Theo Independent, các nhà khoa học tại Hội đồng Nghiên cứu y khoa và Cơ quan Khoa học y tế công cộng ở Glasgow, Scotland nghiên cứu hơn 12.000 người trẻ (độ tuổi 14 đến 22 tuổi) và khẳng định con thông minh hay không chủ yếu do mẹ.
Yếu tố dự đoán trí thông minh của trẻ rõ nhất chính là chỉ số IQ của người mẹ. Thực tế, chỉ số IQ của những người tham gia chỉ khác 15 điểm so chỉ số IQ trung bình của mẹ họ.
Theo nghiên cứu, các gen thông minh nằm rải rác trên chuỗi ADN, nhưng có tới 2/3 tập trung ở nhiễm sắc thể giới tính X. Trong khi nữ giới có hai nhiễm sắc thể X còn nam giới chỉ có một nhiễm sắc thể X nên trí thông minh của con chủ yếu được di truyền từ mẹ. Phát hiện này đồng thời cũng giải thích vì sao các vĩ nhân đều có những bà mẹ rất thông minh.
Nhà tâm lý học người Mỹ Jennifer Delgado đã chỉ ra rằng: “Điều này dựa trên cơ sở “các di truyền có điều kiện” phụ thuộc khác nhau vào nguồn gốc gen. Một số gen chỉ hoạt động nếu chúng được di truyền từ mẹ. Nếu cùng một gen đó nhưng thừa hưởng từ người cha thì nó sẽ không hoạt động”.
Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Washington cũng phát hiện ra mối liên kết tình cảm giữa mẹ và con còn giúp phát triển một số bộ phận trong não. Những đứa trẻ được sống hạnh phúc bên mẹ trong 7 năm đầu đời có vùng hippocampus trung bình lớn hơn 10% so với những đứa trẻ phải sống xa mẹ. Hippocampus là một khu vực của bộ não liên quan đến trí nhớ, học tập và đối phó với căng thẳng.
Mối liên hệ chặt chẽ với mẹ còn giúp trẻ cảm thấy an toàn, cho phép chúng khám phá thế giới và đủ tự tin để tự giải quyết vấn đề. Ngoài ra, những bà mẹ tận tụy, chu đáo sẽ thường xuyên giúp đỡ trẻ, càng giúp trẻ phát huy hết tiềm năng của mình.
Tuy nhiên, điều này chỉ đúng một phần. Theo tạp chí Mỹ Cosmopolitan, chỉ số IQ của trẻ vẫn là kết quả từ sự chung tay của cha mẹ. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng, toàn bộ mảng đặc điểm gen xác định khác như khả năng trực giác và cảm xúc của trẻ được thừa hưởng từ người cha. Đây cũng là “chìa khóa” để mở ra sự thông minh tiềm năng cho trẻ.
Các nhà khoa học còn bổ sung thêm một thông tin vô cùng quan trọng rằng, trí thông minh không chỉ do di truyền quyết định, mà còn chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nữa. Chỉ khoảng 40 – 60% trí thông minh là do di truyền, phần còn lại phụ thuộc vào môi trường.
Làm gì để tăng chỉ số IQ của trẻ?
Cho bé ăn nhiều thực phẩm tăng cường trí não
Một nghiên cứu của Đại học Nam California đã chứng minh rằng sự thiếu hụt dinh dưỡng trong những năm đầu đời không chỉ dẫn đến suy giảm chỉ số thông minh mà còn dẫn đến sự gia tăng các hành vi chống đối xã hội và hung hăng ở thời thơ ấu và thanh thiếu niên.
Các nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng Nhật Bản cũng chỉ ra rằng 80% sự phát triển trí não của trẻ phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng. Để trẻ thông minh, việc cân bằng dinh dưỡng là rất quan trọng. Các loại thực phẩm được chuyên gia khuyến nghị gồm có thịt, cá, trứng giàu protein; thịt nạc nội tạng giàu sắt và kẽm; các loại hạt giàu axit béo không bão hòa.
Chơi trò chơi rèn luyện tư duy
Trò chơi giáo dục là hoạt động huy động đầy đủ mọi chức năng của não bộ. Từ khoảng 3 tháng tuổi, cha mẹ nên bắt đầu có ý thức cùng con chơi nhiều trò chơi khác nhau để liên tục kích thích sự phát triển trí não của trẻ. Một số trò chơi tư duy phổ biến nên áp dụng như xếp hình, xếp khối lego…
Trong quá trình chơi trò chơi giáo dục có thể tăng khả năng tư duy của trẻ, thúc đẩy sự phát triển của tế bào não, tăng cường mối quan hệ với cha mẹ. Do đó, nếu muốn thúc đẩy sự phát triển trí tuệ của trẻ, cha mẹ có thể cùng trẻ chơi thêm các trò chơi giáo dục nhiều hơn.
Đọc sách
Trong quá trình đọc sách, tất cả các vùng não của trẻ cùng hoạt động, não tiếp tục nhận các kích thích bên ngoài và duy trì trạng thái hoạt động.
Việc cha mẹ hướng dẫn trẻ đọc sách ngay từ khi còn nhỏ, có thể rèn luyện tính độc lập, nên cho trẻ đọc nhiều loại sách khác nhau, từ sách tranh đến sách chữ, từ truyện cổ tích đến tác phẩm kinh điển nổi tiếng, đa lĩnh vực, nhẹ nhàng, sẽ giúp ích kích thích sự phát triển trí não của trẻ.
Ngủ sớm và đủ giấc cải thiện trí nhớ
Thiếu ngủ lâu dài có thể dẫn đến các vấn đề về cảm xúc và hành vi, dẫn đến kém tập trung, cáu gắt, bồn chồn và khó điều tiết cảm xúc. Thiếu ngủ lâu dài còn có thể gây đau đầu, giảm trí nhớ, thậm chí là suy nhược thần kinh hoặc trầm cảm ở trẻ.
Vì thế, cha mẹ nên rèn luyện cho trẻ đi ngủ đúng giờ, số giờ ngủ sẽ tùy theo độ tuổi của trẻ và được khuyến khích tăng lên với trẻ nhỏ tuổi hơn.