Ngày 18/11, thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, các bác sĩ đơn vị này vừa điều trị thành công cho một bệnh nhân cao tuổi nguy kịch do mắc sốt xuất huyết.
Theo đó, cụ ông N.V.K (82 tuổi ở Thái Bình) được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khi ở ngày thứ 6 của bệnh sốt xuất huyết.
Khai thác tiền sử được biết, ban đầu, bệnh nhân chỉ cảm thấy mệt mỏi và sốt nên đã đến cơ sở y tế tại địa phương để điều trị. Tuy nhiên sau đó, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao 39°C, tiểu cầu giảm sâu chỉ còn 7 G/L (thấp hơn 21 lần so với mức tối thiểu), xuất huyết tiêu hóa lượng lớn khiến phân đen nên được chuyển lên tuyến trên.
Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được chỉ định truyền khối tiểu cầu để hỗ trợ đông máu. Mặc dù tiểu cầu dần tăng và bệnh bước vào giai đoạn lui bệnh, nhưng tình trạng xuất huyết trong cơ vẫn diễn biến phức tạp. Máu chảy trong các mô cơ thành ngực, cẳng và bàn tay trái khiến vùng cơ của bệnh nhân căng cứng, đau nhức dữ dội, chuyển màu tím bầm.
Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân mất đến một nửa lượng máu trong cơ thể, chỉ số huyết sắc tố giảm từ 140 T/L xuống còn 70 T/L, đẩy bệnh nhân vào tình trạng nguy kịch.
ThS.BS Đặng Hoàng Điệp, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, huyết sắc tố (Hgb) là chỉ số quan trọng phản ánh khả năng vận chuyển ôxy của cơ thể. Khi chỉ số này giảm sâu, bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tử vong rất cao nếu không được can thiệp kịp thời.
May mắn, đến ngày thứ 9 của bệnh, tình trạng của nam bệnh nhân có nhiều chuyển biến tích cực. Tiểu cầu đã tăng lên 57 G/L, xuất huyết tiêu hóa tạm thời ổn định và không xuất hiện thêm các triệu chứng xuất huyết mới.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ, tình trạng xuất huyết của bệnh nhân vẫn cần được theo dõi chặt chẽ vì đây là biến chứng khó kiểm soát, không thể xử lý bằng các biện pháp thông thường.
Việc điều trị tập trung vào truyền các chế phẩm máu để duy trì các yếu tố đông máu; chỉ số huyết sắc tố ổn định bảo đảm cung cấp đủ ôxy cho các cơ quan.
Sau nửa tháng điều trị, bệnh nhân đã được ra viện.
Từ trường hợp này, các bác sĩ cảnh báo sự nguy hiểm của sốt xuất huyết, đặc biệt là biến chứng chảy máu trong cơ. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời không chỉ cứu sống người bệnh mà còn giảm nguy cơ biến chứng, bảo vệ sức khỏe lâu dài.
“Điều quan trọng là người dân cần chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo như: Chảy máu bất thường, mệt, bứt rứt hay vật vã; khó thở hay bất kỳ triệu chứng nào khác thường. Những dấu hiệu tưởng chừng đơn giản nhưng có thể nhanh chóng tiến triển thành biến chứng nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời”, BS Điệp nhấn mạnh.
Theo các bác sĩ, người bệnh mắc sốt xuất huyết thường trải qua các giai đoạn:
Giai đoạn sốt: Sốt cao đột ngột, liên tục, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; da xung huyết, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Người bệnh thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.
Giai đoạn nguy hiểm: thường vào ngày thứ 3 – 7 của bệnh. Người bệnh còn sốt hoặc đã giảm sốt và có thể có các biểu hiện: Đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan; nôn ói.
Biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 – 48 giờ). Tràn dịch màng phổi, mô kẽ (có thể gây suy hô hấp), màng bụng, phù nề mi mắt. Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt huyết áp, không đo được huyết áp, mạch không bắt được, da lạnh, nổi vân tím (sốc nặng), tiểu ít.
Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như tổn thương gan nặng/suy gan, thận, tim, phổi, não, rối loạn tri giác, suy chức năng các cơ quan khác. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở người bệnh có hoặc không có sốc do thoát huyết tương.
Giai đoạn hồi phục: thường từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10: Sốt giảm, tiểu cầu tăng dần trở lại, tiểu nhiều, cảm giác ăn ngon miệng trở lại.