Đặc sản nem thính ở Thanh Hóa, du khách ăn là ghiền

Nem thính được xem là món ăn nổi tiếng ở Thanh Hóa. Theo người dân nơi đây, nem thính được làm từ thịt lợn sống và thính. Thính làm từ gạo hoặc ngô, rang vàng thơm rồi mang đi xay hoặc giã nhỏ thành bột. 

Dù được làm chín bằng cách lên men tự nhiên mà không cần trải qua công đoạn chế biến nào nhưng nem thính có hương vị riêng, khác biệt so với các loại nem chua thường thấy ở Thanh Hóa.

Sự kết hợp giữa thịt lợn sống, thính và các loại lá đặc trưng như lá ổi, đinh lăng cùng nhiều gia vị quen thuộc như nước mắm, ớt, tỏi, hạt tiêu,… giúp nem thính có vị chua nhẹ, dậy mùi thơm đặc trưng từ thịt tươi lên men.

nem thính Thanh Hóa 0.jpg
Lá ổi phải chọn loại lá bánh tẻ, không quá già hoặc quá non. Ảnh Ngọc Vi

Chị Nguyễn Thị Dung (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) cho biết, quá trình làm nem thính đòi hỏi sự tỉ mỉ, cầu kỳ. Trong đó, khâu chọn lựa nguyên liệu đầu vào được xem là quan trọng nhất, quyết định chất lượng.

“Thịt lợn phải là nạc thăn không có mỡ, còn tươi và nóng ấm, được lấy trong ngày. Gạo để làm thính là loại gạo nếp hoặc tẻ ngon, hạt tròn đều, không quá trắng hoặc quá vàng. Lá ổi và lá đinh lăng làm dậy mùi nem thì cần chọn lá bánh tẻ, không quá già hay quá non”, chị Dung nói.

Theo chị Dung, thịt lợn làm nem thính sẽ được thái miếng vừa ăn, trộn cùng bì (da) thái chỉ. Trước đây, công đoạn thái bì rất vất vả vì phải thái bằng tay, đảm bảo sợi bì nhỏ, quyện đều với thịt và gia vị. 

Tuy nhiên, hiện nay, ở các cơ sở làm nem thính số lượng lớn, việc thái bì trở nên thuận tiện hơn nhờ ứng dụng máy móc hiện đại để tiết kiệm thời gian, giảm công sức mà vẫn đảm bảo năng suất.

Thịt lợn và bì được trộn đều cùng các loại gia vị. Video: Ngọc Vi

Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu, người ta trộn đều thịt, bì cùng các loại gia vị như hạt nêm, nước mắm, ớt, tiêu, tỏi băm (tùy khẩu vị), sau đó cho thính rang thơm vào trộn cùng. Công đoạn này phải thực hiện đều tay.

Tiếp đến, người ta nắm nem thành từng viên theo định lượng phù hợp rồi gói bằng lá chuối, bên trong có bọc túi nilon để nem lên men tự nhiên. Việc gói nem cũng cần sự tỉ mỉ, cẩn thận để đảm bảo nem được bọc kín. 

“Người làm nem phải gói thật chắc tay, nếu không nem sẽ bị hở, chảy nước và không thể chín được”, chị Dung cho hay.

Sau khi gói xong, người ta xếp nem vào vị trí khô ráo, thoáng mát hoặc treo trên gác bếp. Khoảng 2-3 ngày là nem chín, vừa đủ độ chua, có thể mang ra thưởng thức ngay. 

Nhiều thực khách từng nếm thử món ăn này nhận xét, nem thính có hương vị chua nhẹ từ thịt lợn lên men và dậy mùi thơm đặc trưng của thính rang. Khi ăn kèm lá ổi, lá đinh lăng chấm cùng tương ớt hoặc nước mắm, thịt trong nem sẽ dậy mùi và ngon miệng hơn.

Trên thị trường, nem thính hiện có giá từ 25.000 – 50.000 đồng/chiếc (tùy định lượng và tùy nơi).

Tuy được xem như đặc sản nức tiếng ở Thanh Hóa nhưng nem thính cũng khá “kén” khách vì món ăn này không được làm chín bằng nhiệt mà chỉ trải qua quá trình lên men tự nhiên.

Một số thực khách thừa nhận nem thính là món “nghe thì sợ” nhưng ăn thì ghiền. Tuy nhiên, những người bụng dạ yếu, thường gặp vấn đề về dạ dày và đường tiêu hóa thì nên cân nhắc khi sử dụng món ăn này. 


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *