Nhận được khoản vay không lãi suất từ Quỹ hỗ trợ vốn vay – quỹ gây được từ chương trình Tô cam của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt – đây được xem như một điểm tựa vững chắc để các chị em nỗ lực vượt khó, quyết tâm vươn lên thoát nghèo.
“Tô cam – Hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” là chương trình do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt phối hợp với Tập đoàn TH, Ngân hàng TMCP Bắc Á và UN Women triển khai, với mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề bạo lực với phụ nữ và trẻ em, đồng thời thúc đẩy các hành động thiết thực để hỗ trợ cho nạn nhân của bạo lực. Tháng 2/2024, 15 chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, là thành viên mô hình “Cà phê chị em” tại bản Na Luông, đã được vay 20 triệu đồng/người từ nguồn quỹ này trong vòng một năm với lãi suất không đồng.
“Điểm tựa” cho nỗ lực thoát nghèo
Chị Lò Thị Tiên, một phụ nữ dân tộc Thái ở xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, về làm dâu tại bản Na Luông trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Gia đình chồng chị nghèo khó, mẹ chồng lại mắc bệnh lâu năm, cần người chăm sóc. Làm dâu trong một gia đình nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt với nhiều gánh nặng, chị Tiên không chỉ phải chăm mẹ chồng mà còn phải lo công việc sản xuất để phụ giúp gia đình. Mặc dù vậy, chị vẫn luôn ấp ủ hy vọng có thể tìm ra một lối thoát cho mình và gia đình.
Chị Tiên cùng một số chị em khác có sáng kiến thành lập nhóm “Cà phê chị em” chuyên thu mua cà phê của bà con trong bản để chế biến và bán ra thị trường. Mô hình này không chỉ giúp tăng thu nhập cho bản thân chị mà còn tạo công ăn việc làm cho phụ nữ trong bản.
“Từ khi tiếp cận được nguồn vốn vay từ chương trình Tô cam, tôi và các thành viên trong nhóm “Cà phê chị em” có thêm nguồn vốn để mở rộng nhà xưởng, từ đó tăng sản lượng thu mua cà phê của người dân trong bản và các vùng lân cận. Công việc kinh doanh có bước tiến rõ rệt” – chị Tiên kể.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra ngay tại xưởng sản xuất cà phê của các chị. Chị Tiên cho biết, diện tích xưởng đã mở rộng ra đáng kể so với năm trước. Đặc biệt, cũng nhờ nguồn vốn vay, các chị em trong nhóm đã chủ động được việc sửa chữa nhà màng và dây chuyền sản xuất. Sản lượng thu mua và chế biến tăng rõ rệt. Mỗi năm, Cà phê chị em chế biến khoảng 35 tấn cà phê tươi, tương đương 5-5.5 tấn thành phẩm và đang từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Nhờ công việc ổn định, chị Tiên không chỉ cải thiện được kinh tế gia đình mà còn góp phần thay đổi nhận thức của người dân bản Na Luông về vai trò của phụ nữ và ý nghĩa của bình đẳng giới. Chị chia sẻ: “Bây giờ tôi cảm thấy tự tin và mạnh mẽ hơn rất nhiều. Không chỉ tự lo cho gia đình mình, tôi còn có thể giúp đỡ mọi người trong bản, điều đó làm tôi rất hạnh phúc”.
Còn chị Tòng Thị Hương và chồng, anh Lò Văn Bân, là một cặp vợ chồng nghèo sinh sống nhờ vào 1,4 ha cà phê – nguồn thu chính của cả gia đình. Xoay xở từng ngày mà vẫn chật vật khi phải đối mặt với việc thiếu vốn đầu tư cho cây trồng, thiếu phân bón và không có đủ tiền mua con giống để chăn nuôi. Nhưng từ khi nhận được khoản vay không lãi suất từ chương trình Tô cam của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, cuộc sống của gia đình chị Hương đã dần cải thiện.
“Với số tiền này, tôi đầu tư mua phân bón cho cà phê và mua các con giống như gà, vịt, ngan, lợn để chăn nuôi nhằm có thêm thu nhập” – chị Tòng Thị Hương cho biết. Nhờ sự chăm chỉ, chịu thương chịu khó của anh chị, vườn cây cà phê của gia đình chị còn được chăm chút kỹ lưỡng hơn các năm trước, có đủ lượng phân bón, vì vậy cho năng suất cao hơn, giúp cải thiện rõ rệt nguồn thu cho gia đình.
Năm nay thời tiết không thuận lợi cho cây cà phê, nhưng bù lại, nhờ được chăm tốt, nhất là được bón phân đủ lượng, trái cà phê đạt chất lượng tốt hơn, hạt to và đều hơn. “Giá bán năm nay vì thế được cao hơn năm trước. Những năm trước chỉ được 11 nghìn/kg, năm nay được 16 nghìn/kg. Tôi thấy tự hào vì mình đã sử dụng nguồn vốn vay một cách hiệu quả” – chị Hương kể.
Tìm lại bình yên trong gia đình
Có đồng ra đồng vào, gia đình chị Tòng Thị Hương không còn chạy ăn từng bữa và có điều kiện để chăm sóc con cái được tốt hơn. Đặc biệt là, không còn phải sống trong cảnh thiếu thốn, đời sống tinh thần vì thế cũng được chú trọng hơn. Vợ chồng chị tích cực tham gia các lớp phòng chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt tổ chức trong khuôn khổ dự án “Góp tiếng nói – Thêm bình đẳng” tại nhiều tỉnh phía Bắc trong đó có Điện Biên.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Hương cho rằng, điểm hay nhất của chương trình do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt tổ chức là không chỉ cho vay vốn, Quỹ còn phối hợp thực hiện rất nhiều chương trình tập huấn, tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới. Vì vậy hành động được thay đổi khi nhận thức tăng lên. Ví dụ, trước đây do hạn chế về nhận thức, có khi nhận được nguồn vốn vay nào đó, người chồng liền mang đi “mua cái xe máy chạy cho sướng” trước, nhưng nay thì vợ chồng sẽ cùng nhau bàn bạc, thống nhất về sử dụng đồng vốn vay ra sao cho hiệu quả nhất, đồng thời có trách nhiệm về cam kết với đơn vị cho vay.
Không chỉ nâng cao kiến thức cho gia đình mình, chị Tòng Thị Hương còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân hiểu về tác hại của bạo lực gia đình. Tiếp đó, trong những buổi sinh hoạt cộng đồng, chị thường chia sẻ về các biện pháp phòng chống bạo lực, cách giải quyết mâu thuẫn trong gia đình bằng đối thoại và tôn trọng. Chị Hương cho rằng, mỗi thành viên trong gia đình, không phân biệt là nam hay nữ đều có quyền và trách nhiệm xây dựng hạnh phúc chung. Những thông điệp này dần dần đã thay đổi nhận thức của nhiều người trong bản Na Luông.
Chị Tòng Thị Vân, cũng là một người phụ nữ dân tộc Thái ở bản Na Luông, không chỉ nghèo khó mà còn đối mặt với định kiến về vai trò của phụ nữ trong gia đình. Trước khi được tập huấn về bình đẳng giới, chị Vân và chồng thường xuyên xảy ra bất đồng do nhận thức khác biệt về vai trò, trách nhiệm của người vợ và việc sinh đẻ và nuôi dạy con… Cái nghèo, cái đói, sự căng thẳng và mệt mỏi kéo dài như bào mòn đi niềm tin của chị vào cuộc sống.
Từ khi tham gia các lớp học về phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới, sau mỗi buổi học, chị lại tìm cách để chia sẻ cùng chồng, giúp anh hiểu được tầm quan trọng của sự bình đẳng và tình yêu thương trong gia đình. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, dần dần chồng chị đã thay đổi nhận thức, ngày càng thấu hiểu và chia sẻ công việc nhà cùng vợ.
“Tôi rất vui khi chồng đã hiểu và yêu thương tôi hơn. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ấm cúng hơn, chúng tôi cùng nhau làm việc để phát triển kinh tế,” chị Vân tâm sự.
Đặc biệt, từ khi nhận được khoản vay không lãi suất từ Quỹ hỗ trợ vốn vay của chương trình Tô cam, số tiền 20 triệu đồng tuy không quá lớn nhưng lại là điểm tựa, niềm hy vọng lớn lao cho người phụ nữ dân tộc Thái vốn trước đây chỉ biết quanh quẩn với một diện tích nhỏ ruộng và nương để cố gắng kiếm sống qua ngày. Vợ chồng chị Vân dùng số tiền đó đầu tư chăm sóc cho vườn cà phê – nguồn thu chính của gia đình. Chị tận dụng mọi kiến thức được chia sẻ từ các lớp tập huấn nông nghiệp, học hỏi từ những người có kinh nghiệm để chăm sóc vườn cà phê của mình, qua đó giúp gia đình chị có thêm thu nhập ổn định.
Sự hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ vốn vay không lãi suất của chương trình Tô cam cũng như sự đồng hành, hướng dẫn của các tổ chức vì cộng đồng như Quỹ Vì Tầm Vóc Việt đã không chỉ giúp những phụ nữ bản Na Luông có thêm động lực vươn lên mà còn mở ra một tương lai sáng hơn, giúp họ khẳng định vai trò của mình trong gia đình và xã hội. Câu chuyện của chị Hương, chị Vân, và chị Tiên là minh chứng sống động cho sức mạnh của lòng kiên trì và nghị lực, đồng thời thể hiện tầm quan trọng của sự hỗ trợ kịp thời, việc tận dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi và sự đoàn kết cộng đồng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho bà con dân tộc thiểu số.
Phát triển phụ nữ – một trong 5 chương trình lớn của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt
Với mục tiêu nâng cao nhận thức và thực hành của cộng đồng về chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực cho gia đình và cộng đồng, 10 năm qua từ khi thành lập đến nay, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt đã thực hiện các giải pháp chiến lược bao gồm:
– Tổ chức các khóa tập huấn về chăm sóc sức khỏe cho người lao động và các nhà quản lý.
– Thực hiện các chiến dịch truyền thông về dinh dưỡng, sức khỏe sinh sản, tinh thần và bình đẳng giới.
– Hỗ trợ vốn vay cải thiện sinh kế hộ gia đình.
– Tổ chức các khóa tập huấn về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới và cải thiện sinh kế hộ gia đình.
– Xây dựng các nhóm nòng cốt tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới.