Cô gái Đà Nẵng phượt Hà Giang bằng xe tay ga, kể sự cố khi tới Mã Pí Lèng

Nhung cầm lái chính và mất 3 ngày để tới cột mốc Km0 Hà Giang. Tổng quãng đường gần 1.100km và mất khoảng 480.000 đồng tiền mua xăng. Cô dành một tuần để khám phá Hà Giang rồi di chuyển qua Cao Bằng.

Khi Nhung chia sẻ về hành trình trên mạng xã hội, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên, cho rằng Nhung “liều lĩnh” khi đi phượt cung đường khó như Hà Giang bằng xe tay ga.

“Tôi không khuyến khích mọi người đi phượt bằng xe tay ga. Tuy nhiên, tôi là người thích chinh phục thử thách mới nên quyết định chọn phương tiện này. Trước chuyến đi, tôi đã chuẩn bị rất kỹ, có kinh nghiệm thực tế lái xe ga đường trường”, Nhung kể.

hà giang 14.JPG
Nhung trang bị thêm thùng để đồ cho chiếc xe

Nhung từng học chuyên ngành du lịch tại Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga. Khi về nước, cô dành nhiều thời gian đi trải nghiệm để tìm hiểu văn hóa các vùng miền trong nước hay các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á.

Cô gái trẻ quê Đà Nẵng từng lái ô tô sang Lào, khám phá Thái Lan bằng nhiều loại phương tiện khác nhau như xe máy, tàu, phà… Trước hành trình tới Hà Giang, Nhung từng lái xe ga và xe phân khối lớn đến các tỉnh Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai.

“Từ lâu tôi đã ấp ủ về chuyến đi Hà Giang, phượt trên cung đường Hạnh Phúc”, Nhung cho biết.

Quốc lộ 4C còn được gọi là đường Hạnh Phúc (1959-1965) nối TP Hà Giang với 4 huyện miền núi gồm: Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc, chiều dài 185km.

Hạnh Phúc là tuyến đường huyết mạch, kết nối giao thương, phát triển kinh tế, xã hội của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang và vùng Tây – Đông Bắc, đồng thời là cung đường du lịch hấp dẫn, hội tụ vẻ đẹp, sự hùng vĩ ở vùng cực Bắc.

Trước chuyến đi, Nhung đưa “chiến mã” đi kiểm tra kỹ thuật kĩ càng. Cô tính toán chi tiết đồ dùng cá nhân mang theo, làm sao cho đủ nhưng gọn nhẹ nhất có thể.

Trong hành trình, Nhung sắp xếp thời gian lái xe và nghỉ ngơi phù hợp, không tham đi nhanh.

Khi vượt đèo, kinh nghiệm của cô là làm chủ tốc độ, đi đúng làn đường, giữ khoảng cách an toàn giữa các xe (không đi sát sau xe tải, xe khách phòng trường hợp trôi phanh), kết hợp thuần thục phanh trước và phanh sau mỗi khi đổ đèo, không rà phanh liên tục tránh cháy má phanh, áp dụng cách “phanh bằng số” với xe tay ga… 

Từ cột mốc Km0, Nhung và bạn lái xe đến những điểm nổi tiếng khắp Hà Giang như cổng trời Quản Bạ, núi đồi Cô Tiên, dốc Thẩm Mã, nhà của Pao, đèo Mã Pí Lèng, cột cờ Lũng Cú, làng Lô Lô Chải, dinh thự Vua Mèo, sông Nho Quế, hẻm Tu Sản…

“Tháng 11 là mùa tam giác mạch, tôi lái xe qua những cung đèo nằm giữa núi rừng hùng vĩ, những cánh đồng hoa khoe sắc, đẹp như cổ tích. Khi muốn ngắm cảnh tôi sẽ chọn vị trí an toàn và dừng xe. Sông Nho Quế với làn nước trong vắt, uốn lượn dưới những vách đá dựng đứng thật sự ấn tượng”, Nhung kể.

hà giang 19.JPG
Cảnh sắc Hà Giang khiến nữ du khách vô cùng yêu thích

Là người mê tìm hiểu văn hóa nên ngoài ngắm cảnh, Nhung dành nhiều thời gian để trải nghiệm cuộc sống, ẩm thực của bà con người Mông, người Lô Lô ở Hà Giang. 

“Khi tới Lô Lô Chải, tôi không chỉ yêu thích khung cảnh yên bình, những nếp nhà trình tường truyền thống tại đây mà còn ấn tượng với cách người dân bảo tồn văn hóa. Bà con vô cùng thân thiện, mến khách, tạo cảm giác gần gũi”, Nhung chia sẻ.

Về ẩm thực Hà Giang, món ăn độc lạ nhất mà cô thử đó là cháo ấu tẩu – món cháo độc dược được chế biến rất kỳ công.

Cháo được nấu từ củ ấu tẩu (hay còn gọi là ô đầu, phụ tử). Ấu tẩu được xếp vào danh mục thuốc độc bảng A nhưng cũng là một vị thuốc quý đứng thứ 4 trong “tứ đại danh dược” (sâm, nhung, quế, phụ) sau khi bào chế cẩn thận.

Để “hóa giải” độc dược trong củ ấu tẩu và chế biến nên món cháo bổ dưỡng, người dân Hà Giang phải sơ chế sạch loại củ này bằng cách bỏ vỏ, ngâm trong nước gạo một đêm rồi ninh 4-5 tiếng cho mềm nhừ, bở tơi và tán nhuyễn thành hỗn hợp bột sền sệt. Sau đó, tiếp tục nấu hỗn hợp củ ấu tẩu với gạo tẻ và nước hầm xương từ chân giò lợn, thêm tí gạo nếp cho đặc sánh, dậy mùi thơm.

Nhung có hành trình an toàn, thời tiết thuận lợi. Sự cố duy nhất cô gặp phải là làm rơi điện thoại khi tới đèo Mã Pí Lèng.

“Khi phát hiện ra mất điện thoại, tôi thực sự lo lắng, bởi trong đó có nhiều tài khoản ngân hàng, giấy tờ, ảnh kỷ niệm. Tôi gọi vào số điện thoại nhưng sóng ở khu vực này chập chờn. May mắn có hai du khách nước ngoài đã nhặt được và nghe máy.

Nhờ một anh hướng dẫn viên địa phương tốt bụng chỉ đường, tôi tìm gặp được hai du khách. Sự tốt bụng của anh hướng dẫn viên, của hai bạn du khách làm tôi ấm lòng, hạnh phúc”, Nhung chia sẻ.

hà giang 4.JPG
Nhung ấn tượng với những cụ già, em bé vùng cao ở Dốc Thẩm Mã. Họ bện tóc, tết hoa tặng cô, vui vẻ giới thiệu về trang phục dân tộc, văn hóa địa phương

Cuối tháng 12, Nhung dự định sẽ lên đường phượt từ Đà Nẵng tới Cà Mau theo lộ trình đi hết các tỉnh Tây Nguyên và xuôi xuống các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bằng xe tay ga.

Ảnh: Lang thang cùng Nhun


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *