Khi cơm áo gạo tiền trở thành phép thử của tình thân

Từ căn bếp lạnh đến những khoảng cách vô hình

Tại một phòng tư vấn tâm
lý ở Hà Nội, chị L.T.H – nhân viên văn phòng 36 tuổi rơi nước mắt khi kể về
sự xa cách ngày càng lớn giữa hai vợ chồng.

“Trước đây chúng tôi từng
cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn nhưng từ ngày chồng tôi thất nghiệp, mọi thứ
thay đổi. Anh ấy ít nói, hay cáu, còn tôi thì vừa lo toan vừa cảm thấy tủi thân”,
chị L.T.H kể.

Không khí trong nhà lạnh
dần không phải vì thiếu điện hay thiếu bữa cơm mà vì thiếu đi sự chia sẻ, sự đồng
hành trong thời điểm khó khăn nhất. Gánh nặng cơm áo đè nặng khiến không khí
gia đình trở nên nặng nề, anh im lặng, chị cáu gắt, con thì sợ hãi nép vào góc
nhà mỗi lần cha mẹ cãi nhau vì tiền.

Đáng chú ý, câu chuyện của chị H. đang ngày càng trở nên nhiều lên ở các thành phố.

Chia sẻ với Gia đình Việt Nam dưới góc độ chuyên môn, TS. Quách Thu Quế, chuyên gia tâm lý – giáo
dục khẳng định: “Áp lực tài chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây rạn
nứt trong các mối quan hệ gia đình hiện nay”.

TS. Quách Thu Quế, chuyên gia tâm lý – giáo dục

Tài chính không đơn thuần là tiền bạc

Nhiều người vẫn nghĩ xung
đột tài chính nghĩa là… thiếu tiền. Nhưng thực chất, theo TS. Thu Quế, thứ
khiến gia đình lung lay chính là cảm giác mất kiểm soát, thiếu an toàn về tương
lai. Nó khiến mỗi thành viên trở nên nhạy cảm, dễ mỏi mệt, dễ cáu gắt và khó cảm
thông.

Đặc biệt, khi kinh tế gia
đình lâm vào khó khăn, các cặp vợ chồng thường nảy sinh mâu thuẫn về cách chi
tiêu, nợ nần, ưu tiên tài chính… Một người muốn tiết kiệm, người kia lại thấy cần
đầu tư cho con cái hay công việc. Những mâu thuẫn nhỏ ấy nếu không được xử lý
khéo léo có thể dẫn đến sự mất kết nối.

“Tiền bạc không chỉ là
phương tiện sinh sống mà còn phản ánh giá trị, trách nhiệm và cả niềm tin giữa
hai người”, chuyên gia Thu Quế nhấn mạnh.

Sự khác biệt trong cách
phản ứng của đàn ông và phụ nữ cũng là một nguyên nhân gây nên rạn nứt.

TS. Thu Quế phân tích, đàn
ông thường có xu hướng gồng gánh, ít bộc lộ cảm xúc. Khi mất việc hay thất bại
tài chính, họ thường tự trách bản thân và rút lui. Còn phụ nữ lại cần được chia
sẻ, nói ra nên nếu không được lắng nghe, họ sẽ cảm thấy mình cô đơn, bị bỏ rơi.

Sự khác biệt này tạo nên
những hiểu lầm điển hình, người vợ cho rằng chồng vô tâm, không chia sẻ; người
chồng lại thấy vợ không hiểu mình, chỉ biết than phiền. Và như một vòng luẩn quẩn,
họ lùi xa nhau trong chính ngôi nhà mình đang sống.

Ảnh minh họa (Nguồn: Tirachardz/Freepik)

Trẻ em là những nạn nhân thầm lặng

Không chỉ người lớn, trẻ
nhỏ cũng là đối tượng bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những căng thẳng tài chính trong
gia đình. Nhiều phụ huynh tưởng rằng con “còn nhỏ, chưa hiểu gì”, nhưng sự thật
là trẻ cảm nhận được mọi thay đổi trong không khí gia đình, từ những ánh mắt mệt
mỏi của cha đến những tiếng thở dài của mẹ.

“Trẻ trong môi trường thường
xuyên căng thẳng vì tài chính dễ rơi vào tình trạng lo âu, mất niềm tin và thiếu ổn định tâm lý. Một số em học hành sa sút, mất ngủ, hoặc có biểu hiện hung
hăng, thu mình,.. Tất cả đều là cách chúng phản ứng với những điều chúng chưa
thể gọi tên”, chuyên gia nói.

Điều đáng lo hơn là nhiều
bậc cha mẹ không nhận ra sự hiện diện thầm lặng nhưng sâu sắc của những tổn
thương ấy. Họ mải lo xoay xở kiếm sống, mải tính toán các khoản nợ mà quên mất
điều quan trọng nhất là một cái ôm, một lời giải thích nhẹ nhàng cho con về lý
do vì sao mẹ hay cau có, vì sao cha không còn đưa con đi chơi công viên như trước
nữa.

“Đôi khi, trẻ không cần
biết chính xác tài chính gia đình đang khó khăn thế nào nhưng chúng cần được
nhìn thấy cha mẹ vẫn còn thương yêu nhau, vẫn ngồi ăn cơm cùng nhau và vẫn quan
tâm đến cảm xúc của chúng”, TS. Thu Quế nói thêm.

Vì vậy, dù trong bất kỳ
hoàn cảnh nào, hãy để con trẻ được là trẻ con, được yêu thương, được yên tâm và
được sống trong một mái ấm mà tiếng cười không bị che lấp bởi tiếng thở dài.

“Điều chỉnh cánh buồm” để vượt bão

“Không ai có thể chọn được
cơn gió nhưng có thể điều chỉnh cánh buồm”.

Không phải gia đình nào
rơi vào khủng hoảng tài chính cũng tan vỡ. Vẫn có rất nhiều gia đình biết cách
“điều chỉnh cánh buồm” để cùng vượt qua sóng gió.

TS. Thu Quế chia sẻ: “Tôi từng
làm việc với một cặp vợ chồng trẻ, hai người bị cắt giảm thu nhập sau dịch.
Thay vì trách móc, họ chọn cách lập bảng chi tiêu chi tiết, chia việc nuôi con,
làm thêm một cách công bằng. Mỗi tối, dù chỉ có bữa cơm giản dị, họ vẫn ngồi xuống
nói chuyện với nhau. Nhờ đó, họ không chỉ vượt qua khó khăn mà còn thêm gắn bó”.

Từ kinh nghiệm của mình, TS.
Thu Quế đưa ra 4 chiến lược giúp giữ gìn hạnh phúc trong những thời điểm “thiếu
thốn”:

Giao tiếp trung thực và
tôn trọng nhau: Đừng để các cuộc trò chuyện tài chính biến thành “phiên tòa luận
tội”. Hãy nói từ nhu cầu thật và cảm xúc thật.

Cùng nhau lập kế hoạch: Cắt
giảm chi tiêu nhưng không cắt giảm niềm tin. Mỗi người nên có tiếng nói trong kế
hoạch tài chính chung.

Chia sẻ cảm xúc đúng
cách: Nói “Anh/em đang lo” thay vì “anh/em không quan tâm gì cả” có thể thay đổi
cả cuộc trò chuyện.

Không ngần ngại tìm sự
giúp đỡ: Tư vấn tâm lý, cộng đồng chia sẻ tài chính, bạn bè, hãy chủ động kết nối
để có thêm góc nhìn và nguồn lực.

Khó khăn tài chính là điều
không thể tránh khỏi trong một xã hội luôn biến động. Nhưng như TS. Quế chia sẻ,
đây cũng là “cơ hội để học cách gắn kết, đồng hành và thể hiện tình cảm thật sự”.

Giữa những hóa đơn chưa
thanh toán, giữa các khoản chi tiêu chưa thể cắt giảm, giữa những lần ngồi lại
để tính toán từng đồng, hãy giữ lại một thứ không nên đánh mất, đó chính là
tình thân và sự tử tế với nhau.

Tiền có thể mua được nhiều
thứ từ tiện nghi, vật chất, trải nghiệm nhưng không mua được sự tin tưởng,
không mua được những buổi tối nhẹ nhàng cùng nhau nấu bữa cơm giản dị hay một
cái nắm tay khi đi qua đoạn đường gập ghềnh nhất của cuộc đời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *