Cho đến nay, vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây co thắt thực quản . Do đó, việc điều trị căn bệnh này thường tập trung giảm nhẹ triệu chứng, giảm áp lực lên trên cơ vòng thực quản.
Các biện pháp điều trị co thắt thực quản bao gồm:
1. Giãn nở cơ thực quản bằng khí nén
Phương pháp này sử dụng áp suất không khí để làm giãn nở các sợi cơ vòng thực quản dưới. Nếu được thực hiện đúng liệu pháp này sẽ mang lại hiệu quả tốt và lâu dài. Tuy nhiên giãn nở cơ thực quản cũng có thể gây biến chứng đục thủng thực quản rất nguy hiểm.
2. Phẫu thuật cắt cơ
Bác sĩ có thể chỉ định cắt các cơ ở đầu dưới của thực quản để làm suy yếu các cơn co thắt. Phẫu thuật cắt cơ thường được thực hiện cùng phẫu thuật bao đáy vị để ngăn ngừa sự tiến triển của trào ngược thực quản .
3. Tiêm botox
Thực hiện các mũi tiêm vào thực quản bằng nội soi nhằm điều trị tình trạng co thắt thực quản. Phương pháp có ưu điểm là ít tác dụng phụ, người bệnh hồi phục nhanh chóng, nguy cơ biến chứng và phản ứng phụ ít. Tuy nhiên nhược điểm của biện pháp này là có thể tái phát và người bệnh thường phải thực hiện tiêm lại nhiều lần.
4. Điều trị bằng thuốc
– Người bệnh co thắt thực quản nếu có dấu hiệu trào ngược dạ dày – thực quản cần điều trị trào ngược dạ dày – thực quản , như:
+ Thuốc ức chế bơm proton (PPI) như omeprazole và rabeprazole, có tác dụng ngăn chặn sự sản xuất acid, giảm triệu chứng nhanh và chữa lành thực quản. Tác dụng phụ thường gặp là đau đầu, tiêu chảy, đau bụng, suy nhược, đầy hơi, mẩn ngứa và khô miệng.
+ Kháng histamin H2 bao gồm cimetidine, ranitidine, famotidine, nizatidine dùng đơn độc hoặc phối hợp với PPI và kháng acid, dùng trước khi ngủ nếu có trào ngược về đêm. Thuốc có thể gây các tác dụng phụ bao gồm tiêu chảy, táo bón, mệt mỏi, buồn ngủ, nhức đầu, đau cơ…
+ Thuốc kháng acid hoạt động dựa trên tác động trung hòa axit dạ dày, giúp giảm các triệu chứng ợ nóng, khó tiêu, trào ngược dạ dày. Không khuyến khích sử dụng thuốc kháng acid trong thời gian dài vì có nguy cơ gây tiêu chảy, táo bón…
+ Thuốc điều hòa nhu động như metoclopramide, domperidone… thường được dùng như một thuốc phụ trợ đẩy nhanh tiến độ làm rỗng của dạ dày và ruột, giảm triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, thuốc có thể gây tác dụng phụ không mong muốn và chống chỉ định với người xuất huyết tiêu hóa.
– Nhóm thuốc nitrat như isosorbide dinitrate và thuốc chẹn kênh canxi như diltiazem hoặc nifedipine thường được chỉ định trong điều trị co thắt thực quản nhằm làm giảm áp lực và cải thiện khả năng nuốt ở một số người bệnh. Tuy nhiên, thuốc có thể gây tác dụng không mong muốn như chóng mặt, trì trệ, hạ huyết áp…
– Điều trị các rối loạn tâm lý cơ bản, chẳng hạn như lo âu hay trầm cảm, cũng có thể giúp làm giảm co thắt thực quản.
Việc điều trị tùy thuộc vào từng người bệnh cụ thể. Vì vậy, tốt nhất người bệnh cần đi khám tại chuyên khoa tiêu hóa để được kê đơn thuốc thích hợp.
5. Phẫu thuật cắt bỏ thực quản
Thực hiện phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thực quản là biện pháp sau cùng được chỉ định thực hiện với các trường hợp nặng.
6. Lưu ý trong quá trình điều trị co thắt thực quản
Co thắt thực quản không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, co thắt ở thực quản có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm loét, sẹo xơ thực quản, xuất huyết, viêm phổi do hít sặc thức ăn, sụt cân, suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể…
Để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện biến chứng không mong muốn, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau trong quá trình điều trị:
– Sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ: Không tự ý ngưng thuốc hoặc tăng giảm liều lượng khi chưa có chỉ định. Tuyệt đối không mượn đơn thuốc của người có tình trạng giống mình và uống thuốc khi chưa qua thăm khám bác sĩ chuyên khoa.
– Tái khám đúng lịch hẹn: Co thắt thực quản kéo dài có thể gia tăng nguy cơ gây ung thư, vì vậy người bệnh cần tái khám định kỳ để bác sĩ theo dõi tình trạng tiến triển bệnh ngay cả khi phương pháp điều trị có kết quả.
– Báo ngay cho bác sĩ nếu gặp chứng khó nuốt trong thời gian dài, bị đau khi nuốt, nôn ra máu hoặc có các triệu chứng còn sót lại sau khi đã điều trị.
Ngoài ra, một số thay đổi trong chế độ ăn uống có thể giúp cải thiện các triệu chứng của co thắt thực quản. Nên chọn các thức ăn mềm, lỏng, chia thành các miếng nhỏ để việc nuốt được dễ dàng hơn. Người bệnh co thắt thực quản cần xác định và tránh các loại thực phẩm gây kích thích co thắt như:
- Đồ cay nóng như gà hầm cay, mì cay, lẩu chua cay…
- Thực phẩm chứa nhiều axit như chanh, cam, quất…
- Cà phê và thức uống chứa caffein
- Rượu, thuốc lá và chất kích thích
- Đồ ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ như gà rán, xúc xích, thịt hộp…
Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy rằng, việc sử dụng các sản phẩm chiết xuất từ bạc hà tự nhiên có thể giúp giảm co thắt thực quản. Một vài giọt tinh dầu bạc hà hòa trong nước uống trước bữa ăn có thể mang lại hiệu quả trong ngăn ngừa co thắt thực quản ở một số người, trong khi đó tinh dầu xá xị và cam thảo có thể giúp thư giãn các cơ, kể cả những cơ trong thực quản.