Bác sĩ Anh
Nguyễn, Ủy viên cấp cao của Hiệp hội Dinh dưỡng và Y học lối sống Vương Quốc; nhà
nghiên cứu lâm sàng và trưởng dự án nghiên cứu “Chương trình 1000 ngày đầu đời”
dành riêng cho trẻ em châu Á cho biết, sẽ không có câu trả lời cho điều này, bởi
vì không có một thời điểm cụ thể mà tất cả chúng ta có thể gọi là “tốt nhất”.
“Thực ra đó
là một quá trình “cộng gộp” theo chiều dọc những trải nghiệm, sự học hỏi và yêu
thương. Càng cộng gộp được bao nhiêu, con sẽ tích lũy được bấy nhiêu cho đến độ
tuổi trưởng thành về thể chất, khi con bước vào độ tuổi 18” – Bác sĩ Anh Nguyễn
cho biết.
Bác sĩ cũng
nhấn mạnh, 18 tuổi chỉ là một mốc bắt đầu. Một giai đoạn rất quan trọng nữa
chính là từ 18 đến 25 tuổi – thời điểm mà con mới thực sự trưởng thành về cảm
xúc. Thời kỳ này là thời kỳ tâm giao, khi cha mẹ không còn là người dạy dỗ, mà
là người bạn đồng hành, người lắng nghe và chia sẻ.

Cha mẹ làm gì để giúp con định hướng tương lai?
Giai đoạn 0 -6 tuổi
Theo bác sĩ
Anh Nguyễn, đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong việc hình thành cảm giác
an toàn và bình yên của trẻ. Trẻ cần được yêu thương và chăm sóc để hiểu rằng
thế giới xung quanh là một nơi mà chúng có thể tin tưởng. Khi trẻ cảm thấy an
toàn, chúng sẽ bắt đầu học cách giao tiếp, tư duy, sáng tạo và điều chỉnh cảm
xúc của mình.
Đừng ngần ngại
thể hiện tình yêu thương với con, vì chính những cử chỉ yêu thương, sự quan tâm
của cha mẹ sẽ là nền tảng vững chắc để trẻ phát triển trong những năm tháng tiếp
theo.

Giai đoạn 7 – 10 tuổi
Trẻ bắt đầu
hiểu được sự công bằng và phân biệt rạch ròi đúng sai. Đây là thời điểm quan trọng
để cha mẹ dạy cho trẻ về trách nhiệm, về sự lựa chọn và hậu quả của những hành
động của mình. Lúc này, trẻ học tốt nhất khi được khuyến khích thực hành tư duy
phản biện, khám phá thế giới qua những câu hỏi “tại sao” và “thế
nào”.
Bác sĩ Anh
Nguyễn khuyên cha mẹ không nên đặt quá nhiều áp lực lên trẻ, mà thay vào đó, tạo
ra một môi trường học tập khuyến khích sự tò mò và sáng tạo, giúp trẻ tự do
phát triển tư duy mà không sợ sai.
Giai đoạn 11 – 14 tuổi
Đây là giai
đoạn đầy biến động trong sự phát triển của trẻ, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Trẻ bắt đầu hình thành bản sắc cá nhân và có thể sẽ đặt ra nhiều câu hỏi về thế
giới xung quanh.
“Cha mẹ cần
trở thành người bạn đồng hành, người thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn của
con. Đây cũng là lúc trẻ cần được khuyến khích để thử sức với những sở thích,
đam mê của mình, mà không bị ép buộc theo một khuôn mẫu nào đó. Cùng với đó,
cha mẹ cũng nên giúp con nhận thức được giá trị của việc làm việc chăm chỉ và
kiên trì” – Bác sĩ nói.
Giai đoạn 15 – 18 tuổi
Trẻ bắt đầu
có những quyết định quan trọng về tương lai, đặc biệt là trong việc chọn lựa
nghề nghiệp và định hướng học tập. Đây là lúc mà vai trò của cha mẹ là người hướng
dẫn, nhưng không áp đặt.
Đừng quên rằng
con cần không gian riêng để tự mình đưa ra quyết định và chấp nhận thử thách.
Tình yêu thương, sự tôn trọng và lắng nghe chính là chìa khóa giúp con tìm ra
con đường của mình.
Giai đoạn 18 – 25 tuổi
Đây là giai
đoạn trẻ khám phá bản thân, thực hiện những quyết định lớn trong cuộc sống và học
hỏi từ những thất bại. Cha mẹ sẽ không thể định hướng tất cả mọi thứ, nhưng sẽ
là người bạn đồng hành quan trọng, người lắng nghe và chia sẻ, cho con những lời
khuyên đúng lúc mà không can thiệp quá mức.

Đây là lúc thay vì đưa ra mệnh lệnh, cha mẹ sẽ chỉ là người hướng dẫn, giúp con nhận thức
được những giá trị cốt lõi, và quan trọng hơn cả, là dạy con cách đứng vững trước
những thử thách.
Bác sĩ Anh
Nguyễn nhấn mạnh, mỗi giai đoạn trong cuộc đời con đều có một vai trò đặc biệt
và có sự đóng góp riêng vào việc hình thành con người của trẻ. Quan trọng không
phải là “thời điểm tốt nhất” mà là sự đồng hành, sự kiên nhẫn và tình
yêu thương vô điều kiện từ cha mẹ trong suốt hành trình trưởng thành của con.
Con sẽ không
bao giờ thật sự trưởng thành nếu thiếu đi sự hỗ trợ vững chắc của những người
thân yêu, để khi con đứng vững trong cuộc sống, đó chính là khoảnh khắc tuyệt vời
nhất vì con biết rằng mình không bao giờ đơn độc.