Chủ quan khi ra khí hư bất thường
Từ ngày sinh con cách đây 5 năm, chị T.T.H, 47 tuổi ở Cầu Giấy, Hà Nội không đi khám phụ khoa vì thấy chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, không có triệu chứng bất thường nào. Gần đây, chị thấy âm đạo ra khí hư và sau khi quan hệ tình dục thỉnh thoảng có ra máu bất thường. Vào bệnh viện kiểm tra, chị đã rất bất ngờ trước kết quả của bác sĩ đưa ra.
Kết quả khám phụ khoa cho thấy cổ tử cung của chị H có viêm lộ tuyến, tổn thương dạng sùi, dễ chảy máu khi chạm vào. Thông qua xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung (Thinprep và HPV) cho thấy chị H dương tính với HPV type 16 – một chủng virus có liên quan chặt chẽ đến nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung. Bệnh nhân tiếp tục được thực hiện soi cổ tử cung.
Dựa trên các kết quả thăm khám cùng sinh thiết, bác sĩ khẳng định chị bị ung thư biểu mô vảy cổ tử cung giai đoạn 2. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để điều trị. Phác đồ điều trị bao gồm hóa trị kết hợp xạ trị và phẫu thuật cắt tử cung.
BSCKI. Dương Ngọc Vân – Chuyên khoa Sản (BVĐK Medaltec, cơ sở Tây Hồ) cho biết, đa phần chị em e ngại chia sẻ chuyện vùng kín, sợ mất thời gian nên không dám đi khám phụ khoa. Trong khi đó, ung thư cổ tử cung lại diễn tiến âm thầm.
Thường khi có biểu hiện chảy máu âm đạo bất thường; dịch âm đạo bất thường; đau khi giao hợp; đau vùng chậu; khó chịu khi đi tiểu; kinh nguyệt dài và ra nhiều kinh; đi tiểu liên tục; giảm cân không rõ nguyên nhân; liên tục mệt mỏi; đau chân… là khối u phát triển vào mô lân cận. Bởi vậy, khi có biểu hiện bất thường ở vùng kín, chị em nên đi thăm khám.
“Theo WHO có tới 99,7% trường hợp ung thư cổ tử cung có liên quan đến virus HPV. Khoảng 80% người nhiễm virus HPV có thể tự đào thải virus khỏi cơ thể sau 2 năm. Nhưng nhiều trường hợp virus không tự đào thải, từ đó ủ bệnh và gây ra các bệnh lý nguy hiểm như ung thư. Quá trình này có thể kéo dài từ 10 – 15 năm, sự im lặng đáng sợ này khiến nhiều chị em phụ nữ chủ quan trong thăm khám, dẫn đến bỏ qua giai đoạn vàng trong điều trị”, BS Vân cho hay.
Nữ giới đã quan hệ tình dục, đặc biệt nữ giới từ 21 tuổi trở lên cần xét nghiệm HPV định kỳ tối thiểu 5 năm 1 lần để xác định sự hiện diện của 14 chủng virus HPV có nguy cơ cao dẫn đến ung thư cổ tử cung.
Lưu ý khi quan hệ tình dục
Khi phát hiện ung thư có thể gây ra lo lắng và căng thẳng, từ đó ảnh hưởng đến ham muốn tình dục. Chị em nên trao đổi với người thân và bác sĩ để nhận hỗ trợ, giảm bớt áp lực. Để duy trì đời sống tình dục lành mạnh, khi quan hệ nên biết:
+ Chọn thời điểm phù hợp: Cơ thể sẽ cần phải có thời gian hồi phục sau khi điều trị, phẫu thuật… Bởi vậy, cần hỏi bác sĩ về thời điểm an toàn để có thể quan hệ lại, tránh làm tổn thương thêm vùng cổ tử cung.
+ Sử dụng chất bôi trơn: Phụ nữ bị ung thư cổ tử cung thường gặp tình trạng khô âm đạo do điều trị, chất bôi trơn có thể giúp giảm đau và tạo cảm giác thoải mái hơn.
+ Quan hệ nhẹ nhàng: Trong quá trình phục hồi, cần thực hiện nhẹ nhàng và chậm rãi, không nên tạo áp lực hoặc cử động mạnh để tránh đau và kích thích vết thương.
+ Sử dụng biện pháp bảo vệ: Trong một số trường hợp, hệ miễn dịch suy giảm, dễ bị nhiễm trùng, nên dùng bao cao su để giảm nguy cơ nhiễm trùng.