Lệ Giang – Shangrila (Vân Nam, Trung Quốc) là điểm đến được du khách Việt rất yêu thích trong vài năm gần đây.
Lệ Giang là một trong những cổ trấn nổi tiếng nhất Trung Quốc. Nơi đây mỗi mùa mang một vẻ đẹp riêng, nhưng hấp dẫn nhất là vào thu, khắp không gian được phủ lên sắc vàng, đỏ của cây ngân hạnh và phong.
Trong khi đó, Shangrila nằm trong cao nguyên hơn 3.300m so với mực nước biển, bao quanh bởi những ngọn đồi xanh tươi tốt, hồ nước tuyệt đẹp, không khí trong lành.
Hiện, các công ty lữ hành Việt Nam mở bán rất nhiều sản phẩm tour Lệ Giang – Shangrila. Tuy nhiên, nhiều du khách lựa chọn du lịch Lệ Giang – Shangrila theo kiểu tự túc để có lịch trình khám phá theo ý thích.
Gần đây, chị Nguyệt Moon (29 tuổi, Hà Nội) có bài viết chia sẻ kinh nghiệm du lịch tự túc Lệ Giang – Shangrila 8 ngày 7 đêm với chi phí 13,5 triệu đồng/người. Bài viết nhận được nhiều sự quan tâm.
Chị Nguyệt cho biết, vợ chồng chị đến Lệ Giang – Shangrila hồi tháng 3. “Mình rất muốn khám phá vùng đất này vào mùa thu, nhưng do không sắp xếp được thời gian nên đành đi trong mùa xuân. Du lịch tự túc nên mình có nhiều thời gian ngắm nhìn những địa điểm mình yêu thích”, nữ du khách cho hay.
Rào cản lớn nhất với hai vợ chồng là ngôn ngữ. Họ e ngại và đắn đo rất nhiều giữa việc du lịch tự túc hay đi tour, do không biết tiếng Trung.
“Tham khảo nhiều tour nhưng không có lịch trình ưng ý, mình quyết tâm đi tự túc. Mình cài các ứng dụng dịch ngôn ngữ trên điện thoại như Google dịch, WeChat, mạng xã hội Xiaohongshu, ví điện tử Alipay…”, chị Nguyệt cho hay.
Chuẩn bị trước chuyến đi
Theo chị Nguyệt, để du lịch tự túc, khâu quan trọng nhất là tìm hiểu và lên lịch trình chi tiết. Trong gần một tháng, cứ vào thời gian rảnh, chị lại lên mạng tìm đọc các bài chia sẻ kinh nghiệm và lọc thông tin phù hợp với mình.
Chị tổng hợp chi tiết mỗi ngày đi đâu, di chuyển phương tiện gì, thời gian di chuyển bao lâu. “Mình không muốn du lịch mà quá mệt mỏi vì chạy theo số lượng điểm đến. Hai vợ chồng muốn tận hưởng cảnh quan nhiều hơn”, chị Nguyệt cho hay.
Về visa, thay vì tốn chi phí thuê dịch vụ, chị Nguyệt tự chuẩn bị thủ tục, bao gồm: Hộ chiếu còn hạn ít nhất 6 tháng; Vé máy bay và khách sạn (bản photo); Điền tờ khai điện tử; Photo hộ chiếu mặt có thông tin; 2 ảnh 4 x 6 nền trắng.
Chị Nguyệt nộp hồ sơ ở Trung tâm dịch vụ visa Trung Quốc tại Hà Nội. Phí dịch vụ là 690.000 đồng. “Quy trình kiểm tra giấy tờ và nộp hồ sơ diễn ra rất nhanh. Mình sẽ được thông báo ngày lấy kết quả. Nếu đạt visa, du khách nộp thêm khoảng 1 triệu đồng. Mình không cần chứng minh tài chính hay thu nhập”.
Chị Nguyệt mua sim điện thoại du lịch Trung Quốc tại Việt Nam, đặt trước khách sạn, vé tàu cho cả chuyến, nạp tiền tệ vào ứng dụng ví điện tử phổ biến ở Trung Quốc… Trong vali, ngoài trang phục còn có miếng dán giữ nhiệt, thuốc, mì tôm.
Lịch trình
Ngày đầu tiên, cặp đôi di chuyển từ Hà Nội lên Lào Cai bằng xe giường nằm, chi phí 600.000 đồng/người/khứ hồi. Thời gian di chuyển 5 tiếng. Từ bến xe, họ đi xe điện ra cửa khẩu, ăn sáng, xếp hàng làm thủ tục xuất – nhập cảnh.
Sau khi vào Hà Khẩu, vợ chồng chị Nguyệt ăn trưa rồi tới nhà ga, đi 3 chuyến tàu đến Lệ Giang. “Quãng đường di chuyển rất xa, mất 10 tiếng nhưng tàu hỏa Trung Quốc êm ái, hai vợ chồng ngủ ngon lành.
7h30 sáng hôm sau, mình tới ga Lệ Giang, bắt xe về khách sạn. Khách sạn này gần đường chính, thuận tiện đi lại, không phải kéo vali di chuyển quá xa. Chi phí 520.000 đồng/phòng/2 người”, chị Nguyệt cho hay.
Họ dành thời gian khám phá Lệ Giang trong 3 ngày. Ngày đầu tiên, hai vợ chồng chủ yếu dạo chơi quanh phố cổ, thong thả tìm tới các quán cà phê.
Được UNESCO ghi vào danh mục Di sản thế giới từ năm 1997, đến nay cảnh quan khu phố cổ Lệ Giang vẫn được gìn giữ một cách chân thực. Đây được coi là một trong những điển hình về phát triển du lịch hài hòa và bền vững tại một khu phố cổ, nơi vẫn còn người dân sinh sống.
Ngày thứ hai, vợ chồng chị Nguyệt đặt tour của người bản địa để đến núi tuyết Ngọc Long. Họ chọn tour chinh phục điểm cao 3.500m, được chuẩn bị áo khoác, bình oxy cá nhân, có xe đưa đón tận nơi, vé vào cửa, bữa trưa, vé xem Ấn tượng Lệ Giang. Chi phí là 460 Nhân dân tệ (khoảng 1,6 triệu đồng)/người.
Hành trình bắt đầu từ 5h, khi trời còn tối và lạnh căm nhưng du khách có cơ hội ngắm bình minh. Tới núi tuyết, du khách xếp hàng đi cáp treo. Từ cáp treo, bạn có thể ngắm nhìn núi tuyết trắng xóa, được bao bọc bởi thảm thực vật xanh ngát với những loại cây quý hiếm như cây tùng, cây bách, vân ma…
“Lịch trình lý tưởng là đến đỉnh núi rồi trở lại ăn trưa, 13h xem show Ấn tượng Lệ Giang và di chuyển qua Lam Nguyệt Cốc, ngắm hồ nước vô cùng đẹp. Nếu đi vào mùa xuân như mình, du khách nên trao đổi với bên tour để đến Tuyết Sơn Lộ, con đường ngập hoa anh đào tại Lệ Giang”, chị Nguyệt cho hay.
Một sự cố khi đi tour này của chị Nguyệt là cả hướng dẫn viên và lái xe đều không nói tiếng Trung Quốc phổ thông, do đó các phần mềm không dịch được thông tin. Chị Nguyệt đã liên hệ với chủ khách sạn và nhờ anh làm phiên dịch.
Ngày tiếp theo, hai vợ chồng tham quan Mộc Phủ. Dinh thự họ Mộc rộng 46 mẫu, trong dinh thự có 162 gian nhà lớn nhỏ. “Tới đây mình có cảm giác như quay về thời Hoàn Châu cách cách, bộ phim nổi tiếng một thời”, chị Nguyệt nói.
Buổi chiều, họ đi tàu tới Shangrila, thời gian khoảng 2 tiếng. Ngày đầu ở Shangrila, hai vợ chồng gặp mưa lớn, nên hủy lịch trình đi công viên Potatso. Họ lang thang ngắm phố phường, ăn sáng, uống cà phê.
“Từ ứng dụng, mình tìm được quán nằm cạnh thảo nguyên Napahai với tầm nhìn hướng thảo nguyên, hồ nước, xa xa là núi tuyết Mai Lý. Khung cảnh rất tuyệt vời”, chị Nguyệt kể.
Buổi chiều, cặp đôi tới tu viện Tùng Tán Lâm, được xây dựng trên độ cao hơn 3.300m, rộng hơn 30ha. Trải qua những thăng trầm của lịch sử cùng sự tàn phá của thời gian, tu viện Tùng Tán Lâm đã không ít lần bị phá hủy rồi lại được khôi phục.
Tu viện là một quần thể kiến trúc có hình dáng của một tháp canh 5 tầng gồm nhiều công trình hợp thành một khối thống nhất, độc đáo với mái ngói mạ vàng, tường đỏ – màu sắc đặc trưng trong lối kiến trúc chùa chiền xưa. Kết hợp với đó là những hoa văn, họa tiết theo văn hóa, tín ngưỡng dân gian được chạm khắc tinh xảo.
“Nơi đây rất đẹp nhưng cũng rất đông. Để tham quan kĩ tu viện phải cần cả ngày”, chị Nguyệt nói.
Ngày tiếp theo, hai vợ chồng tới công viên Potatso, “trái tim xanh” của Shangrila, với diện tích hơn 1.300km2, hệ sinh thái đa dạng, phong phú. “Nơi đây đẹp nhất là vào mùa thu. Du khách di chuyển trong công viên bằng ô tô, đường đi khá ngoằn ngoèo, dễ bị say xe”, chị Nguyệt cho biết.
Ngày cuối ở Shangrila, hai vợ chồng đi dạo quanh thành phố, qua các công viên đẹp nên thơ ở trung tâm, lang thang thưởng thức món ăn địa phương. Ăn trưa và nghỉ ngơi xong, họ ra ga tàu, di chuyển 5 tiếng tới Côn Minh. Hành trình kết thúc với chuyến tàu từ Côn Minh về Hà Khẩu.
Một vài lưu ý
Chị Nguyệt đặt khách sạn và vé tàu trên ứng dụng Trip.com. Theo chị, không phải tất cả các khách sạn trên đây đều đón khách nước ngoài. Do đó, khi đặt phòng xong, mọi người nên nhắn tin trao đổi với nhân viên chăm sóc khách hàng để hỏi kĩ thông tin. Du khách cũng nên xin WeChat của chủ khách sạn để chủ động liên lạc.
Về vé tàu, du khách có thể đến ga tàu mua vé, nhưng có thể hết vé hoặc chỉ còn các vé đứng. Để đảm bảo có chỗ ngồi thoải mái, chị Nguyệt đặt vé sớm. “Mỗi lần sẽ đặt được tối đa 5 vé, nhưng vé xếp ngẫu nhiên. Nếu đặt vé giường nằm, nhiều khi mỗi người bị xếp ở một khoang”, chị Nguyệt cho hay.
Về ẩm thực, hai vợ chồng không hợp đồ ăn Trung Quốc cho lắm. Món chị Nguyệt mê nhất là lạp xưởng nướng đá rắc ớt bột.
“Trước khi đi, mình cũng lo lắng vì không biết tiếng Trung, có thể gặp lừa đảo, sự cố. Tuy nhiên, khi tới Trung Quốc, mình thấy hài lòng vì cảnh đẹp, không khí trong lành, người dân thân thiện”, nữ du khách chia sẻ.
Về chi phí, so với đặt tour, chi phí du lịch tự túc của hai vợ chồng chỉ rẻ hơn một chút (không bao gồm mua sắm). Tuy nhiên, điều họ hài lòng nhất là được thực hiện lịch trình theo ý thích.
Ảnh: NVCC