Mâm cỗ Trung thu truyền thống có gì?
Tết Trung thu vào dịp hoa quả chín rộ, người người đã gặt hái xong và đang tận hưởng không khí tuyệt vời của mùa thu.
Mâm cỗ phải có nải chuối chín vàng, trái hồng đỏ mọng mang ý nghĩa ước vọng no đủ. Trái na nhiều mắt mang ước vọng sinh sôi. Trái bưởi cầu điều phước lành. Trái lựu ngọt ngào may mắn. Mâm cỗ còn có nhành hoa tươi đặc trưng của mùa thu.
Mâm cỗ Trung thu dĩ nhiên không thể thiếu hai loại bánh đặc trưng là bánh dẻo và bánh nướng. Kèm theo đó là trà ướp sen, trà ướp hương lài mang sự thanh nhã cho đêm trăng.
Mâm cỗ cũng không thể thiếu hình ảnh 2 ông tiến sĩ giấy với ý nghĩa mong cho con cháu trong nhà học hành tấn tới, đỗ đạt. Đồng thời, cầu chư vị thần linh bảo vệ những đứa trẻ, mang may mắn tới cho gia đình.
Các phong tục truyền thống giúp gắn kết gia đình, và là cách gián tiếp dạy con về lòng yêu thương, kính trọng tổ tiên, ông bà cha mẹ. Bạn đừng bỏ qua cơ hội cùng con trẻ trưng bày mâm cỗ Trung thu, cùng gia đình đoàn viên vui vè trong đêm trăng Rằm nhé!
Ngũ quả
Mùa thu chính là mùa gặt, mùa thu hoạch hoa quả. Ngũ quả tượng trưng cho sự sung túc, no đủ. Đồng thời cũng là thành quả lao động chăm chỉ.
Mỗi vùng miền, địa phương sẽ có mâm ngũ quả khác nhau. Thế nhưng, trái cây trong mâm cỗ đều là những loại quả theo mùa có hình dạng tròn trĩnh tượng trưng cho sự viên mãn vẹn nguyên.
Bánh Trung thu
Bánh Trung thu là lễ vật quan trọng trong mâm cỗ. Bánh Trung thu biểu trưng cho sự vẹn nguyên, thuận hòa và viên mãn.
Lồng đèn ông sao
Lồng đèn ông sao năm cánh tượng trưng cho ngũ hành âm dương, cân bằng và hòa hợp. Mâm cỗ trung thu đoàn viên sẽ thêm phần ý nghĩa, sinh động và hài hòa hơn.
Bánh kẹo
Dâng lễ mâm cỗ trung thu bằng bánh kẹo là một phần không thể thiếu. Bạn có thể lựa chọn các loại bánh kẹo truyền thống cho mâm cỗ như: kẹo lạc, kẹo vừng, bánh gạo, bánh men,…
Mâm cỗ Trung thu miền Bắc
Mâm cỗ Trung thu miền Bắc không chỉ nổi bật bởi các món lễ cúng truyền thống như bánh nướng và bánh dẻo, mà còn là sự đa dạng của các loại quả mùa thu được trang trí rất tỉ mỉ và gợi nhớ đến những mùa vụ bội thu.
Đặc biệt, việc trang trí khá bắt mắt với những tạo hình ngộ nghĩnh như là chó bông kết bằng múi bưởi, và các con vật được làm bằng giấy màu, hoa quả.
Bên cạnh đó, mâm cỗ Trung thu miền Bắc không thể thiếu bánh nướng dẻo tạo hình vuông-tròn, hoặc cá chép, đàn lợn,… để thưởng thức cùng trà ướp hương sen.
Với nét văn hóa đặc trưng từng vùng miền, mâm cỗ Trung thu miền Bắc thường có cách bài trí khác biệt, khiến mâm cỗ Trung thu miền Bắc trở nên đặc biệt và ý nghĩa hơn trong ngày hội trăng rằm.
Mâm cỗ Trung thu miền Trung
Với khí hậu khắc nghiệt, mâm ngũ quả Trung thu ở đây thường đơn giản hơn nhưng không thiếu lòng thành tâm dâng kính tổ tiên.
Không như miền Bắc với đầy đủ các loại trái cây phong phú, miền Trung chủ yếu sử dụng những loại trái quen thuộc như dừa, chuối, đu đủ, mãng cầu, xoài, thể hiện tình thân thiết với đất đai và văn hóa ẩm thực của vùng này.
Bên cạnh việc bày trí những loại quả phổ biến như đu đủ, mãng cầu, xoài, sung, cam, chuối, táo, bưởi, nho, dưa hấu… người dân cũng tạo điểm nhấn bằng cách cài thêm những bông cúc tinh tế, tạo nên một mâm cỗ hài hòa và đẹp mắt.
Mâm cỗ Trung thu miền Nam
Mâm cỗ Trung thu miền Nam không chỉ đa dạng với nhiều loại bánh truyền thống mà còn đặc biệt với mâm ngũ quả phong phú.
Đặc trưng của mâm ngũ quả miền Nam nằm ở sự đa dạng về loại quả, từ những quả to và nặng như dừa, mãng cầu, đu đủ đặt phía trên để tạo tháp ngũ quả, đến những loại quả nhỏ như quýt, cam, bưởi, thanh long, lựu xếp xung quanh.
Cách bày mâm ngũ quả cũng được chú trọng, với những quả lớn được sắp xếp ở phía trước và các quả nhỏ xếp xung quanh, làm cho mâm cỗ trở nên độc đáo và phản ánh đúng bản sắc ẩm thực của miền Nam trong dịp Tết Trung thu.