Năm 2012, dự án khu tái định cư xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) có tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng với diện tích 4,6 héc ta, do UBND huyện Quỳnh Lưu làm chủ đầu tư. Dự án hoàn thành, 54 hộ dân từ xã Quỳnh Thắng, hiện đang sống trong khu vực thường xuyên bị ngập nước ven hồ thủy lợi Vực Mấu, chuyển đến khu tái định cư này. Mỗi hộ dân sẽ được cấp 600m2 đất, bao gồm 400m2 đất ở, 200m2 đất sản xuất và được hỗ trợ di dời 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, đã qua 12 năm, bà con nơi đây vẫn không mấy mặn mà với chỗ ở mới. Các hạng mục như hệ thống đường nội vùng, mương thoát nước thải, đường điện sinh hoạt và nhà văn hóa cộng đồng ở khu tái định cư cũng vì thế mà dần hoang tàn, đìu hiu, cỏ dại mọc um tùm.
Khu tái định cư vốn được đầu tư hàng tỷ đồng cho các hộ dân sống trong vùng bị ngập nước giờ đây lại trở thành nơi chăn thả trâu bò và là điểm tập kết, phơi gỗ của một chủ xưởng mộc. Trong khi đó, nhà văn hóa cộng đồng thuộc khu tái định cư cửa đóng then cài, qua thời gian dài không sử dụng, tường lộ rõ vết nứt, mọc đầy rêu, xuống cấp.
Như nhiều hộ dân khác, ông Trần Xuân T., một hộ dân tái định cư ở xã Quỳnh Thắng, chia sẻ: “Chúng tôi không muốn di dời đến khu tái định cư vì khi chuyển đến nơi mới, chúng tôi phải phá dỡ toàn bộ tài sản cũ và chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất ở sang đất sản xuất nông nghiệp, trong khi mức hỗ trợ di dời lại quá thấp”.
Chưa kể, đất ở của các hộ thuộc diện tái định cư đang ở nơi cũ rộng trên 200m2, được xây dựng nhà cửa kiên cố, thuận lợi canh tác các loại hoa màu nên chúng tôi không muốn đến nơi ở mới có diện tích đất không phù hợp. Vì vậy người dân làm giấy cam kết tự nguyện ở lại nơi cũ không vào nơi ở mới”, ông T. giãi bày.
Theo ông T., và một số hộ hộ dân ở đây, để trụ lại trong vùng ngập lụt, nhiều hộ đã mua đất san lấp để nâng vườn, nâng nền nhà cao lên. Với giải pháp này, bà con lại càng không muốn đến khu tái định cư nữa.
Ông Lê Văn Nga, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng cho rằng, khu tái định cư bỏ hoang thời gian dài và rất lãng phí, xã đề xuất UBND huyện Quỳnh Lưu xem xét cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng dự án khu tái định cư sang dự án đất ở nông thôn theo hình thức định giá cho các đối tượng đủ điều kiện theo quy định pháp luật hoặc đấu giá đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu theo quy định của luật đất đai.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, đối với khu tái định cư xã Quỳnh Thắng, UBND huyện đang trình xin UBND tỉnh Nghệ An chủ trương chuyển đổi mục đích, đấu giá đất vừa tránh được lãng phí, vừa tạo được nguồn thu cho địa phương.
Tại thị xã Hoàng Mai, khu tái định cư xã Quỳnh Trang, cũng rơi vào tình trạng tương tự. Cả khu đất này là bãi đất trống không có ai đến sinh sống, cỏ và cây dại mọc um tùm, là nơi hàng ngày chăn thả trâu bò, một số diện tích của khu tái định cư được người dân tận dụng để sản xuất thùng nhựa. Hệ thống hạ tầng khu tái định cư đã xuống cấp như kênh thoát nước một số đoạn bị sập gãy.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân khiến người dân không mặn mà về ở tại khu tái định cư là vì quá nhiều bất tiện cho sinh hoạt, sản xuất. Ở đây, hạ tầng chưa đồng bộ, nước sinh hoạt chưa có, khu vực sát với đồi núi nên khoan nước rất khó khăn. Chưa kể nơi ở mới diện tích đất chật, không có đất để chăn nuôi, làm vườn, người dân phải bỏ ra khoản chi phí lớn xây dựng nhà mới trong khi tiền hỗ trợ di dời thấp.
Được biết, khu tái định cư xã Quỳnh Trang được xây dựng từ năm 2010, có tổng mức đầu tư trên 6 tỷ đồng, với diện tích rộng hơn 4 héc ta. Dự án hoàn thành, mục đích bố trí cho 66 hộ dân ở vùng ven sông Hoàng Mai thường bị ngập lụt do hồ Vực Mấu xả lũ. Ngoài được bố trí từ 300 – 400m2 đất để làm nhà, mỗi hộ dân được hỗ trợ 10-15 triệu đồng để di dời nhà đến nơi ở mới.
Lý giải về việc người dân “chê” khu tái định cư tiền tỷ, ông Lê Đăng Thăng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Trang chia sẻ, xã đã tổ chức lấy ý kiến vận động người dân bị ảnh hưởng ngập lụt sông Hoàng Mai di dời về khu tái định cư nhưng không ai lên do khu tái định cư này vẫn còn những bất cập như hạ tầng chưa hoàn thiện, diện tích đất ở và đất canh tác quá ít.
“Xã có văn bản kiến nghị với cấp trên có thể cho đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc cho xã quản lý. Hiện nay xã đang quản lý về mặt hành chính, không cho các hộ dân sinh sống xung quanh cơi nới, lấn chiếm vào đất thuộc khu tái định cư”, ông Thăng nói.