Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, có nhiều cách để nhận biết thịt bò thật – giả dựa vào màu sắc, cảm quan và mùi đặc trưng.
Đầu tiên, thịt bò chuẩn có màu đỏ tươi, phần mỡ vàng nhạt, gân trắng, khi ấn tay vào thịt mềm đàn hồi tốt, khô ráo. Trong khi đó, thịt bò giả dù được tưới huyết bò vẫn nhạt màu hơn, không đều, không tự nhiên, sờ tay vào thấy thịt nhão, có nước nhớt dính.
Thớ thịt bò tươi thường bé và dài, còn thịt lợn có thớ to và ngắn, nhìn không mịn, mỡ màu trắng đục. Thịt trâu giả thịt bò thường màu đen sẫm, thớ thịt to, thô.
Bạn cũng có thể nhận biết thông qua mùi vị. Thịt bò ngon khi cắt miếng có mùi bò đặc trưng, kể cả sau khi chế biến vẫn giữ nguyên màu sắc hồng sậm, vị ngọt và mùi thơm. Còn thịt bò kém chất lượng, thịt giả, sau khi nấu sẽ có màu sắc nhợt nhạt, không có mùi đặc trưng. Nếu không may mua phải thịt lợn hay trâu chết, món ăn còn có mùi tanh.
Cùng quan điểm trên, TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Việt Nam cho rằng, để phân biệt thịt bò giả và thịt bò thật, chúng ta cần kiểm tra độ săn chắc của miếng thịt. Qua quan sát và sử dụng tay nhấn lên miếng thịt, dễ nhận thấy miếng thịt bò thật săn chắc hơn trong khi loại giả khá mềm và lỏng, thậm chí có thể chảy nước.
Người tiêu dùng cũng nên kiểm tra mùi. Khi đưa miếng thịt bò lên ngửi, dễ nhận thấy mùi hôi của thịt bò. Đối với loại giả, thương lái thường sử dụng mỡ bò để bôi lên bề mặt miếng thịt để có mùi thịt bò. Tuy nhiên, khi cắt lát và ngửi miếng thịt đã cắt, bạn không còn thấy mùi thịt bò.
Bạn cũng có thể rửa sạch và quan sát màu nước. Bạn dùng dao thái một phần miếng thịt và ngâm vào trong nước. Sau một thời gian, miếng thịt bò giả sẽ khiến nước chuyển màu đậm. Ngoài ra, khi vớt ra khỏi nước, miếng thịt bò giả sẽ nhạt màu đi nhiều so với lúc ban đầu.
Một cách khác là chần miếng thịt trong nước sôi. Khi đó, thịt bò thật có màu đậm hơn, thịt bò giả chuyển sang màu trắng như thịt lợn.