Đề xuất thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư với 5 nhóm xe

Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ và đơn vị liên quan về dự thảo Nghị định quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Theo đó, mức phí đường cao tốc được đề xuất thu theo 5 nhóm xe với mức thấp nhất 900 đồng/km, cao nhất 5.200 đồng/km.

Cơ quan soạn thảo cho biết, dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở quy định của Luật Đường bộ.

Luật Đường bộ quy định Nhà nước thu phí sử dụng đường cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác gồm: Đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo hình thức đầu tư công; đường cao tốc được đầu tư theo các hình thức khác khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao cho Nhà nước.

W-cao tóc.jpeg
Cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu. Ảnh tư liệu 

Theo Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (cơ quan được giao chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định), chỉ thu phí trên những tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư khi đáp ứng các điều kiện:

Đường cao tốc được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan.

Đường cao tốc đã hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt hạ tầng trạm thu phí, hệ thống phần mềm, thiết bị phục vụ việc thu phí; các công trình dịch vụ công (cung cấp các dịch vụ miễn phí) tại các trạm dừng nghỉ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

10 tuyến cao tốc dự kiến thu phí 

Mức phí sử dụng đường cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT được đề xuất 2 mức:

Mức phí đối với đường cao tốc có 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục (mức 1) từ 1.300 – 5.200 đồng/km tùy từng nhóm xe. 

Mức phí đối với đường cao tốc 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp chạy liên tục (mức 2 ) từ 900 – 3.600 đồng/km tùy từng nhóm xe.

Bộ GTVT cho biết, hiện có 12 dự án, đoạn tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, đại diện chủ sở hữu, đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng.

Kết quả lượng hóa chi phí vận hành và thời gian của xe đi trên 12 tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư trước năm 2020 đã đưa vào khai thác cho thấy, so với đi trên quốc lộ song hành, xe đi đường cao tốc sẽ được lợi bình quân 4.824 đồng/xe/km.

Trong đó 25% từ tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện và 75% từ tiết kiệm thời gian hàng hóa và hành khách trên đường.

Loại xe thu được lợi ích lớn nhất là xe khách từ 30 ghế trở lên với bình quân 14.132 đồng/xe/km, xe thu được lợi ích thấp nhất là xe tải trên 2 tấn với lợi ích bình quân là 1.174 đồng/km.

Bộ GTVT nhận định số tiền thu phí đường cao tốc được nộp về ngân sách nhà nước sẽ góp phần tạo nguồn kinh phí để đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, chi thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Với mức phí đề xuất như trên, dự kiến sau khi triển khai thu phí đối với 10 tuyến cao tốc đang khai thác, số phí thu được là 3.210 tỷ đồng/năm; số thu nộp ngân sách nhà nước là 2.850 tỷ đồng/năm. 

Trước ý kiến lo ngại thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư là “phí trùng phí”, Bộ GTVT cho biết, đường cao tốc đem lại lợi ích cho người tham gia giao thông cao hơn so với quốc lộ song hành. Người tham gia giao thông có quyền lựa chọn di chuyển trên quốc lộ hoặc trả tiền sử dụng đường cao tốc để hưởng chất lượng dịch vụ và lợi ích cao hơn. 

“Việc thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác không gây phí trùng phí”, Bộ GTVT khẳng định.

Với những căn cứ nêu trên, Bộ GTVT đề xuất 10 tuyến cao tốc dự kiến thu phí gồm: Hà Nội – Thái Nguyên, TPHCM – Trung Lương, Mai Sơn – quốc lộ 45, quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Cam Lộ – La Sơn, La Sơn – Hòa Liên, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây, Mỹ Thuận – Cần Thơ.

Đề xuất 5 nhóm phương tiện chịu phí:

Nhóm 1 gồm xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng. 

Nhóm 2 gồm xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi và xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn.

Nhóm 3 gồm xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn.

Nhóm 4 gồm xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet. 

Nhóm 5 gồm xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *