Biết điểm chuẩn đại học, thí sinh cần làm gì để chính thức trở thành tân sinh viên?

Ngộ độc khí CO từ thiết bị trong nhà 

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện trung tâm đang điều trị nhiều bệnh nhân ngộ độc khí CO. Trong số này có 3 ca ngộ độc từ một căn bếp ở Hà Nội và một gia đình 2 mẹ con ở Nghệ An do dùng máy phát điện.

Các bệnh nhân nhập viện có hiện tượng nôn nhiều, hôn mê, suy hô hấp do ngộ độc khí CO.

Tin sáng 18/8: Biết điểm chuẩn đại học, thí sinh cần làm gì để chính thức trở thành tân sinh viên?; bất ngờ nguyên nhân cháy quán bar ở Hà Nội- Ảnh 2.

Bệnh nhân ngộ độc khí CO khi đang làm việc trong bếp ăn nhà hàng. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bệnh nhân trong chùm 3 ca ngộ độc khi đang làm việc trong bếp ăn của nhà hàng cho biết có 6 người cùng làm việc trong căn bếp khoảng 30 m2.

Mọi người làm việc không có gì bất thường, căn bếp không có mùi gì đặc biệt. Đến khoảng 9 giờ, một người bị ngất, sau đó lại có người ngất và một người khác có biểu hiện khó chịu. Cả 3 bệnh nhân được đưa vào Trung tâm Chống độc, được chẩn đoán ngộ độc khí CO.

Theo bác sĩ Nguyên, tại thời điểm nhập viện, nồng độ CO trong máu của bệnh nhân rất cao, HbCO lên tới hơn 30% trong khi bình thường chỉ khoảng dưới 1%. Hiện bệnh nhân đã điều trị ôxy cao áp hơn 10 ngày, dùng thuốc dự phòng tránh biến chứng tâm thần, thần kinh.

Với các ca bệnh ở tỉnh Nghệ An, người nhà bệnh nhân cho biết buổi tối bị mất điện nên gia đình có sử dụng máy phát điện khoảng 4 giờ để bật điều hòa trong phòng kín 15-20m2. Máy phát điện được đặt ở phòng thông với phòng ngủ.

Khoảng 9 giờ sáng hôm sau người nhà phát hiện cả 3 người trong gia đình em trai đều hôn mê, bên cạnh có chất nôn. Người bố bị ngộ độc nhẹ, điều trị ở địa phương và đã ra viện, còn hai mẹ con được đặt nội khí quản chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Theo bác sĩ Nguyên, khoảng 50% các bệnh nhân bị nhiễm độc khí CO dù là nhẹ, sau khi được điều trị vẫn sẽ bị các di chứng về tâm thần, thần kinh, sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ sau này. Việc điều trị sớm và tích cực sẽ giảm mức độ nặng, giảm nguy cơ tử vong và hạn chế di chứng.

Cán bộ y tế kể phút phá cửa xe, cấp cứu người gặp tai nạn trên cao tốc 

Bà Phan Thị Trang (Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Quảng Ninh) cho biết, ngày 17/8, trung tâm đưa những người có công của thị xã Quảng Yên và thị xã Đông Triều đi tham quan đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm tại TP Hải Phòng.

Tin sáng 18/8: Biết điểm chuẩn đại học, thí sinh cần làm gì để chính thức trở thành tân sinh viên?; bất ngờ nguyên nhân cháy quán bar ở Hà Nội- Ảnh 3.

Ông Khánh (áo xanh) hỗ trợ sơ cấp cứu cho người gặp tai nạn trên cao tốc Hạ Long – Hải Phòng.

Khi đi trên cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đoạn cầu Bình Hương, đoàn thấy xe 16 chỗ gặp nạn. Ngay lập tức, các cán bộ có chuyên môn y tế của trung tâm liền xuống hỗ trợ. Ông Nguyễn Công Minh (Trưởng phòng Quản lý điều dưỡng), ông Mai Văn Khánh (Phó Trưởng phòng Quản lý điều dưỡng) cùng lái xe và người dân cùng nhau ứng cứu các nạn nhân.

Trao đổi với PV VNN, ông Khánh cho biết lúc đầu, chỉ có 2 nạn nhân được đưa ra khỏi xe. Thấy vậy, mọi người lập tức tới phá cửa sổ xe khách 16 chỗ để tiếp tục kéo những người còn lại ra ngoài. Đa số nạn nhân trong tình trạng hoảng loạn.

“Dầu trên xe đổ lênh láng ra đường, lo sợ cháy nổ nên chúng tôi đưa hết các những người gặp nạn cách xa hiện trường gần 20m để tiến hành sơ cứu vết thương. Chúng tôi lập tức lấy dụng cụ y tế ra để rửa vết thương, băng bó cầm máu cho họ”, ông Khánh cho biết.

Qua đánh giá ban đầu, các nạn nhân bị thương nhẹ, một người phụ nữ bế con nhỏ bị rách cánh mũi. Sau đó, một tài xế ô tô 5 chỗ đã chở các nạn nhân tới Trung tâm Y tế TX Quảng Yên để kiểm tra sức khỏe.

Khi hoàn thành sơ cứu ban đầu, ông Khánh cùng đoàn của mình tiếp tục hành trình.

Trước đó, cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đoạn qua thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, xảy ra một vụ tai nạn. Ô tô 16 chỗ đang di chuyển trên cao tốc theo hướng Hạ Long đi TP Hải Phòng thì bất ngờ bị lật rồi kéo lê trên đường. Cửa xe bị kẹt không mở được nên các nạn nhân bên trong vô cùng hoảng loạn.

Tạm giam người đàn ông đập bể kính ô tô, bắt tài xế quỳ xin lỗi 

Cơ quan CSĐT Công an TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho hay, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Trần Tấn Phong (46 tuổi, ngụ TP Thủ Dầu Một) để điều tra về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.

Tin sáng 18/8: Biết điểm chuẩn đại học, thí sinh cần làm gì để chính thức trở thành tân sinh viên?; bất ngờ nguyên nhân cháy quán bar ở Hà Nội- Ảnh 4.

Bị can Trần Tấn Phong tại cơ quan công an. Ảnh: CACC

Ông Phong là người đã lái xe rượt đuổi một ô tô khác trên đường Nguyễn Chí Thanh (phường Hiệp An) vì cho rằng bị cản trở khi qua đường. Tiếp đó, ông này đập bể kính ô tô, nắm tóc đe dọa tài xế trên đường.

Theo điều tra ban đầu của cơ quan công an, trưa 11/8, anh P.T.S. (27 tuổi, ngụ TP Bến Cát) lái xe chở vợ và con đi tiêm phòng về đến khu vực đường Nguyễn Chí Thanh (phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một).

Lúc này, ông Phong cũng lái ô tô trên đường Nguyễn Chí Thanh theo hướng ngược lại, rẽ trái vào đường Lê Chí Dân. Ông này cho rằng anh S. cản trở mình qua đường nên bực tức đuổi theo.

Khi đuổi kịp, ông này liên tục dùng lời nói thô tục lăng mạ tài xế, sau đó nhặt một khúc xương bò trên vỉa hè đập bể kính ô tô của anh S.

Dù anh S. xin lỗi mong được bỏ qua, nhưng ông Phong vẫn hung hăng nắm tóc, dùng khúc xương bò hù dọa. Đến khi nhiều người dân đến can ngăn, ông Phong mới dừng lại rồi lái xe bỏ đi.

Làm việc với cơ quan công an, ông Phong thừa nhận hành vi và khai do bực tức trong lúc tham gia giao thông nên dẫn tới hành động như trên.

Cháy quán bar ở Hà Nội “do thợ hàn cắt sắt”

Chiều 17/8, UBND quận Ba Đình có báo cáo về vụ cháy tại quán bar Star 3 số 67Y Phó Đức Chính tối 16/8. Nguyên nhân ban đầu là thợ hàn cắt sắt làm bén lửa ra vật liệu xung quanh dẫn đến cháy.

Tin sáng 18/8: Biết điểm chuẩn đại học, thí sinh cần làm gì để chính thức trở thành tân sinh viên?; bất ngờ nguyên nhân cháy quán bar ở Hà Nội- Ảnh 5.

Quán bar hai tầng đổ sập sau vụ cháy.

Hai chiến sĩ Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ quận Ba Đình bị thương trong lúc tham gia chữa cháy. Một người do ngạt khói, đang nằm điều trị tại Bệnh viện Hồng Ngọc, dự kiến ngày 18/8 xuất viện. Một người do dẫm phải vật sắc nhọn, đã được xử lý vết thương và ra viện.

Theo UBND quận Ba Đình, khu vực cháy rộng khoảng 600 m2 trước đây là cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống lưu động của Công ty cổ phần Star 67Y. Cơ sở dừng hoạt động từ tháng 4/2024, đang được cải tạo nội thất để chuyển đổi thành nhà hàng ăn uống.

Tối 16/8, sau khoảng 4 tiếng bốc cháy dữ dội, quán bar Star 3 cao 2 tầng, lợp mái tôn ở phố Phó Đức Chính, quận Ba Đình đổ sập, các thiết bị cháy rụi. 

Thí sinh cần làm gì sau khi biết điểm chuẩn đại học năm 2024 

Ngày 17/8, các trường đại học bắt đầu công bố điểm chuẩn, kết quả trúng tuyển đại học năm 2024. Sau khi biết điểm chuẩn, thí sinh cần hoàn tất các thủ tục để chính thức trở thành tân sinh viên:

Tin sáng 18/8: Biết điểm chuẩn đại học, thí sinh cần làm gì để chính thức trở thành tân sinh viên?; bất ngờ nguyên nhân cháy quán bar ở Hà Nội- Ảnh 6.

– Sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn, thí sinh có thể kiểm tra kết quả trúng tuyển bằng cách đối chiếu điểm thi, nguyện vọng với điểm chuẩn của ngành và trường đã đăng ký. Để chắc chắn, thí sinh cần theo dõi danh sách trúng tuyển.

– Thí sinh cần xác nhận nhập học trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chậm nhất 17h ngày 27/8, tất cả thí sinh trúng tuyển phải hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống chung. Nếu bỏ qua bước này và không có lý do chính đáng, thí sinh bị hủy kết quả.

– Thí sinh cần theo dõi kế hoạch của trường mà mình trúng tuyển. Các đại học thường có kế hoạch nhập học riêng với những yêu cầu khác nhau, đăng tải trên website, fanpage chính chức hoặc gửi cho thí sinh qua email, số điện thoại, giấy báo…

– Từ 28/8, các trường chưa đủ chỉ tiêu có thể tuyển bổ sung. Thí sinh chưa trúng tuyển, nếu có nhu cầu đăng ký, cần theo dõi các trang thông tin của trường và làm theo hướng dẫn.

– Khi thí sinh trúng tuyển, trường đại học mà thí sinh trúng tuyển sẽ gửi giấy báo nhập học về nơi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc giấy báo nhập học online kèm các giấy tờ cần nộp khi nhập học như sơ yếu lý lịch, giấy khai sinh, giấy chứng nhận tốt nghiệp, học bạ, sổ đoàn.. Đồng thời, nhà trường sẽ thông báo các khoản tiền cần đóng khi nhập học, thí sinh cần chuẩn bị đầy đủ tiền để đến nộp khi nhập học, đến đúng thời gian, địa điểm để nhập học đại học 2024.

– Đối với những thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 sau khi biết điểm chuẩn thì lưu ý nhiều trường sẽ còn xét tuyển nguyện vọng bổ sung dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và học bạ. Những thông tin này sẽ được đăng tải công khai trên trang web của các trường, vì vậy thí sinh cần bám sát, tránh bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển tiếp theo.

– Bộ GDĐT cho biết, từ ngày 28/8, các trường thông báo tuyển sinh đợt bổ sung. Từ tháng 9 đến tháng 12, các trường xét tuyển các đợt tiếp theo, cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *