Sau khi kết
hôn, tôi chuyển đến căn hộ chúng tôi đã thuê và trang bị nội thất. Chồng tôi và
mẹ anh đã sống ở đó 3 tháng trước khi tôi về. Tôi đã lường trước những khó khăn
ban đầu nhưng vẫn nghĩ rằng chúng tôi sẽ sống vui vẻ như 3 người trưởng thành.
Tôi không biết niềm tin của mình sắp bị thử thách.
Thử thách đầu
tiên của tôi là vượt qua cảm giác “khách trong nhà”. Tôi cảm thấy
mình như một sự bổ sung. Tôi không thấy thoải mái khi sống cùng mẹ con anh. Tôi
nhận thấy chúng tôi thường làm theo những gì mẹ chồng mong đợi hoặc đã làm.
Ngôi nhà đã
có nếp sống phù hợp với các thành viên khác nhưng không phù hợp với tôi. Cách sắp
xếp đồ đạc, thực phẩm chúng tôi ăn, cách chế biến, thời gian sinh hoạt như giờ
đi ngủ, giờ ăn – tất cả đều không phù hợp với sở thích của tôi. Tôi cảm nhận được
áp lực vô hình phải thích nghi do những kỳ vọng văn hóa mà chúng tôi đã được
nuôi dạy theo. Chính vì thế, tôi không cảm thấy đây là nhà của mình. Tôi lên mạng
tìm kiếm lời khuyên từ các nhà tâm lý học và chuyên gia về mối quan hệ nhưng
không tìm thấy gì hữu ích.
Các nền tảng
trực tuyến tràn ngập những câu chuyện phương Tây, trong đó việc sống chung với
mẹ chồng được coi là bất thường, thậm chí là không mong muốn. Mọi lời khuyên dường
như đều hướng đến việc sống tách biệt với gia đình chồng và hạn chế ảnh hưởng của
mẹ chồng ngay khi có vấn đề không ổn. Tôi cũng tìm thấy các bài đăng trên blog
trong đó các cô con dâu phàn nàn về việc gia đình chồng thiếu quan tâm và chồng
không ủng hộ.
Tôi đang tìm
cách để dễ dàng hòa nhập vào cuộc sống nhiều thế hệ vốn đi kèm với những kỳ vọng
văn hóa về cách cư xử của một cô con dâu tử tế. Ở Ấn Độ, người ta thường đánh
giá cô dâu qua cách cô ấy hành xử, thậm chí đưa ra nhận định không công bằng về
cách cô ấy được nuôi dạy.
Vì còn trẻ, ít
kinh nghiệm hơn và mới bước vào gia đình, thách thức lớn nhất đối với tôi là sự
mơ hồ trong việc phân chia công việc và quyền ra quyết định.
Tôi muốn hòa
nhập và sống đúng với chính mình. Tôi muốn chung sống một cách trọn vẹn mà
không kìm hãm cá tính của mình và đồng thời dành không gian cho nhu cầu và sở
thích của những người lớn khác, những người là gia đình nhưng vẫn chưa quen thuộc
với tôi.
Sau gần 3
năm sống chung và cải thiện mối quan hệ với mẹ chồng, tôi đã đúc kết được những
chiến lược dựa trên kiến thức tâm lý học và kinh nghiệm cá nhân của tôi, ngay cả
khi mẹ chồng là người khó tính hoặc hay ghen tị.
Hiểu được sự bất an của mẹ chồng và tránh gây căng thẳng
Theo quan điểm
của một bà mẹ chồng, sự xuất hiện của con dâu báo hiệu một sự thay đổi sắp xảy
ra về cách thức điều hành gia đình và ai sẽ chịu trách nhiệm về các công việc
hàng ngày. Dù bà muốn hòa hợp với bạn vì bạn quan trọng với con trai bà nhưng
bà cũng lo sợ mình sẽ dần bị gạt ra ngoài và mất đi vai trò.
Cách tốt nhất
là chứng minh bạn không phải là mối đe dọa. Hãy thực hiện những cử chỉ rõ ràng
để cho mẹ chồng thấy bạn không và sẽ không bao giờ cản trở quan hệ giữa bà và
con trai. Ví dụ, tôi luôn khuyến khích chồng tiếp tục thói quen đi chơi sáng thứ
Bảy với mẹ.
Sự hỗ trợ của
chồng tôi là yếu tố quan trọng giúp tôi thấy an toàn và được yêu thương. Khi chồng
và tôi ngày càng thấu hiểu nhau hơn, tôi dần không còn cảm giác như người ngoài
cuộc. Việc dành không gian để chồng và mẹ chồng kết nối đã giúp củng cố cuộc
hôn nhân của tôi và tôi tin điều này cũng có thể mang lại lợi ích cho bạn.
Niềm tin được xây dựng theo thời gian
Niềm tin
không phải là thứ có sẵn ngay từ khi bạn bước vào hôn nhân mà cần được xây dựng
dần theo thời gian. Hãy để quan hệ của bạn với mẹ chồng phát triển tự nhiên,
thay vì mong đợi nó sẽ tự động hình thành ngay từ đầu.
Kết hôn với
một người đàn ông không có nghĩa là mẹ anh ấy ngay lập tức yêu thương và có thiện
chí với bạn. Đừng mong đợi bà ấy sẽ đối xử với bạn giống như cách mẹ ruột của bạn
làm.

Không sao cả
nếu mẹ chồng không công nhận những nỗ lực của bạn trong việc bếp núc hay chăm
sóc nhà cửa. Bà ấy có thể thích làm mọi việc theo cách riêng, điều này chắc chắn
sẽ khác với cách của bạn.
Hạn chế tìm
đến mẹ chồng để xin lời khuyên hoặc sự giúp đỡ, nhất là với những vấn đề quan
trọng đối với bạn. Người lớn tuổi thường cảm thấy bị thiếu tôn trọng nếu bạn
không làm theo lời khuyên của họ sau khi đã hỏi.
Nếu bạn nhận
thấy mẹ chồng có dấu hiệu ghen tị khi bạn có tin vui, hãy cố gắng giữ mọi chuyện
ở mức vừa phải. Thật không công bằng khi mong đợi bà sẽ chia vui với những
thành tựu hay buồn bã với những thất bại của bạn chỉ vì hai người có mối quan hệ
mẹ chồng – con dâu.
Hãy xem mẹ
chồng như một người mà bạn chia sẻ không gian sống và là trách nhiệm gia đình,
thay vì đặt vào mối quan hệ này những kỳ vọng quá sớm và không cần thiết. Hãy
kiên nhẫn và để mối quan hệ giữa bạn và mẹ chồng phát triển theo thời gian,
thay vì mong đợi nó có sẵn ngay khi bạn kết hôn.
Thiết lập và duy trì ranh giới rõ ràng
Chỉ vì bạn
và mẹ chồng sống chung một nhà không có nghĩa là bạn phải chia sẻ những khía cạnh
quan trọng nhất trong cuộc sống.
Hãy xem mẹ
chồng như một người bạn cùng nhà mà bạn có trách nhiệm tương tác ở mức độ nhất
định và cả hai cần hòa thuận với nhau. Hãy phân chia công việc nhà một cách rõ
ràng. Nếu bạn có việc đột xuất như công việc, sức khỏe không tốt hoặc thay đổi
kế hoạch, hãy thông báo trước cho bà biết.
Thỉnh thoảng,
hãy hỏi xem bà có cần giúp gì không và làm theo những gì bà yêu cầu. Nếu bà muốn
hướng dẫn hoặc giúp bạn trong công việc nhà như nấu ăn, hãy lắng nghe. Nếu bạn
không thích lời khuyên của bà, hãy đưa ra một lý do tế nhị và nói rằng bạn
thích tự làm việc đó hơn.
Dù bạn có cố
gắng thế nào, sẽ có những lúc mẹ chồng có tâm trạng không tốt ngay trước khi bạn
và chồng đi chơi riêng. Nếu bà tìm cách hoãn kế hoạch của hai bạn, hãy hít một
hơi thật sâu, bỏ qua và cứ tiếp tục đi như dự định.
Hãy nhắc nhở
bản thân và chồng rằng, hai bạn không có trách nhiệm với cảm xúc của mẹ chồng.
Hãy tận hưởng buổi tối bên nhau và thỉnh thoảng mua một món quà nhỏ cho mẹ chồng
khi về nhà. Cử chỉ này sẽ giúp bà cảm thấy được quan tâm mà không làm gián đoạn
thời gian riêng tư của hai bạn.

Dành không gian cho nhau và giao tiếp rõ ràng
Hãy học cách
quan tâm đến việc của mình. Để mẹ chồng bạn tự do làm việc của bà, đừng can thiệp
trừ khi mẹ chồng yêu cầu.
Tạo ra những
cơ hội để gắn kết và có những khoảnh khắc vui vẻ là điều quan trọng để duy trì
mối quan hệ lâu dài. Tuy nhiên, hãy làm điều đó theo cách của bạn. Tránh dành
thời gian với mẹ chồng khi bạn đang mệt mỏi, căng thẳng, bận rộn hoặc cảm xúc
không ổn, trừ khi đó là trường hợp khẩn cấp.
Chỉ cần giữ
thái độ thân thiện và dễ gần là đủ để duy trì một mối quan hệ gia đình lành mạnh
Xác định và ghi nhớ mục tiêu
Trong công
việc, có những lúc bạn phải hợp tác với những người mà bạn không hoàn toàn tin
tưởng hoặc thấy thoải mái. Trong trường hợp như vậy, mối quan hệ không phải là
điều quan trọng nhất, công việc mới là trọng tâm. Mối quan hệ chỉ là phương tiện
để đạt được mục tiêu.
Quan hệ với
mẹ chồng cũng vậy. Hãy giữ cho mối quan hệ với mẹ chồng ở mức thân thiện: Gật đầu,
mỉm cười, lịch sự và tối giản, đặc biệt là khi tình hình căng thẳng hoặc có thể
xảy ra mâu thuẫn.
Hãy tập
trung vào việc giữ không khí hòa thuận trong gia đình, hỗ trợ lẫn nhau và làm
những gì cần thiết. Mục tiêu quan trọng nhất là có thể quây quần trong những dịp
quan trọng như lễ hội, sự kiện gia đình và những khoảnh khắc đặc biệt.
Sống tích cực
Hãy sống cuộc
đời tốt nhất có thể. Chúng ta càng yêu cuộc sống của mình thì càng ít oán giận
những người có quan điểm trái ngược mình.
Tập thể dục
hàng ngày, ăn uống lành mạnh và học hỏi những điều mới. Trở thành một con người
tốt hơn. Hãy có sở thích riêng và dành thời gian cho bạn bè. Đi du lịch cùng chồng
và làm những điều thú vị cùng nhau.
Thay vì lấp
đầy tâm trí bằng những lời phàn nàn về mẹ chồng, hãy để nó tràn ngập những điều
bạn yêu thích. Càng tập trung vào những điều tích cực và có lợi cho bản thân, bạn
sẽ càng có ít năng lượng để dành cho những điều khiến bạn kiệt sức.
Sửa chữa những rạn nứt
Trong bất kỳ
mối quan hệ nào, bất đồng và hiểu lầm là điều không thể tránh khỏi vì không có
hai cá nhân nào có cùng suy nghĩ hoặc coi trọng những điều giống nhau. Nếu mẹ
chồng bạn khó chịu vì lựa chọn của bạn, thay vì nghĩ rằng “không phải việc
của bà”, hãy tận dụng cơ hội này để tìm hiểu về các giá trị của bà và chia
sẻ về các giá trị của bạn.
Sự tiếp thu
quan điểm của nhau và cố gắng giải thích bản thân đã củng cố mối quan hệ của
chúng ta mà không làm thay đổi lập trường.
Không có gia
đình nào giống gia đình nào. Nếu những chiến lược trên không phù hợp với bạn và
mối quan hệ trở nên căng thẳng, tôi mong bạn vẫn giữ được sự tử tế và phẩm giá
trong cách cư xử.
T. Linh (Theo Medium)