Ngày 17/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, từ đầu năm đến nay, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, các cân đối lớn được đảm bảo, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.
GRDP 6 tháng đầu năm nay của Hà Nội tăng 6%, bình quân 3 năm 2021-2023 tăng 6,04%. Tổng thu ngân sách 7 tháng năm 2024 đạt gần 324 nghìn tỷ đồng, bằng 79,2% dự toán.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm xem xét ban hành cơ chế, chính sách “đặc thù, đột phá” để hoàn thiện các tuyến metro. Đồng thời đề nghị phân cấp, phân quyền để thành phố chủ động nguồn lực và rút ngắn trình tự, thủ tục hoàn thành tuyến metro theo tiến độ chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Đối với một số dự án cụ thể, Chủ tịch Hà Nội kiến nghị Thủ tướng sớm phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến metro số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo để có thể khởi công vào năm 2025; đồng thời phê duyệt đề xuất sử dụng vốn ODA cho tuyến metro số 3 (đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai) trong tháng này để thành phố triển khai các bước tiếp theo.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, thành phố phấn đấu đến năm 2035 hoàn thành đầu tư xây dựng, vận hành 10 tuyến metro với tổng chiều dài khoảng 400km.
Trong đó, giai đoạn 2024-2030, xây dựng 96,8km, nhu cầu vốn khoảng 14,6 tỷ USD. Giai đoạn 2031-2035, xây dựng 301km, nhu cầu vốn khoảng 22,5 tỷ USD.
“Qua rà soát các nguồn vốn đầu tư công, tổng hợp khả năng cân đối các nguồn vốn có thể huy động khác của thành phố, đến năm 2035 có khoảng 28,56 tỷ USD. Như vậy, đến năm 2035, thành phố cần Trung ương hỗ trợ khoảng 8,5 tỷ USD”, ông Tuấn nói.
Phải có sự nỗ lực rất lớn để hoàn thành 400km metro trong 11 năm
Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhận định, để hoàn thiện mạng lưới metro khoảng 400km phải có sự nỗ lực rất lớn của TP Hà Nội. “Đặc biệt trong đó là việc huy động nguồn lực đầu tư 15 tỷ USD trước năm 2030 và 23 tỷ USD trước năm 2035. Đây là nguồn ngân sách rất lớn”, ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ GTVT cũng thống nhất với TP Hà Nội về việc sớm phê duyệt chủ trương đầu tư dự án metro số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo và đề xuất phê duyệt sử dụng vốn ODA cho tuyến metro số 3 đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai.
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản thống nhất với các đề xuất của TP Hà Nội. Thủ tướng giao TP Hà Nội cụ thể hóa Luật Thủ đô sửa đổi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 vừa qua.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu TP Hà Nội đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là quan tâm chỉ đạo, hoàn thành đường Vành đai 4 và các công trình trọng điểm.
Thủ tướng nhận định, Hà Nội và các đơn vị liên quan cũng đã tích cực hoàn thành tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội và Cát Linh – Hà Đông.
“Hai tuyến đường sắt này đã phát huy hiệu quả và nhân dân rất phấn khởi. Qua đó cho thấy, chúng ta đã có kinh nghiệm làm đường sắt đô thị”, Thủ tướng nói và yêu cầu TP Hà Nội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công để tạo động lực cho tăng trưởng.
’11 năm làm xong 400km metro là thách thức rất lớn với Hà Nội’
Theo ông Nguyễn Cao Minh – Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, mục tiêu từ nay đến năm 2035 làm xong 10 tuyến metro, với tổng chiều dài 400km là thách thức rất lớn.
Những cơ chế để Hà Nội ‘phá dớp’ hơn 10 năm mới xong 1 tuyến metro
Hà Nội cần cơ chế riêng để huy động nguồn vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng và công nghệ để hoàn thiện 10 tuyến metro. Qua đó, góp phần thay đổi thói quen đi lại của người dân, đồng thời giảm ùn tắc trong nội thành.
Tàu metro Nhổn – ga Hà Nội đưa hành khách băng qua các điểm nóng giao thông
Trong ngày đầu vận hành và miễn phí vé, tàu metro Nhổn – ga Hà Nội đón lượng khách rất đông, chủ yếu là người dân tới trải nghiệm sau nhiều năm mong chờ.