Người trẻ “ngại cưới, lười sinh”
Giới trẻ hiện có câu đùa nói vui: “Ế là một xu thế”. Song, trên thực tế, đây là thực trạng xã hội không thể thờ ơ.
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, trong khoảng hơn 30 năm qua, xu hướng hôn nhân và mức sinh ở nước ta thay đổi rất lớn. Tuổi kết hôn tăng mạnh, tỷ lệ kết hôn giảm làm mức sinh giảm tới một nửa trong hơn 30 năm qua.
Cụ thể, từ năm 1989 – 2023, trung bình độ tuổi kết hôn lần đầu của nam từ 24,4 và nữ là 23,2 đã tăng lên 29,3 tuổi với nam và 25,1 đối với nữ vào năm 2023. Tỉ lệ người độc thân cũng đang có xu hướng tăng nhanh, từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% năm 2019.
Đáng chú ý, tại TP. HCM, số liệu thống kê từ báo cáo của GSO vào tháng 7/2024 vừa qua cho thấy, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại TP. HCM là 30,4, mức kỷ lục tại Việt Nam. Số con trung bình của một phụ nữ thành phố trong độ tuổi sinh đẻ là 1,32.
Không chỉ tại Việt Nam, xu hướng kết hôn muộn hoặc độc thân cũng đang không ngừng gia tăng, nhất là tại các quốc gia đang phát triển. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank), có đến 89 trong số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới hiện có tổng tỷ suất sinh dưới mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ, trong khi cách đây 50 năm chỉ có 8 quốc gia. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của Nhật Bản (34), Italy (34), Pháp (32,9), Nauy (33,1), Đức (32,8).
Tình trạng này gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với gia đình và xã hội. Khi tỷ lệ sinh thấp, quá trình già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh hơn và tạo gánh nặng về phúc lợi xã hội. Việc con cái quá nhỏ trong khi bố mẹ đã lớn tuổi cũng gây ra áp lực cho mỗi gia đình trong cả việc chăm sóc con, cũng như chăm sóc người cao tuổi.
Đặc biệt trong bối cảnh các gia đình sinh ít con mà các cặp vợ chồng lại trì hoãn việc sinh con thì sẽ tạo áp lực rất lớn, gây ra tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trầm trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước…
Có nên đánh thuế người độc thân?
Thuế độc thân ở các nước như Mỹ hay Hàn Quốc từng là đề tài gây tranh cãi. Những người ủng hộ loại thuế này cho rằng độc thân tạo gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội. Việc thiếu trẻ sơ sinh mang đến những rủi ro dài hạn cho nền kinh tế, làm giảm quy mô của lực lượng lao động, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và sức sống của nhiều ngành nghề.
Chi tiêu phúc lợi cho dân số già cũng làm cạn kiệt ngân sách quốc gia, đáng lẽ có thể được sử dụng để nghiên cứu phát triển và thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp. Chính vì thế, lập luận của nhóm ủng hộ áp dụng thuế độc thân nhấn mạnh vào nhu cầu cấp thiết để bảo vệ sự tồn tại của quốc gia và cộng đồng.
Trong khi đó, những người phản đối nhận định thuế độc thân là bất công, vì nó khiến những người độc thân phải nộp thuế cao hơn so với những người có gia đình. Họ cũng lập luận rằng thuế độc thân không hiệu quả trong việc khuyến khích hôn nhân và sinh con.
Tại Việt Nam, trên các cộng đồng trực tuyến, các cuộc thảo luận xung quanh việc “có nên đánh thuế người độc thân không” hiện cũng đang nhận được sự quan tâm.
Chị Lê Thị Thùy Anh (24 tuổi, Nghệ An) cho biết bản thân không có ý định kết hôn trong 5 -7 năm tới. Như nhiều người trẻ khác, nguyên nhân được chị đưa ra cho quyết định kết hôn muộn là chưa chuẩn bị tâm lý, tài chính hạn chế, muốn theo đuổi sự nghiệp, ổn định kinh tế.
Trước câu hỏi có nên đánh thuế người độc thân hay không, chị lập luận: “Nhiều người trẻ hiện nay không muốn kết hôn, sinh con sớm vì lo lắng chi phí nuôi dạy một đứa trẻ quá đắt đỏ nhất là khi điều kiện kinh tế chưa vững chắc, ổn định hoặc thiếu hụt. Vì vậy, việc đóng thuế độc thân có vẻ thiếu tính thực tế và chỉ tạo thêm gánh nặng, áp lực kinh tế cho người trẻ”.
Đồng quan điểm, chị Lê Phương Liên (34 tuổi), nhân viên bán hàng tại Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: “Ở độ tuổi của mình, hầu hết bạn bè đã “cắp nách” hai con. Dù gia đình liên tục thúc giục nhưng mình muốn kết hôn khi gặp được người thực sự phù hợp.
Việc đánh thuế người độc thân cũng không thể khiến mình tìm được người yêu nhanh hơn. Và mình cũng tin rằng không ai yêu nhanh, cưới vội chỉ để “né” thuế. Vì vậy, phương án này sẽ không mang lại hiệu quả trong việc khuyến khích kết hôn và sinh đẻ”.
Anh Phạm Đức Toàn (27 tuổi, Nam Định) cũng cho rằng phương án gây áp lực tài chính để người trẻ kết hôn, sinh con là không công bằng và không mang lại hiệu quả.
“Kết hôn và nuôi dạy con cái tốn kém hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Vài trăm nghìn tiền thuế có lẽ chỉ là con số nhỏ so với chi phí nêu trên nên khó có tác dụng thay đổi quyết định kết hôn muộn của nhiều người”.
Ngoài ra, anh Toàn cũng cho rằng, thực tế hiện nay người độc thân cũng đang phải “gián tiếp” đóng thuế. Với những người có con nhỏ, mức thuế thu nhập cá nhân hàng tháng đã được áp dụng chính sách giảm trừ đối với người phụ thuộc nên người độc thân đang phải đóng mức thuế cao hơn.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chị Nguyễn Thị Hương Giang (25 tuổi, Thanh Hóa) lại đồng tình với việc đánh thuế người độc thân.
“Nhìn ở khía cạnh tích cực, việc đánh vào kinh tế càng lớn thì càng ảnh hưởng đến khả năng ra quyết định của mọi người. Vì vậy, các giải pháp thưởng sinh con hay thuế độc thân có thể là một giải pháp phụ trợ để thúc đẩy việc kết hôn và sinh con.
Nhưng tốt nhất là vẫn nên có các chính sách khác nữa để giảm thiểu chi phí mua nhà, nuôi con. Khi đó, gánh nặng tài chính giảm bớt thì các bạn trẻ sẽ sẵn sàng kết hôn hơn”, chị Giang chia sẻ.
Có thể thấy, để giải quyết được bài toán này việc áp thuế với người độc thân dường như là chưa đủ. Thay vào đó, cần thêm những biện pháp khuyến khích kết hôn, sinh con như ưu tiên hỗ trợ mua nhà, giảm các chi phí ăn học, khám chữa bệnh, vui chơi, giải trí… Chỉ khi các bạn trẻ cảm thấy sẵn sàng, đủ vững vàng để bước vào hôn nhân và không áp lực khi nuôi một đứa trẻ thì tâm lý “trốn” kết hôn mới có thể thay đổi.