông Triệu có mặt tại chiến khu mặt trận Phú Yên, được phân về Trung đoàn 95, Sư đoàn 5 với nhiệm vụ tham gia nhiều trận đánh nhằm tiêu hao lực lượng địch.
Trong đó, trận đánh ác liệt nhất vào đêm tháng 6/1967, đơn vị được lệnh tấn công vào ấp chiến lược Hòa Trị thuộc Tuy Hòa (Phú Yên). Đơn vị chia nhiều mũi, đánh theo chiến thuật của đặc công, bí mật bất ngờ.
“Quả bộc phá mũi tiến công của chúng tôi không nổ, kẻ địch phát hiện bắn trả như vãi đạn. Trên trời, máy bay địch rải bom. Giữa cánh đồng trống, chúng tôi không còn đường lui. Một mảnh đạn đã găm vào đầu, rồi một mảnh rốc-két bắn trúng đùi, đầu gối dập nát. Tôi lịm đi không biết gì. Khi ấy tôi vừa 18 tuổi”, ông Triệu kể lại.
Người cựu binh già bồi hồi nhớ lại, lúc ông tỉnh lại thì thấy mình đang ở trong nhà thương của địch. Ông trải qua 3 lần phải cưa chân vì bị hoại tử. Khi vết thương chưa hoàn toàn hồi phục, ông bị đưa vào nhà tù Biên Hòa.
“Từ đây, những trận tra tấn dã man diễn ra triền miên. Tôi nhất quyết không khai nên bị coi là kẻ cứng đầu, thường xuyên bị bọn chiêu hồi theo dõi. Nhưng cũng từ nhà tù này, tôi đã được tổ chức Đảng bồi dưỡng kết nạp.
Tại nhà tù Biên Hòa, một cuộc “ẩu đả” kinh hoàng đã xảy ra, kẻ địch muốn khủng bố tinh thần thép của các chiến sĩ kiên trung, bọn chiêu hồi ào ạt xông vào nhà tù. Bên ngoài, bọn quân cảnh bao vây. Các chiến sĩ mặc dù có nhiều người là thương binh nhưng cũng dũng cảm xông lên tay không lao vào”, ông Triệu nhớ lại.

Sau cuộc lộn xộn ấy, 20 tù binh bị biệt giam, trong đó có ông Triệu. Ai cũng nghĩ chắc lần này họ sẽ bị thủ tiêu. Thế nhưng sau đó, họ bị đưa tới nhà tù Phú Quốc.
Theo ông Triệu, đầu năm 1971, tại nhà tù Phú Quốc, bên cạnh việc bỏ đói tù binh, cai ngục tra tấn tinh thần rất tàn bạo.
“Cai ngục đánh đập dã man vô cớ, lính chiêu hồi được cài cắm khắp nơi. Có những lần bọn chúng xả súng không thương tiếc vào trại. Ai bị gọi đi thẩm vấn cũng nếm đủ đòn roi, bị phạt giam vào chuồng cọp. Hình phạt nhẹ là bị phơi nắng trên cát bỏng vài ngày, nặng hơn thì bị nhổ răng, đóng đinh vào chân tay hoặc tra tấn bằng điện.
Thế nhưng, tinh thần chiến đấu của tù binh chúng tôi vẫn rất quyết liệt. Phong trào đào hầm vượt ngục, tuyệt thực tập thể… khiến bọn cai ngục sôi máu.
Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, lệnh trao trả tù binh giữa hai bên được thực thi. Ông Triệu cùng những bạn tù được trao trả tại một bờ sông bên kia tỉnh Quảng Trị.
Ngày ra khỏi trại điều dưỡng, ông Triệu chỉ còn một chân. Ông không muốn mình trở thành người tàn phế nên xin vào làm bảo vệ tại nhà máy in tiền ngân hàng trung ương. Trong thời gian đi làm, ông tranh thủ học bổ túc vào buổi tối. Sau khi có đủ bằng cấp, ông được điều chuyển sang làm văn phòng.
“Tôi luôn học hỏi, bồi đắp kiến thức nên sau đó được tổ chức phân công đảm nhiệm công tác cán bộ và giữ chức Bí thư Đảng ủy Nhà máy in đến trước khi nghỉ hưu 2 năm”, ông Triệu chia sẻ.
Cuốn nhật ký viết ngược của chàng sinh viên
Ông Nguyễn Xuân Thuần (SN 1949, trú tại Minh Đức, Ứng Hòa, Hà Nội) là một trong những sinh viên ”gác bút nghiên” để nộp đơn tình nguyện vào chiến trường Quảng Trị.
Ông là chiến sĩ của Sư đoàn 308, Trung đoàn 228, bảo vệ cầu Hàm Rồng cuối năm 1971. Sau đó, ông được cử đi huấn luyện và chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị.

Hiện nay, dù đã gần 80 tuổi nhưng ông Thuần vẫn rất minh mẫn và kể rành rọt về những dấu mốc trong đời lính của mình.
Theo ông Thuần, năm 1967, ông đỗ vào trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Thời điểm ông chuẩn bị bước sang năm cuối đại học cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra căng thẳng, nhu cầu chi viện cho các mặt trận phía Nam trở nên cấp bách.
Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”, ông Thuần cũng như hàng ngàn, hàng vạn thanh niên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng miền Bắc khi đó đã lên đường nhập ngũ.

Từ khi vào chiến trường, hằng ngày ông Thuần vẫn giữ thói quen viết nhật ký. “Tôi bắt đầu viết nhật ký từ ngày đầu tham gia chiến dịch, khi đơn vị xuất phát từ Xuân Mai đến ngày 15/10/1972, ngày kết thúc chiến dịch Quảng Trị”, ông Thuần chia sẻ.
Đặc biệt, trong cuốn nhật ký ấy không ít chỗ ông Thuần viết bằng các con số, ký hiệu, mật mã mà người bình thường không thể dịch ra.
Ông lý giải: “Khi tham gia chiến đấu ở chiến trường, có thể hy sinh hoặc rơi vào tay kẻ thù bất cứ lúc nào, để bảo mật thông tin nên tôi viết bằng nhiều ngôn ngữ như tiếng Việt, tiếng Nga, tiếng Anh và sử dụng mật mã, ký hiệu đặc biệt.
Tôi ghi cả ngày tháng âm lịch, dương lịch và dùng phép tính cộng để ra thời gian viết mà sau này chỉ có tôi mới có thể giải mã được.
Ngoài ra, cuốn sổ đặc biệt ở chỗ các trang lẻ được lần lượt viết xuôi, các trang chẵn được viết ngược trở lại, đến trang cuối cùng cũng là lúc kết thúc chiến dịch Quảng Trị”.
Sau 43 năm cất giữ cuốn nhật ký cùng những kỷ vật thời lính, ông Thuần quyết định trao tặng lại cho Bảo tàng Hà Nội.
